Ẩn họa từ trò chơi thả diều

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một nam thanh niên tại TPHCM vừa bị dây diều quấn cứa vào cổ, cắt đứt gân ngón tay khi đang điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TPHCM).

Nạn nhân là anh N.V.L (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Khi đang điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm lúc chiều tối ngày 31/10, bất ngờ một con diều rớt xuống, anh L bị dây diều quấn cứa vào cổ, bàn tay khiến anh té ngã xuống đường và phải cấp cứu tại bệnh viện.

Vết thương do dây diều gây ra kéo dài từ khoảng cằm phải đến góc hàm trái. Nạn nhân còn bị mất da 2 ngón tay phải và đứt hoàn toàn gân gấp ngón 3, 4, 5 tay phải.

Ẩn họa từ trò chơi thả diều ảnh 1

Một bãi thả diều tự phát ở khu đô thị mới Thủ Thiêm Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Theo ghi nhận của PV, tại TPHCM, vào buổi chiều, đặc biệt là những ngày cuối tuần ở khu vực bãi đất trống như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), khu đất trống đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp), một số khu vực khác ở quận 7, 8, Nhà Bè... đều có một số người dân mang diều đến thả.

Anh Phạm Hoàng Minh Tuấn (34 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) chia sẻ, thả diều là thú vui, sở thích cá nhân, không ai ngăn cấm. Tuy nhiên, người tham gia hoạt động này cần phải chú ý an toàn cho bản thân và người xung quanh.

“Tôi được biết đã có quy định cấm thả diều ở gần công trình lưới điện hay gần sân bay. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định cấm thả diều ở khu vực đô thị, gần đường giao thông vì có nguy cơ mất an toàn”- anh Tuấn nêu ý kiến.

Trong khi đó, anh Lê Văn Phong (29 tuổi, ngụ quận 8) lại cho rằng, thay vì cấm đoán, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý và tổ chức hoạt động thả diều vì đây là hoạt động thú vị. Anh Phong nêu quan điểm: “Cá nhân tôi nghĩ cơ quan có thẩm quyền nên có biện pháp quản lý và xem xét tổ chức một khu đất dành cho hoạt động này, có thể thu phí vé ra vào. Vừa đảm bảo an toàn, vừa có sự quản lý, tạo được việc làm và tránh những rủi ro đáng tiếc”.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Cty luật 360 - Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, trong trường hợp để diều hoặc dây diều gây thương tích, thậm chí tử vong cho người khác thì tùy theo tính chất, mức độ, người thả diều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” hoặc “vô ý làm chết người” theo Điều 138, Điều 128 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức, trong trường hợp vụ tai nạn của anh L, cần phải chờ kết quả giám định thương tật với nạn nhân. Từ đó, xác định chế tài đối với người gây tai nạn.

Với trường hợp mức độ thương tật chưa đến mức phải xử lý hình sự, người gây tai nạn sẽ bị xử phạt hành chính vì hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021.

Ngoài ra, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% đến 60%, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 138, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

MỚI - NÓNG