Ăn rau mầm sống có thể gây ngộ độc

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Nguy cơ ngộ độc từ rau mầm đến chủ yếu từ cách sử dụng và chế biến của người tiêu dùng.

Rau mầm chứa nhiều loại vitamin thiết yếu như vitamin B, C, E, amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. Bên cạnh đó, loại rau này không dùng phân bón, không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, chỉ được tưới bằng nước sạch nên trong suy nghĩ của nhiều người, rau mầm là rau sạch.

Chính vì lẽ đó, hiện nay, rau mầm đã trở thành sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ cho bữa cơm ngon của gia đình và trẻ nhỏ. Thế nhưng, thời gian gần đây có thông tin rau mầm có khả năng gây ngộ độc đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Chị Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi thường mua rau mầm về ăn, nhưng thời gian gần đây thấy mọi người bảo ăn rau mầm có nguy cơ ngộ độc rất cao do bị phun chất kích thích nên cũng hơi lo lắng. Trước giờ thi thoảng có ăn giá đỗ sống, giờ thì không dám ăn, đồng thời hạn chế ăn rau mầm hơn”.

Không chỉ chị Thủy, nhiều bà nội trợ khác cũng rất bất an khi lựa chọn rau mầm trên thị trường. Nhiều chị em còn tự tay mua những hạt giống về gieo nhưng vẫn có tâm lý lo lắng vì cho rằng, trong hạt giống có chứa chất bảo quản, khả năng ngộ độc vẫn xảy ra.

Phải rửa sạch, kỹ

Đem băn khoăn này của người tiêu dùng tới PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Nguy cơ ngộ độc từ rau mầm chủ yếu từ cách sử dụng và chế biến của người tiêu dùng”.

Theo TS Thịnh, các loại hạt giống được sử dụng các chất bảo quản để chống sâu, mọt là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, khi gieo hạt, cộng với việc tưới nước cho rau, hóa chất sẽ bị đào thải chứ không còn tồn động trong cây. Do đó, việc hóa chất bảo quản gây ngộ độc cho người tiêu dùng là không có.

Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, khả năng ngộ độc rau mầm vẫn có thể xảy ra, cụ thể là: Thứ nhất, do nước tưới không sạch, có chứa vi khuẩn E.Coli, nó có thể gây tiêu chảy nhẹ hoặc một số bệnh về đường tiêu hóa khác. Thứ hai là do một số trường hợp sử dụng dung dịch phân đạm (nitrat) hoặc chất kích thích sinh trưởng tưới để cho lớn nhanh và chúng vẫn còn tồn đọng ở thân, lá cây, trong khi bình thường cây sẽ lớn lên nhờ chất dinh dưỡng tích lũy trong hạt. Thứ ba, do giá thể không được làm sạch, dễ bị nhiễm nấm. Điều này thường bắt nguồn từ những gia đình tự trồng rau mầm tại nhà. Thứ 4, nguyên nhân ngộ độc đến từ việc sử dụng rau mầm không đúng cách.

Tuy nhiên, PGS Thịnh cho rằng, với nguyên nhân do tình trạng sử dụng thuốc sinh trưởng hay sử dụng phân đạm cho rau mầm lớn nhanh rất hiếm gặp, bởi vì khi sử dụng những chất này, rau mầm có thể dài thêm 5-7cm, song nhiều khả năng chúng sẽ sẽ bị mềm, trông không ngon nên khó bán.

Như vậy, theo PGS Thịnh, nguyên nhân chủ yếu là đến từ cách sử dụng của người tiêu dùng. “Xung quanh chúng ta chỗ nào cũng có vi khuẩn, rau mầm cũng vậy. Chúng có thể bị nhiễm từ giá thể (cát, xơ dừa, nước… để trồng rau mầm), nhưng khi sử dụng, chúng ta không rửa sạch mà cứ thế ăn, thậm chí ăn sống thì nguy cơ ngộ độc là dễ hiểu. Do đó, nguyên tắc quan trọng để ăn rau mầm không bị ngộ độc là phải rửa sạch, kỹ, giảm tỉ lệ độc hại khi rau mầm bị nhiễm độc từ bên ngoài.” - PSG Thịnh cho hay.

Không nên ăn sống

Nhận thức được những nguyên nhân gây ngộ độc, người tiêu dùng có thể phòng tránh và ngăn chặn những nguy cơ đó.

Để ăn rau mầm không bị ngộ độc, TS Thịnh cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn rau mầm ở những cơ sở uy tín. Khi lựa chọn rau mầm, nên tránh những hộp rau khác thường như mập hơn, xanh mượt mà hơn hoặc có màu sắc lạ… Ngoài ra, an toàn và tốt nhất là nên mua hạt giống rau mầm về gieo tại nhà. Khi đó, người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn nước tưới, quy trình công nghệ để rau không bị nhiễm độc.

Với những trường hợp tự gieo rau mầm tại nhà, TS khuyến cáo, nên sử dụng nước sạch để rưới. Làm sạch và vệ sinh giá thể sau mỗi lần gieo trồng bằng cách nhặt rễ cũ, phơi, ủ lại để diệt vi khuẩn. Không nên dùng đi dùng lại giá thể, dễ khiến nấm mốc độc phát triển. Đồng thời các dụng cụ trồng rau mầm phải được vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo an toàn.

Một điều nữa cũng hết sức quan trọng đó là, dù mua trên thị trường hay trồng tại nhà và có kiểm soát được quy trình công nghệ thì rau mầm vẫn có chứa vi khuẩn ở môi trường xung quanh, do đó, không nên ăn sống mà phải rửa thật sạch, kỹ trước khi chế biến món ăn.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG