Chợt rùng mình khi nghĩ về những chuyến đò ngang vẫn đêm ngày đưa khách qua dòng sông Gianh ở nơi thủy thần đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người.
Thảm họa luôn rình rập những chuyến đò ngang trên sông Gianh. Ảnh: Hoàng Nam |
Trên chiếc xe máy, tôi và anh bạn làm ở báo Văn Hóa qua cầu, tiến về Quảng Hải vào đúng cái ngày mà cách đó một năm đã (tính theo dương lịch) xảy ra vụ chìm đò kinh hoàng.
Ngay đầu chân cầu phía bắc Quảng Hải 2, người ta đang mở một con đường dẫn từ cầu về trung tâm Quảng Hải dọc theo triền sông Gianh. Những chiếc xe múc, xe ủi nằm im lìm choán hết phần đường. Đất đá người ta đổ lên mặt đường, gặp mưa nhão nhoẹt, trơn như mỡ.
Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng chiếc xe máy vẫn cứ lạng lách không theo ý muốn. Đi chừng 50m, chiếc xe đổ nhào, hai chúng tôi văng mỗi người một ngả. Ý tưởng về Quảng Hải bằng đường bộ coi như phá sản.
Không thể đến đó bằng đường bộ, chúng tôi buộc phải thay đổi phương án về Quảng Hải bằng thuyền.
Tại trụ sở, ông Đoàn Xuân Thiện - Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: Một năm sau thảm họa, Quảng Hải cơ bản đã lấy lại được thăng bằng. Kinh tế có chiều hướng phát triển nhờ vào hệ thống cấp nước vượt sông, phục vụ cho hơn 120 ha đất trồng lúa vừa mới hoàn thành. Những hộ có người thân là nạn nhân trong vụ chìm đò đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nhiều tấm lòng nhân ái cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chính quyền địa phương cũng đã phân công các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các gia đình bị nạn gieo cấy cũng như thu hoạch nên sản xuất không bị ngưng trệ... tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết hơn.
Ông bà Khâm và 2 đứa cháu mồ côi |
Nói về giao thông đi lại, ông Thiện không khỏi ái ngại: Cầu Quảng Hải hoàn thành, mặc dù muộn nhưng cũng đã làm nức lòng người dân 9 xã vùng nam Quảng Trạch, đặc biệt là Quảng Hải. Ngay khi thông cầu kỹ thuật, tuyến đường bê tông nối cầu với trung tâm xã cũng được Sở GTVT giao cho nhà thầu tiến hành thi công.
Theo cam kết, con đường sẽ hoàn thành trong năm 2009. Nhưng không hiểu sao nhà thầu cứ làm cầm chừng. Sang 2010 rồi họ vẫn chưa đổ xong đất làm nền. Có được một con đường ra với thế giới bên ngoài là ước mơ ngàn đời của người dân Quảng Hải, nhưng với tiến độ này thì không biết đến bao giờ.
Ông Thiện kể: “Có nhiều thầy cô giáo, quê ở xã khác về đây dạy học than phiền với tôi, từ khi thông cầu tiền lương của họ không đủ mua xăng và sửa xe. Đoạn đường chỉ chừng 300m nhưng để đi qua thường phải mất hơn một tiếng đồng hồ.
Việc bị lao xuống sông, xuống ruộng cả người lẫn xe là chuyện thường ngày. Đó là trời nắng, còn trời mưa thì đành chịu. Hăng hái đi đường bộ được một thời gian, nay mọi người đành trở lại với những chuyến đò ngang đầy ẩn họa và ám ảnh”.
Anh Tạo bên bàn thờ vợ và con |
Nỗi đau còn đó
Về Vân Trung, Vân Nam và Vân Bắc những ngày này (ba thôn có những nạn nhân xấu số trong vụ chìm đò) khói hương nghi ngút toả khắp làng.
Chúng tôi ghé vào nhà của ông Cao Xuân Khâm ở thôn Vân Nam. Nhà có đông người, ông đang làm giỗ đầu cho ba người con của mình. Rất nhiều hàng mã được bày biện trên bàn thờ. Gặp lại chúng tôi, ông bật khóc.
Những giọt nước mắt ứ nghẹn của người cha 74 tuổi khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Ông có hai con gái và một con dâu là nạn nhân trong vụ chìm đò, để lại 6 đứa con còn đỏ hỏn.
Nuốt những giọt nước mắt vào trong, ông Khâm kể: “Tội nhất là con Hiên (Cao Thị Hiên-PV). Hắn là con gái út trong nhà, lấy chồng được một năm thì chồng mất do tai nạn. Ôm bụng bầu mới 2 tháng từ nhà chồng về nhà chúng tôi ở, sinh cháu được một năm thì hắn cũng ra đi trong vụ chìm đò, để lại cho vợ chồng tui đứa con trai chưa đầy tuổi. Đáng ra, đúng ngày 30 Tết là ngày giỗ đầu của chúng nó, nhưng năm nay nhuận nên làm sớm một tháng”.
Đang nói chuyện, ngoài ngõ bà Khâm hai tay dắt hai đứa cháu đi vào. Hai cu cậu thấy người lạ cứ rúc đầu vào ngực ông bà lấm la, lấm lét nhìn khách.
Bà Khâm nghẹn ngào: “Đây là hai thằng con của con út và con dâu. Khi mẹ chúng mất, cả hai đứa chưa đầy tuổi. Bọn hắn đói sữa khóc ngặt nghẽo suốt ngày, suốt đêm. Ở làng, xưa nay không có ai nuôi con bằng sữa ngoài, nên không biết, cứ ôm cháu chạy đi bú nhờ khắp làng. May mà nhờ có các đoàn về thăm, cho áo quần, cho sữa, rồi bày cho cả cách pha chế... không thì gia đình tui không biết bấu víu vào đâu”.
