Các loại tổ yến phổ biến đang lưu hành trên thị trường hiện nay đa phần là tổ yến sào. Nó bao gồm hai yếu tố chính: Gluco và Protein (hay còn gọi nôm na là đường và đạm). Phần Gluco bao gồm 7 loại đường đơn dễ hấp thụ. Phần Protein bao gồm 18 axit amin có hàm lượng cao mà cơ thể không thể tổng hợp được như Aspartic acid, Serine, Tyronsine… . 31 nguyên tố đa vi lượng rất giàu Ca và Fe là các khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể và các nguyên tố có ích cho ổn định thần. Ngoài ra, trong tổ yến có nhiều Vitamin, trong đó có Vitamin E, là loại Vitamin tăng cường sinh dục, có hàm lượng khá cao. Đặc biệt trong tổ yến có hai yếu tố kích thích sinh trưởng tế bào là axit sialic (8,6%) và một yếu tố chưa được tách chiết chiếm khoảng 1 phần triệu. Các chất này giúp hồi phục nhanh chóng các tổn thương, kích thích sinh trưởng hồng cầu…
Nói thế để thấy rằng yến là thực phẩm bổ dưỡng, không phải là vị thuốc thần kỳ, nên nếu có yến, chị hãy đem dùng, không nên đem cất giữ từ năm này qua năm khác. Tuy tổ yến có thể lưu giữ rất nhiều năm nếu giữ khô ráo, nhưng nếu để quá lâu, có thể gây mất chất, biến chất.
Các nhà dinh dưỡng thường khuyên nên ăn yến tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Vì buổi tối, khi ngủ được khoảng 1 giờ thì nồng độ chất nội tiết tố tăng trưởng rất cao, khi đó nếu có nhiều nguyên liệu do thức ăn cung cấp sẽ làm cho cơ thể tận dụng tốt nhất để phát triển. Nên ăn hàng ngày hoặc cách ngày đều đặn một lượng yến nhỏ thay vì thỉnh thoảng mới ăn một lượng yến lớn. Cách nấu yến tốt nhất là chưng cách thủy, sẽ giữ được các chất của tổ yến. Dù bạn có chế biến món gì, cũng nên chưng cách thủy tổ yến riêng, rồi mới trộn vào các món.
Có một vài khuyến cáo khi dùng yến sào, chị nên lưu ý: Bà mẹ mang thai dưới 3 tháng, em bé sơ sinh không nên dùng yến sào. Khi dùng cho các em bé, nên thử từ từ, vì có thể gây dị ứng. Ngoài ra, theo đông y, người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng… không nên dùng yến sào.
Theo Tri Thức Trẻ