Anh bất ngờ trình làng máy bay ném bom tàng hình không người lái

Anh bất ngờ trình làng máy bay ném bom tàng hình không người lái
TPO - Một máy chiến đấu không người lái mới được chế tạo cho quân đội Anh và đang chuẩn bị trải qua lần bay thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm nay.
Máy bay không người lái tấn công tàng hình Taranis
Máy bay không người lái tấn công tàng hình Taranis . Ảnh: Telegraph

Loại máy bay không người lái tấn công tàng hình mới có tên Taranis (Sấm sét), được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ bay trên mọi châu lục để tấn công mục tiêu và có thể tự động cơ động tránh né tên lửa.

Taranis có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, không thể bị radar phát hiện và không có phi công trên khoang lái. Đây là một máy bay robot mới và sẽ trở thành một máy bay ném bom thế hệ tiếp theo cho Không quân Anh.

Taranis được chế tạo với trị giá 125 triệu Bảng, được thiết kế để trở thành một máy bay thế hệ tiếp theo đầu tiên cho quân đội Anh để có thể thay thế cho con người khi thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm.

Theo kế hoạch, máy bay Taranis sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong một loạt chuỗi bay thử nghiệm trên bầu trời Australia vào mùa xuân năm 2013 để trình diễn công nghệ cho các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh.

Hiện tại, lực lượng Không quân Anh đang sử dụng các máy bay tiêm kích bom Tornado GR4 là máy bay tấn công hàng đầu của họ, mặc dù Eurofighter Typhoon cũng đang được lên kế hoạch sẽ thay thế Tornado trong những năm tới.

Máy bay không người lái điều khiển từ xa như loại Reaper cũng đã được Bộ Quốc phòng Anh và quân đội Mỹ sử dụng để tấn công mục tiêu của họ.

Tuy nhiên, Taranis dự kiến sẽ tạo ra một nguyên mẫu của một loại máy bay ném bom mới, mà có thể thay thế những máy bay có người lái và những UAV tấn công hiện tại.

Với hình dáng thiết kế khá giống với loại máy bay ném bom tàng hình có người lái B-2 Spirit của Quân đội Mỹ, Taranis có thể bay một cách tự động bằng cách sử dụng hệ thống máy tính trên khoang để điều khiển tự cơ động, né tránh những mối đe dọa và nhận dạng mục tiêu. Chỉ khi nào cần tấn công một mục tiêu, máy bay mới cần tới sự điều khiển của con người.

Nigel Whitehead, Giám đốc quản lý chương trình phát triển Taranis nói rằng, máy bay không người lái mới có thể thay đổi cách thức máy bay được Bộ Quốc phòng Anh sử dụng trong tương lai, bởi hiện nay quân đội Anh vẫn đang sử dụng các máy bay có người lái để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Ông Whitehead cho biết: “Tôi nghĩ rằng chương trình Taranis sẽ được sử dụng để thay đổi tư duy của các cố vấn trong Bộ Quốc phòng bằng việc quan tâm hơn tới kế hoạch hình thành một lực lượng tấn công trong tương lai. Tôi đoán trước rằng, Bộ Quốc phòng sẽ chọn ra một lực lượng hỗn hợp gồm các máy bay có người lái và máy bay không người lái cho lực lượng tấn công hàng không tương lai”.

“Quyết định này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong đội hình tấn công của Không quân Anh trong tương lai”, ông Whitehead nói.

Taranis sử dụng công nghệ tàng hình, gồm một lớp “áo choàng” bảo vệ bên ngoài để tránh bị radar phát hiện. Nó sẽ có thể mang hàng loạt vũ khí trên khoang, gồm tên lửa và bom dẫn đường laser.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay tấn công không người lái cũng đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ một nhóm nhà luật pháp. Họ nói rằng, việc sử dụng vũ khí tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết nhiều người vô tội trên thế giới và không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Anh bất ngờ trình làng máy bay ném bom tàng hình không người lái ảnh 2

Những máy bay không người lái như loại Reaper hay Predator đang được Không quân Anh và Không quân Mỹ vận hành bằng những phi công điều khiển từ xa ở căn cứ hay một trung tâm chỉ huy nào đó.

Mặc dù UAV Reaper có tốc độ bay chậm, tối đa là 287 dặm/giờ (461 km/h), thấp hơn một nửa tốc độ âm thanh, khả năng thực hiện các nhiệm vụ “thợ săn – sát thủ” (hunter – killer) hay hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất ở Afghanistan mà không cần sử dụng phi công.

Máy bay không người lái hiện nay được xem là một cách thức mới để có thể sản xuất những máy bay bay cao hơn, nhanh hơn và xa hơn khả năng của một phi công điều khiển, bởi phi công có thể mệt mỏi khi bay đường dài và không thể chịu được trọng lực G quá lớn khi máy bay cơ động cao.

Nhưng cũng có những lo ngại, bởi máy bay không người lái được thiết kế để độc lập hoạt động, điều này sẽ đặt ra những rủi ro nếu máy bay bay ra khỏi tầm kiểm soát và không thực hiện theo lệnh máy tính vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Do vậy, máy bay Taranis sẽ vẫn được điều khiển dựa các lệnh được gửi đi từ một trong tâm chỉ huy trước khi tấn công mục tiêu.

Các thử nghiệm Taranis được hỗ trợ bởi một động cơ Rolls-Royce Adour 951, loai động cơ được sử dụng trên máy bay huấn luyện BAE Hawk. Trong quá trình thử nghiệm, Taranis sẽ được mô phỏng nhiệm vụ bay của nó chứng minh khả năng tự động lẩn tránh các mối đe dọa bất ngờ từ tên lửa đối không trên mặt đất và tìm kiếm các mục tiêu tiềm năng.

Sau khi đã xác định được mục tiêu nhà điều hành sẽ gửi lệnh, yêu cầu Taranis tấn công mục tiêu sau đó xác nhận mức độ thiệt hạ và quay trở về căn cứ một cách an toàn.

Taranis có chiều dài 11,2 m, sải cánh 9,75 m, trang bị một động cơ Adour 951 có lực đẩy 14.514 kg, tốc độ bay siêu âm. Một số thông số khác vẫn chưa được tiết lộ.

Vy Oanh
(theo Telegraph)

Theo Dịch
MỚI - NÓNG