Người quản lý nhà hàng cho biết ăn vàng chữa được khối bệnh. Nhưng nhiều người thì lại phản bác rằng đó thực ra chỉ là một cách để thể hiện sự “xài sang” mà thôi.
Khi tôi chuyển những thông tin này tới ông Phương Anh, người quản lý nhà hàng Kim Ngân ngự thiện, ông ta bảo, ở Việt Nam chưa quen với các món ăn vàng, còn ở nhiều nước trên thế giới điều này chẳng hề lạ lẫm.
Là một kỹ sư hóa thực phẩm, ông Phương Anh đã từng làm việc trong nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhưng cho tới năm 2004 ông chính thức trở thành ông chủ nhà hàng có một không hai ở Hà Nội: nhà hàng chỉ chuyên bán các món ăn rắc vàng.
Ông kể, ý tưởng về nhà hàng bắt đầu hình thành khi ông có dịp đến các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và được thưởng thức các món ăn có dát vàng ở đây.
Sau này tìm hiểu thêm ông được biết trên thế giới ngay từ năm 1546 người ta đã bắt đầu trộn vàng vào trong rượu để uống. Ăn vàng đầu tiên là người Ai Cập, sau đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Ông còn kể người Anh thường ăn vàng vào buổi tối và trong nhiều đám cưới, vàng được trộn vào trong rượu, trong bánh, trong món tráng miệng.
Chưa hết, ông Phương Anh còn đưa ra một xấp tài liệu toàn tiếng Anh nói về chuyện chế biến các món ăn có dát vàng.
Theo tài liệu này, công ty sản xuất sinh phẩm vàng Đài Loan đã sản xuất ra bánh có dát vàng, nước uống có tên gọi Bio Nano trong đó có trộn vàng đã được xay nhỏ. Nhà cung cấp bánh Joyofbaking cũng cung cấp sản phẩm bánh ngọt có dát vàng. Trên thế giới người ta đã trộn vàng vào nước cam và sôcôla và còn nhiều, rất nhiều những thông tin tương tự khác.
Tôi chưa có đủ tiền để trở thành thực khách của những món ăn có vàng và cũng chưa nghiên cứu về chuyện ăn vàng trên thế giới, cho nên không xác định được độ tin cậy của những thông tin mà ông Phương Anh đưa ra. Nhưng tôi chắc chắn rằng, ở Việt Nam, các món ăn dát vàng đã có trong nhà hàng Kim Ngân ngự thiện của ông Phương Anh.
Ở đây, nếu thực khách nào hay hồ nghi, sẽ được nhà hàng đưa cho xem một bản photocopy kết quả phân tích được thực hiện tại Viện Địa chất cho thấy vàng trong các món ăn đích thị là “vàng bốn số 9”.
Nhưng ông Phương Anh cho biết, từ ngày mở nhà hàng tới giờ, thực khách nhiều nhưng những người hồ nghi chỉ rất ít, đâu có hai, ba trường hợp gì đó, còn lại thực khách đã tới ăn là tin tưởng vào nhà hàng.
Tôi hỏi: "Vậy ông đã chế biến vàng như thế nào để thực khách xơi được?”. Cứ tưởng vì bí quyết nhà nghề mà ông Phương Anh sẽ từ chối câu hỏi này, nhưng không, ông lại kể rất tỉ mỉ, chi tiết rằng, không phải các món ăn ở nhà hàng được làm từ vàng mà nó cũng được chế biến như tất thảy các món ăn bình thường khác.
Sau khi chế biến xong thì nhà hàng sẽ rắc bột vàng hoặc những miếng vàng đã được dát cực mỏng lên bề mặt thức ăn. Ông Phương Anh bảo, cứ mỗi chỉ vàng sẽ dát được một miếng vàng có diện tích khoảng 2m2. Vì thế mà các miếng vàng này cực mỏng, chỉ độ 2 phần nghìn micro mét. Thực khách chỉ cần đụng nhẹ đũa vào là các miếng vàng này tan ra và lúc này chỉ có nhìn thấy những hạt vàng lấp lánh trên đầu đũa.
