Tết Nguyên đán là gì?
AP miêu tả, năm Tỵ 2025 là "Chunjie" hay còn gọi là Tết Nguyên đán Trung Quốc, Tết Nguyên đán Việt Nam, Seollal ở Hàn Quốc và Losar của Tây Tạng... đây là một lễ hội lớn được tổ chức tại một số quốc gia châu Á. Tết Nguyên đán cũng được các cộng đồng người di cư trên khắp thế giới tổ chức rộng rãi.
Mỗi năm, Tết Nguyên đán sẽ tôn vinh một con giáp dựa trên cung hoàng đạo Trung Quốc. Vòng tròn gồm 12 con vật theo thứ tự: Chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà trống, chó và lợn. Tuy nhiên, cung hoàng đạo Việt Nam sẽ hơi khác một chút, Việt Nam tôn vinh mèo thay vì thỏ như Trung Quốc.
![]() |
Tết Nguyên đán 2025 là một lễ hội lớn được tổ chức tại một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... |
"Rắn được coi là loài vật vừa đáng sợ vừa đáng tôn kính trong văn hóa Trung Quốc. Một mặt, rắn độc ác gắn liền với bóng tối. Nhưng trong thần thoại Trung Quốc, rắn còn được gọi là "rồng nhỏ", lớp da chúng lột ra được gọi là "áo rồng", tượng trưng cho sự may mắn và tái sinh. Rắn cũng tượng trưng cho sự theo đuổi tình yêu và hạnh phúc. Trong văn hóa Trung Quốc, rắn được xếp cùng với rùa và sếu như một biểu tượng của sự trường thọ", AP viết.
Những nghi thức đón Tết Nguyên đán độc lạ
Cho đến ngày nay, lễ mừng Tết Nguyên đán vẫn xoay quanh việc xua đuổi vận rủi và chào đón mọi điều tốt lành và thịnh vượng. Trong đó, người Trung Quốc sẽ sử dụng nhiều đồ trang trí có màu đỏ - màu tượng trưng cho sức khỏe, thịnh vượng, trường thọ, giàu có và may mắn. Người Đài Loan (Trung Quốc) đón Tết bằng cách đến đền Bạch Xà để tỏ lòng thành kính.
Tại Hàn Quốc, các gia đình sẽ thực hiện nghi lễ gọi là “charye”, trong đó các thành viên nữ chuẩn bị thức ăn và đàn ông dâng lên tổ tiên. Sau đó toàn bộ gia đình cùng thưởng thức thức ăn và cầu xin phước lành từ tổ tiên cho năm tới. Người Hàn sẽ mặc hanbok - trang phục truyền thống trong dịp này.
![]() |
Người Hàn Quốc mặc hanbok trong ngày Tết. Ảnh: Korea.net. |
Ở Việt Nam, người dân có truyền thống dọn dẹp nhà cửa thật kỹ để loại bỏ mọi năng lượng xấu trước khi năm mới đến. Người Việt coi đây là cơ hội để tạm biệt năm cũ và bắt đầu lại với một khởi đầu mới. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau, do đó bất kỳ người Việt nào đi xa đều sẽ về nhà dịp Tết.
Tại Singapore - một đất nước mà ba phần tư dân số là người Hoa, người dân có truyền thống tặng và nhận một loại phong bao màu đỏ, thường được trang trí bằng vàng, được gọi là "Hồng bao".
![]() |
Người Singapore tặng "Hồng bao" ngày Tết. Ảnh: Getty. |
Món ăn cầu may ngày Tết
Mỗi nền văn hóa có danh sách riêng về các món ăn đặc biệt trong năm mới, bao gồm bánh bao, bánh gạo, chả giò, quýt, cá và thịt. Ví dụ, trong văn hóa Trung Quốc, "changshou mian" hay còn gọi là "mì trường thọ" là món ăn cầu may dịp Tết, với mong ước có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hạnh phúc.
![]() |
Mì trường thọ là món ăn cầu may ngày Tết của người Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Người Trung Quốc sẽ chào nhau năm mới bằng những câu nói và cụm từ tốt lành để chúc nhau sức khỏe, giàu có và may mắn như "Cung hỷ phát tài", "Mọi sự bình an", "Thăng quan tiến chức, tài lộc dồi dào",...
Trong văn hóa Việt Nam, bánh chưng và bánh tét - những món ăn truyền thống làm từ gạo nếp - là không thể thiếu ngày Tết. Để làm bánh tét, lá chuối được lót bằng gạo, đậu xanh mềm và thịt ba chỉ và cuộn thành một khúc chặt, sau đó được gói trong lá và buộc bằng dây.
![]() |
Bánh chưng và bánh tét - những món ăn truyền thống làm từ gạo nếp - là không thể thiếu ngày Tết ở Việt Nam. Ảnh: Sinh viên. |
Người Hàn Quốc ăn mừng Tết bằng tteokguk - một món súp có nước dùng chứa bánh gạo thái mỏng. Ngoài ra, những bát súp rắn ấm cũng có trong thực đơn tại một số cửa hàng rắn ở Hồng Kông - Trung Quốc khi Tết Nguyên đán đến.