Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề: "BĐS Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới", ông Nguyễn Văn Đính cho biết, dựa trên thống kê ở 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam có thể thấy dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhưng thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra. Bởi dù nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không hề giảm do đây là đối tượng cần đi trước.
“Sức khỏe BĐS có bị tác động tiêu cực nhưng thị trường này vẫn có sức sống, 'không chết' dù phải chững hay đứng lại do bối cảnh dịch bệnh”,ông Đính nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, mặc dù dịch bệnh nhưng thị trường BĐS vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra. |
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ, ở Việt Nam cứ một dự án ra đời thì chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Do đó trong 2 năm xuất hiện COVID -19, khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà đầu tư đã lấn sang BĐS và coi đây là thị trường có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công,... Dẫn đến việc thị trường không có nhiều sản phẩm mới, cung không đủ cầu.
Trước đó, báo cáo thị trường BĐS quý III/2021 của batdongsan.com.vn cũng cho thấy, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng thị trường BĐS vẫn có những điểm sáng đến từ một số khu vực, loại hình, và giá BĐS vẫn tiếp tục có xu hướng tăng.
Điển hình là tại Hà Nội và TP. HCM, mặc dù nguồn cung và nhu cầu giảm nhưng giá BĐS vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó giá chào bán chung cư tại TPHCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7, nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Còn Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.