Dạo mới mở nhà hàng, ông Phương Anh phải chuyển những miếng vàng mỏng như thế từ Hàn Quốc về nhưng bây giờ thì công nghệ dát vàng kiểu này đã có ở trong nước nên không phải nhập ngoại nữa.
Khách đến ăn ở Kim Ngân ngự thiện ngoài các món ăn có vàng còn có thể gọi từng miếng vàng riêng và tùy theo diện tích miếng vàng ấy nhỏ hay to mà giá tiền sẽ nhiều hay ít.
Thông thường thì các món ăn ở đây sẽ đắt hơn khoảng 15% mà theo ông Phương Anh thì đây là tiền vàng chứ không phải là nhà hàng nâng giá để chém đẹp thực khách.
Ông Phương Anh kể, một thương gia người Nhật cho biết, ở xứ sở của mặt trời mọc món sushi rắc bột vàng có giá 90 USD/đĩa và món súp mì có giá 120 USD/bát. Còn ở Kim Ngân ngự thiện cô nhân viên trực điện thoại nhà hàng đã nhỏ nhẹ trả lời rằng nếu muốn ăn tôm hùm dát vàng thì giá sẽ là 800 nghìn đồng/kg.
Tôi nghe đã thấy phát hoảng nhưng ông Phương Anh nói chả biết là đùa hay thật rằng, nhiều nông dân ở gần nhà hàng cũng đã trở thành thực khách của nhà hàng này rồi đấy...
Một tờ báo ở Hà Nội đã phỏng vấn bác sĩ - tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh ở Viện Dinh dưỡng về chuyện ăn vàng. Trong bài phỏng vấn có đoạn tiến sĩ Ninh khẳng định: "Cho tới nay y văn thế giới chưa từng mô tả các bệnh lý do thiếu vàng và tính cần thiết của việc bổ sung thêm vàng mà chỉ có những tài liệu ghi lại các trường hợp ngộ độc kim loại nặng tại các khu mỏ khai thác vàng do nhiễm các kim loại nặng như vàng, thủy ngân, asenic...
Trong các khuyến nghị chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tính cần thiết phải bổ sung các vitamin và chất khoáng cho con người cũng không có tên của vàng. Do vậy, đưa vàng vô cơ vào cơ thể thông qua một số món ăn nhằm cung cấp giá trị dinh dưỡng và mục đích chữa bệnh là không có căn cứ khoa học”.
Trong khi đó, ông Phương Anh lại cho rằng, ăn vàng sẽ tăng cường sức khỏe, làm sáng da, chữa được nhiều bệnh như: phong thấp, gút. Bệnh ung thư cũng có thể trị bằng lade hơi vàng. Thậm chí ăn vàng còn có thể ngăn chặn được cả virút HIV nữa.
Ông Phương Anh còn bảo, FDA của Mỹ và WHO đã khuyến cáo nên đưa vàng (Au) như là vi chất thêm vào thực phẩm. Tôi hỏi, những kết luận khoa học ấy ông lấy ở đâu ra thì ông Phương Anh đưa cho tôi một xấp tài liệu của Viện nghiên cứu vàng Mỹ, của Hiệp hội Vàng quốc tế, của Tổ chức Sức khỏe Âu - Mỹ...
Nhưng có một tài liệu quan trọng nhất, chính thống nhất là tài liệu của WHO thì ông Phương Anh lại... không có. Ông Phương Anh bảo, ông tìm chưa ra (?!).
Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn - Giám đốc Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) - thì khẳng định rằng, trong danh mục thực phẩm chức năng (tức là các thức ăn để chữa bệnh) theo khuyến nghị của WHO chưa hề có vàng và câu chuyện ăn vàng để chữa bệnh là hoàn toàn không có bằng chứng khoa học.
Nhưng bạn tôi thì bảo, ăn vàng nếu không chữa được bệnh thì ít nhất cũng được tiếng sang và biết đâu trong trào lưu thời thượng bây giờ ăn vàng được coi là một đặc điểm nhận dạng người quý tộc qua bữa ăn. Không lẽ bạn tôi nói đúng?