Nguyễn Đức Chi bị phạt thêm 18 tháng tù:

Án tuyên, chuyện chưa hết

Án tuyên, chuyện chưa hết
TP - Chiều 2/3, TAND tỉnh Khánh Hoà tuyên phạt Nguyễn Đức Chi 18 tháng tù giam trong vụ Rusalka.

Theo HĐXX, Nguyễn Đức Chi giả mạo chữ ký của ông Sergei và bà Olga trong 13 văn bản của Cty RIT. Văn bản của Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa công nhận HĐQT Cty RIT được lập dựa vào biên bản giả về cuộc họp HĐQT Cty RIT ngày 1/12/2000, do vậy cũng không có giá trị pháp lý.

Nguyễn Đức Chi có hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhằm lừa dối các cơ quan nhà nước để thành lập bộ máy lãnh đạo Cty RIT, chỉ đạo báo cáo vốn khống đầu tư vào dự án Rusalka, xin thay đổi hình thức đầu tư và chuyển nhượng vốn để thanh toán nợ cá nhân không đúng quy định của pháp luật.

Tổng hợp với hình phạt bốn năm tù giam về tội “sử dụng trái phép tài sản” theo bản án ngày 31/12/2008 của Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại TPHCM, Nguyễn Đức Chi phải chịu năm năm sáu tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày Chi bị tạm giam, 25/6/2005. Trách nhiệm dân sự của Chi được tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có đơn khởi kiện.

Nguyễn Đức Chi không còn bị truy tố về tội danh nào khác nhưng vẫn còn rất nhiều điều trong vụ án điểm chưa được sáng tỏ và xử lý đến nơi đến chốn. Có ý kiến cho rằng việc điều tra, truy tố và xét xử Nguyễn Đức Chi trong những phiên tòa vừa qua cũng có nhiều bất cập.

Trong vụ liên quan đến Cty XNK và Lương thực Trà Vinh (ImexTravinh), Nguyễn Đức Chi mua gạo của ImexTravinh với tư cách GĐ Kinh doanh của Cty Arabella (Cty ở Mỹ, được cho là không có thực), nhưng nhận gạo từ ImexTravinh lại là Cty Elsinprom (Nga). VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Chi với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ImexTravinh”, đề nghị phạt y 12 – 15 năm tù.

Khi thụ lý hồ sơ, phía toà án cho rằng, bản chất hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Chi sẽ được làm sáng tỏ nếu cơ quan điều tra làm rõ mối quan hệ giữa Cty Arabella với ngân hàng Krasbank (Nga) và với Cty Elsinprom, quan hệ giữa Chi với hai người Nga là ông Alekxei (chuyên viên Krasbank, giúp Chi mua tư cách pháp nhân của Cty Arabella) và bà Natalia (buôn bán gạo chung với Chi).

TAND tỉnh Trà Vinh trả hồ sơ cho VKSND để điều tra bổ sung về những mối quan hệ này. Nhưng VKSND Tối cao lại cho rằng không cần xác minh thêm cũng đủ căn cứ truy tố Nguyễn Đức Chi về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết quả là, tại phiên xét xử sơ thẩm (8/10 đến 16/10/2008) và phúc thẩm (31/12/2008), các HĐXX không đủ căn cứ để kết luận Nguyễn Đức Chi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chỉ tuyên Chi phạm tội “sử dụng trái phép tài sản”.

Trong phiên tòa vừa kết thúc hôm qua, cáo trạng, lời khai của Nguyễn Đức Chi và kết luận của Tòa đều cho thấy, bị cáo nhiều lần có hành vi làm giả tài liệu. Theo một số chuyên gia pháp luật, lẽ ra Chi phải bị truy tố và xử phạt theo Khoản 2, Điều 267, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ hai năm đến năm năm tù. Nhưng Chi chỉ bị truy tố và xử phạt theo Khoản 1.     

Việc xử lý lệnh kê biên tài sản của dự án Rusalka (tháng 6/2006) sẽ không đơn giản. Và một vấn đề nữa, nhân dân khu vực bị giải tỏa để lấy đất cho dự án Rusalka vẫn sống tạm bợ, không biết sẽ đi đâu về đâu.

MỚI - NÓNG