Ngày 17/7, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) bắt giữ Phạm Văn Quốc vì hành vi cố ý gây thương tích. Trước đó 2 ngày, Quốc ăn nhậu và hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn ào nên có 2 người ra nhắc nhở, nhưng bị nhóm của Quốc đánh. Trong lúc hỗn chiến, Quốc dùng dao đâm 2 người trọng thương.
Ngày 14/4, Nguyễn Thanh Khoa tổ chức nhậu, hát karaoke tại dãy trọ của mình ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Thấy ồn ào, một người đàn ông 50 tuổi ở dãy trọ gần đó sang nhắc nhở và dẫn tới cãi vã, bị Khoa đâm tử vong. Tối 21/11, ông Nguyễn Huy Ngọc (SN 1959, trú thôn Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) ném chai xăng châm lửa từ tầng 3 xuống đất. Một số quan chức và người dân Triều Khúc nhận định, có thể do hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào, ông Ngọc góp ý nhiều lần không được nên ném “bom xăng” để dằn mặt.
Đầu năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo, nhiều người dân vẫn sử dụng còi xe một cách bừa bãi, kể cả khi đường vắng hoặc bấm còi ở nơi bị cấm. Nguy hiểm hơn, việc dùng còi xe tùy tiện với âm lượng lớn còn là nguyên nhân gây mâu thuẫn, xô xát hoặc khiến người khác giật mình dẫn tới tai nạn. Tại Lào Cai năm 2018, một xe tải đi đến ngã ba đường chéo lên Sa Pa, tài xế thấy nhiều người tập trung tại đây nên bấm còi xin đường. Tiếng còi xe lớn khiến một phụ nữ sinh năm 1958 đang đi xe đạp giật mình, ngã ra đường đúng lúc một xe tải khác đi tới, chèn lên bà dẫn tới tử vong. Trước đó, tại Bình Dương xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong, do bà giật mình bởi tiếng còi hơi xe ben.
Pháp luật hiện hành quy định xử phạt hành vi bấm còi từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau; bấm còi hơi trong khu đô thị hoặc khu đông dân cư. Đặc biệt, việc lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất cũng bị phạt tiền và nếu dùng còi vượt âm lượng cho phép sẽ bị phạt tối đa 3 triệu đồng. Tuy nhiên, việc mua, lắp đặt các loại còi hơi cỡ lớn khá dễ dàng, trên mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử, còi hơi “khủng” được rao bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.