Cách nhà ông Khâm mấy ngõ là nhà anh Cao Xuân Tạo, 36 tuổi, có vợ và 2 con là nạn nhân trong vụ chìm đò. Anh đang ngồi bất động nhìn lên 3 di ảnh trên bàn thờ. Thấy chúng tôi vào, anh uể oải đứng lên đón khách. Khuôn mặt anh đen xạm, hốc hác, hai hố mắt trũng sâu vô hồn.
Vợ chồng anh lấy nhau được 12 năm, có 2 mặt con. Thời gian sống bên nhau không được là mấy. Vì ở quê làm ăn khó khăn, hằng năm cứ sau tết là anh lại lên đường vào miền Nam làm thuê, làm mướn tích góp để gửi tiền về cho vợ nuôi con. Năm ngoái, sau hơn 10 tháng trời biền biệt ở xứ người, anh về nhà để ăn tết. Mới được mấy ngày sum họp với gia đình thì xảy ra vụ tai nạn.
Con đường mới mở lầy lội dẫn vào trung tâm xã Quảng Hải |
Cái chết của 3 người thân khiến tinh thần anh hoảng loạn. Anh gần như không biết gì nữa khi nhìn thấy xác vợ và con được người ta vớt lên để bên sông. Mấy tháng trời, mưa cũng như nắng vật vờ ngoài nghĩa địa, anh không tin là vợ và con mình đã chết. Thế rồi anh đổ bệnh, bà con làng xóm đưa anh về nhà. Từ đó anh đóng cửa, suốt ngày ngồi bên bàn thờ nhìn di ảnh của vợ và con.
Ngày giỗ đầu, anh tự đi chợ mua những thứ mà vợ và con khi con sống vẫn thích ăn, rồi làm một mâm cơm đặt lên bàn thờ. Anh dọn đủ bát đũa cho 4 người. Anh vừa ăn, vừa gắp thức ăn bỏ lên 3 bát còn lại như những ngày gia đình còn sum họp.
Anh Tạo vừa nấc, vừa nói: “Nhiều khi tui đã tính đến cái chết để sớm sum họp với gia đình. Nhưng rồi nghĩ lại, không ai chăm sóc mồ mả cho vợ con”.
Trong chuyến trở lại Quảng Hải, chúng tôi cứ ân hận mãi là không gặp được gia đình anh em nhà lái đò đã gây ra vụ tai nạn là Nguyễn Xuân Quý và Nguyễn Minh Mậu. Trời dần tối và con đường lầy lội đã không cho phép chúng tôi ghé thăm nhà họ. Hai anh em họ đang phải ngồi tù vì hành vi gây ra vụ tai nạn.
Qua câu chuyện với những người thân của các nạn nhân, chúng tôi được biết gia đình họ hiện rất khó khăn. Trước khi vào tù Quý và Mậu đã có vợ và mỗi gia đình có 2 đứa con nhỏ.
Thuộc diện hộ nghèo, gia đình hai anh em Quý, Mậu sống nhờ vào chiếc đò ngang đã gây ra thảm họa. Thiếu hai người đàn ông trụ cột trong gia đình, hai người phụ nữ với những đứa con nhỏ không thể tạo lập cuộc sống mới.
Mặc dù, người làng thương tình đã xoá cho khoản bồi thường dân sự, nhưng nỗi ám ảnh về tội lỗi quá lớn mà chồng gây ra khiến họ không thể hoà nhập với làng xóm. Nhiều lúc đói đứt bữa mà không dám sang nhờ hàng xóm.
Rời Quảng Hải trên chiếc thuyền cũ nát trong đêm tối. Gió mùa đông bắc thổi buốt người, khiến tôi rùng mình khi nghĩ về những chuyến đò ngang vẫn đêm ngày đưa khách qua lại trên dòng sông Gianh.
Sông Gianh đoạn qua huyện Quảng Trạch có hơn 10 cồn nổi, thì 8 cồn có dân sinh sống và hầu hết là đơn vị cấp thôn, làng, chỉ duy nhất Quảng Hải là cấp xã. Mỗi cồn nổi có diện tích trên dưới 1km2 với gần 1,5 vạn dân đang sinh sống trên đó. Chỉ cách trung tâm xã, huyện từ vài trăm, đến vài ngàn mét nhưng những làng nổi trên sông Gianh gần như biệt lập, bởi cách đò trở giang. Cho đến nay chỉ Cồn Sẻ là có cầu tạm do dân tự bắc qua trung tâm xã, Quảng Hải có cầu nhưng vẫn chưa có đường. Những làng nổi còn lại vẫn phải chịu cảnh qua sông trên những chiếc đò đầy ẩn họa. Cấp phao cứu sinh cho các bến đò Sở GTVT trích ngân sách mua sắm, cấp phát miễn phí 500 áo phao và phao cứu sinh cho các chủ phương tiện đò ngang, đò dọc; Phối hợp với Phòng cảnh sát Giao thông đường thủy và chính quyền địa phương huyện Tương Dương lập Ban chỉ đạo và giám sát phương tiện giao thông đường thủy trong dịp tết Canh Dần. Nghệ An có 58 bến đò ngang, 2 bến đò dọc với gần 200 phương tiện, riêng huyện Tương Dương có trên 120 chiếc đò. |