An toàn giao thông - Trông người lại ngẫm đến ta

An toàn giao thông - Trông người lại ngẫm đến ta
TP- Chúng ta đã đưa ra quá nhiều về các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), nhưng các giải pháp vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
An toàn giao thông - Trông người lại ngẫm đến ta ảnh 1
Hai xe ô tô khách đâm nhau làm 14 người chết, 42 người bị thương trên QL1A (huyện Hải Lăng - Quảng Trị)  Ảnh: Hữu Thành

TNGT vẫn ngày một gia tăng. Tại sao? Nguyên nhân chính là các giải pháp chúng ta đưa ra phần lớn mang tính “tình thế”, cách làm vẫn mang tính “phong trào”...

Chúng ta đã đưa chương trình giáo dục an toàn giao thông (ATGT) đến chốn học đường; hạn chế cho đăng ký xe máy; tăng thuế đăng ký sử dụng xe máy; khống chế số lượng xe máy trên người đăng ký; kêu gọi tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, vân vân và vân vân. Tuy nhiên, tình hình TNGT không được cải thiện gì mấy.

Trông người

Ở nước Úc, ngay từ nhỏ mọi công dân đã có cơ hội nhận thức về Luật Giao thông và ATGT khi lưu thông trên đường cùng xe với người lớn (adults). Nếu xe người lớn có kèm trẻ em thì trách nhiệm của họ tăng lên gấp nhiều lần.

Đồng thời xe có trẻ em chạy phạm luật cũng bị phạt nặng hơn, bởi vì phong cách lái xe không nghiêm túc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em về lâu dài.

Khi đến tuổi đi học, họ lại được học về Luật Giao thông ở trường như là một môn học chính khoá. Bất kỳ công dân nào khi đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) đều phải vượt qua kỳ thi hiểu biết về Luật Giao thông trước khi được phép ngồi vào sau tay lái học những động tác cơ bản đầu tiên điều khiển phương tiện có người hướng dẫn (thường là người được cấp bằng - dạy chuyên nghiệp).

Sau ít nhất 200 giờ thực hành cùng người hướng dẫn, họ mới được phép đăng ký thi lấy bằng lái. Bằng lái của họ cũng chỉ có hạn định (Probationary Licence).

Trong thời gian 3 năm này, bất kỳ một lỗi vi phạm nào cũng có thể bị tịch thu bằng. Sau 3 năm họ phải thi lại một kỳ thi khác để lấy bằng chính thức (Full Licence).

Từ việc học lái cho đến việc lấy bằng mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Việc xử phạt lại rất công minh, nghiêm khắc nên chẳng có ai dám vi phạm luật, cho dù trên đường không thấy bóng công an.

Cứ mãi như vậy hình thành thói quen tốt trong những người tham gia giao thông. Những lỗi vi phạm thường bị phạt nặng đó là: chạy vượt tốc (tuỳ loại đường), vượt đèn đỏ, không nhường đường, dùng chất kích thích hoặc rượu, bia khi lái xe…

Ở các giao lộ, khi đèn đỏ tất cả các phương tiện đều phải dừng. Xe chỉ được chạy khi đèn xanh, không hề có chuyện tranh thủ “cướp” đèn vàng để chạy - rất nguy hiểm.

Ở Úc không có lực lượng CSGT chuyên lo về “giao thông” như ở ta mà có cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra rất thường xuyên. Ngoài việc đi tuần để đảm bảo an ninh, bất kỳ một cảnh sát nào cũng có thể phạt bạn nếu không chấp hành tốt luật giao thông. Mọi phương tiện giao thông vi phạm luật khó mà lọt qua mắt họ, chưa kể hệ thống camera an ninh hầu như có ở khắp nơi.

Ngoài ra, cũng có một lực lượng cảnh sát không mặc sắc phục lặng lẽ tham gia tuần tra trên đường. Họ dừng xe vi phạm, nói năng rất lịch sự, tôn trọng dân và phạt xác đáng, anh minh. Người bị phạt luôn cảm thấy “tâm phục, khẩu phục”. 

Có nên lập các trạm kiểm soát giao thông cố định?

