Xã hội Nhật Bản đang lão hóa nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Do sức ép của nhịp sống công nghiệp cùng với sự suy giảm kinh tế kéo dài hai thập kỷ qua đã góp phần làm cho sự gắn bó truyền thống giữa các thành viên trong gia đình người Nhật không còn nữa.
Hệ quả của nó là số lượng người cao tuổi sống cách xa những người thân của họ ngày càng tăng. Nhiều người già cảm thấy mình bơ vơ lạc lỏng giữa nhịp sống gấp gáp của xã hội công nghiệp hiện đại, họ rất sợ phải sống một mình và chết trong cô đơn, lạnh lẽo không ai hay biết.
Ngay tại đất nước mặt trời mọc tiên tiến và giàu có lại xuất hiện ngày càng nhiều những cảnh đời tội nghiệp, không biết phải đi về đâu, sống ra sao khi tuổi già sức yếu thì nhà tù là lựa chọn tối ưu và duy nhất cho họ để trải qua những năm tháng cuối cùng.
Thực tế nhiều người bạn già ở Nhật Bản gặp nhau thường hay nói lẩy một câu cười ra nước mắt : "Nhà tù là thiên đường, tự do là địa ngục."
Ai cũng biết cuộc sống trong tù là không hạnh phúc, trừ phi nó được so sánh với một cái gì đó tồi tệ hơn. Nhưng cái gì có thể tồi tệ hơn bị tước đi sự tự do? Những cái bị tước đi, có lẽ, là nhu cầu vật chất thiết yếu - thực phẩm, quần áo và chỗ ở.
Theo một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Shukan Shincho thì một số lượng ngày càng tăng người dân phạm tội không có động cơ nào khác ngoài khao khát được sống trong nhà tù với điều kiện ăn uống và an ninh tương đối tốt.
Độ tuổi trung bình của các tù nhân lúc mới vào một thời khoảng hơn 30 tuổi, nhưng giờ đây nó gần 50. Tù nhân phạm tội lần đầu ở tuổi 60 không còn là điều bất thường nữa. Nhiều người được giáo dục rất tốt, còn một số có sự nghiệp đáng kính.
Một hành vi phạm tội nhỏ nhặt lần đầu như ăn cắp, gian lận thì hầu hết mọi trường hợp đều cho hưởng án treo. Nếu muốn được lĩnh án tù giam phải hoặc là phạm trọng tội hoặc là tái phạm. Đối với một người không phải là tội phạm chuyên nghiệp, điều đó quả là một thách thức không dể gì vượt qua được.
Tù nhân nào họ cũng than thở rằng muốn vào sống được nơi này chẳng dễ dàng chút nào. Ở nơi mà việc ăn uống phải tuân theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt giúp cơ thể khỏe mạnh, được bảo đảm an ninh và thậm chí được sự chăm sóc chu đáo từ những tù nhân trẻ, điều mà nếu sống ở xã hội bên ngoài họ có nằm mơ cũng không bao giờ thấy được. Nhiều cụ mới vừa mãn hạn tù liền "lập mưu tìm kế" kiếm thêm tội khác để được trở lại tù.
Có một ông cụ mới vừa mãn hạn tù không một xu dính túi ung dung bước vào một nhà hàng nho nhỏ xinh xinh nọ (cụ cố tình chọn nhà hàng gần một đồn cảnh sát) nhìn xung quanh để chắc chắn rằng không ai có thể nhận ra mình. Sau khi an tọa, cụ bình tĩnh thưởng thức bữa tối thịnh soạn gồm sơn hào hải vị, nhâm nhi vài lon bia hảo hạng...cuối cùng cụ cầm tờ phiếu tính tiền lên đến 1.500 yên, cụ đã chịu khó ngồi im "chai mặt" một hồi đợi cho phần còn lại của "cuộc đời" tự nó giải quyết.
Ăn cắp cũng là cách làm phổ biến khác được nhiều người mới ra tù lựa chọn. Hoặc là thế này, như thường thấy ở nhà tù Nagano, nhiều cụ đón taxi thong thả đi từ Tokyo đến Nagano rồi nộp luôn mình vào nhà tù sau khi từ chối không chịu trả tiền cước.
Những người đang âm thầm tìm kiếm án tù giam không bao giờ muốn thổ lộ cho ai biết thực tế nỗi đau cùng tận của họ. Nhưng những khoảnh khắc vô tình: "Tôi thèm một bữa ăn đêm giao thừa", "Tôi không thể chịu được cái lạnh giá mùa đông"... lại là những lời tâm huyết xuất phát tận đáy lòng có thể hiểu và cảm nhận được.
Và trong thực tế, mỗi dịp năm mới đến người ta thường thấy danh sách tù nhân lại dài thêm ra.
Nguyễn Tri Hùng
Theo Japantimes