Ở Việt Nam, câu hỏi đầu tiên xin hỏi: Có bao nhiêu người hiểu biết về luật trước khi được cấp bằng? Hầu hết mọi người lái xe ra đường theo thói quen và cảm tính nhiều hơn.

Bởi vậy, không mấy ai ý thức được ra đường phải đi sát trong lề, nên họ cứ thấy khoảng trống là chen vào. Chạy chậm cũng ra giữa đường, chạy nhanh càng muốn thế.

Vừa chạy vừa bấm còi inh ỏi, rất ồn ào và thiếu văn hoá. Đường tuy không bận rộn lắm nhưng lúc nào cũng bị kín. Vì vậy, khi xe nào vượt đều rất nguy hiểm, khả năng gây tai nạn với cả xe cùng chiều lẫn trái chiều đều rất dễ xảy ra. 

Ở các giao lộ, đèn đỏ vẫn có người thản nhiên rú ga, phóng xe vượt ẩu. Thậm chí, cả một vài người đứng tuổi cũng đủng đỉnh đạp xe qua. Đèn chưa xanh, vừa mới vàng các xe đã rú ga xuất phát.

Dịp Tết vừa qua, tại TP Tuy Hòa, Phú Yên, tôi đã có lần bị “sốc” khi chứng kiến có người mặc sắc phục công an nhân dân cùng tham gia giao thông thản nhiên nhìn người dân vượt đèn đỏ, không tỏ một thái độ gì. Có lần, tôi quá bất ngờ khi tận mắt bắt gặp xe của CSGT nằm trong tốp đầu tiên lao đi khi đèn vàng chưa kịp tắt. Đúng là: “Bó  tay!”.

Một câu hỏi khác: Có bao giờ bạn thấy CSGT “nhiệt tình” nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt các lỗi rất phổ biến như: xe đạp dàn hàng ngang trên đường; người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định; vừa lái xe vừa nghe điện thoại; dừng xe giữa đường trả lời điện thoại; rẽ trái/ phải không nháy đèn báo; đi xe trong đường ngược chiều...

Tại sao khi đi tuần tra CSGT không tận dụng cơ hội này để nhắc nhở cho người dân biết lái xe đúng luật, an toàn? Nhìn cảnh đường phố xe cộ rồng rắn, rẽ trái, rẽ phải tùy hứng, người đi bộ qua đường rất thản nhiên… thấy mà ngán ngẩm.

Họ không “nhìn xa” để thấy được rằng đó chính là những thói quen, mầm mống của ý thức không tôn trọng luật giao thông, coi thường mọi người xung quanh. Một khi chúng đã thành thói quen, đâu dễ gì xóa bỏ nhanh được!

Việc CSGT lập trạm đón chặn xe kiểm tra ngẫu nhiên, theo tôi, chưa phải là giải pháp hay có tác dụng trực tiếp đến việc giảm thiểu TNGT (trừ những trường hợp thật đặc biệt như truy tìm tội phạm, can thiệp phân luồng giao thông…). Bởi vì, phần lớn họ chỉ xử phạt được những xe thiếu gương chiếu hậu, không mang theo giấy tờ xe, không mua bảo hiểm… khá “vu vơ”, khiên cưỡng. Chẳng lẽ dừng xe lại kiểm tra, thấy thế không phạt sao đặng?!

Phải chăng CSGT ra quân, lập trạm, phạt những xe như vậy để có thành tích báo cáo ngày/tháng? Việc phạt như vậy khác gì “vạch lá tìm sâu”, gây tâm lý bất an, phản cảm trong nhân dân.

Để đối phó, chỉ cần mua một chiếc gương chiếu hậu nhỏ như “quả cam” gắn vào, qua trạm chạy “hiền” một chút sẽ “thoát”…

Chúng ta đã nói quá nhiều. Tất cả nên bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và cách làm của “quan trí”, sau đó mới hy vọng đến thay đổi ý thức của “dân trí”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao những giải pháp chúng ta đưa ra nhằm hạn chế TNGT đến giờ đều không mấy hiệu quả? Hãy nghĩ đến những giải pháp đơn giản, thiết thực và mềm dẻo nhiều hơn nữa.

Hải Dương (Australia)
Haiduongaustrali@yahoo.com

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.