Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19?

Các loại rau quả nhiều vitamin C. Ảnh: WebMD.
Các loại rau quả nhiều vitamin C. Ảnh: WebMD.
TPO - Trên CNN, nhà dinh dưỡng học Lisa Drayer ngày 25/3 có bài viết khoa học về những loại thực phẩm mọi người nên ăn để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm coronavirus mới.

Trước tiên, mọi người nên hiểu rằng, không có loại thần dược hay món ăn kỳ diệu nào đảm bảo tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ người dùng khỏi coronavirus mới.

“Không có loại thực phẩm bổ sung cụ thể nào giúp chống lại coronavirus và bất kỳ ai tuyên bố thực phẩm có tác dụng như vậy sẽ bị Ủy ban Thương mại Liên bang và Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ điều tra”, chuyên gia dinh dưỡng Melissa Majumdar, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ), nói.

Nhưng cũng có tin vui - có nhiều cách để giữ cho hệ miễn dịch hoạt động tối ưu, giúp cơ thể khỏe mạnh. Đó là rửa tay đúng cách, duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng, chăm tập thể dục-thể thao, quản lý strees và ngủ đủ giấc.

Có nhiều cách giúp hệ miễn dịch hoạt động tối ưu, trong đó có việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý vì hệ miễn dịch của con người phụ thuộc vào nguồn cung cấp ổn định các dưỡng chất.

Để có các chất chống ô xy hóa, khoáng chất, vitamin tăng cường hệ miễn dịch, hãy để rau, quả chiếm một nửa đĩa ăn của bạn.

Dưới đây là một số dưỡng chất chính có vai trò trong hệ miễn dịch và các nguồn thực phẩm chứa chúng.

Cà rốt, cải xoăn, quả mơ nhiều beta carotene

Beta carotene chuyển hóa thành vitamin A, rất quan trọng đối với hệ miễn dịch mạnh. Nó hoạt động bằng cách giúp các kháng thể phản ứng với các chất độc và  chất lạ, chuyên gia Melissa Majumdar nói.

Các loại rau, quả nhiều beta carotene gồm có khoai lang, cà rốt, xoài, mơ, rau chân vịt, cải xoăn, cải xanh, bí đao và dưa lưới.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 1 10 loại thực phẩm giàu beta-carotene. Ảnh: Dr.Jockers.

Cam, dâu, cải xanh nhiều vitamin C

Vitamin C làm tăng kháng thể trong máu và giúp phân biệt các tế bào bạch cầu, hỗ trợ cơ thể xác định loại nào cần được bảo vệ.

Một số nghiên cứu cho thấy, hàm lượng vitamin C cao (ít nhất 200 mg) có thể giảm nhẹ thời gian có triệu chứng cảm.

Có thể dễ dàng có được 200 mg vitamin C bằng cách ăn nhiều loại rau, quả như cam, bưởi, kiwi, dâu, cải bi-xen (bắp cải nhỏ), tiêu xanh, ớt đỏ, cải xanh, cải bắp (đã qua đun nấu) và súp lơ.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 2 Cải xanh giàu vitamin C. Ảnh: WebMD.

Trứng, pho mát, đậu phụ, nấm nhiều Vitamin D

Vitamin D điều chỉnh việc sản xuất một loại protein “tiêu diệt các tác nhân truyền nhiễm, bao gồm vi khuẩn và virus”, TS Michael Holick, chuyên gia nghiên cứu vitamin D ở Đại học Boston (Mỹ), người xuất bản hơn 500 bài báo và 16 cuốn sách về vitamin D, nói.

Vitamin D cũn thay đổi hoạt động và số lượng tế bào bạch cầu, giúp giảm sự lây lan của vi khuẩn và virus.

Việc thiếu hụt vitamin D vào mùa đông (do thiếu ánh nắng mặt trời nên cơ thể không thể hoặc khó tự sản xuất vitamin D) có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm virus gây viêm đường hô hấp trên, TS Holick nói.

Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin D có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm đường hô hấp cấp tính.

Các thực phẩm giàu hàm lượng vitamin D gồm có cá béo (trong đó có cá đóng hộp như cá hồi, cá mòi), trứng, sữa bổ sung vi chất, sản phẩm sữa thực vật, pho mát, nước hoa quả bổ sung vi chất, đậu phụ, nấm.

Trong khi hiện không có bằng chứng chứng tỏ bổ sung vitamin D sẽ bảo vệ cơ thể khỏi coronavirus, chúng ta vẫn nên ăn thêm đồ giàu vitamin D nếu cảm thấy chưa có đủ loại vitamin quan trọng này. Để biết cơ thể đủ hay thiếu vitamin D, có thể làm xét nghiệm máu.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 3 10 loại thực phẩm nhiều vitamin D. Ảnh: Befitandfine.

Đậu hạt, quả hạch, ngũ cốc, hải sản giàu kẽm

Kẽm giúp các tế bào trong hệ miễn dịch phát triển và phân hóa, chuyên gia Majumdar giải thích.

Có phân tích tổng hợp cho thấy, bổ sung kẽm có thể giảm thời gian có triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, cần phải có thử nghiệm chất lượng cao trên quy mô lớn trước khi đưa ra khuyến cáo cụ thể về lượng kẽm đưa vào cơ thể.

Các thực phẩm giàu kẽm gồm các loại hạt đậu (đậu xanh, đậu lăng…), đậu phụ, ngũ cốc được bổ sung vi chất, quả hạch (hồ trăn, phỉ, điều, óc chó, hạnh nhân, mắc-ca, hạt thông…), hạt nhỏ (chia, vừng, bí, hướng dương…), mầm lúa mì, hàu (kể cả loại đóng hộp), cua, tôm hùm, thịt bò, sườn lợn, thịt gia cầm sẫm màu, sữa chua.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 4 Các loại quả hạch có hàm lượng kẽm cao. Ảnh: Europa.

Sữa, trứng, quả hạch… nhiều protein

Protein là bộ khung của tế bào miễn dịch và kháng thể, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Protein đến từ cả hai nguồn thực phẩm động vật và thực vật, như cá, gia cầm, thịt bò, sữa, sữa chua, trứng, pho mát tươi, quả hạch, hạt nhỏ, các loại đậu.

Theo chuyên gia Majumdar, có thể ăn bim bim, đồ ăn nhẹ giàu protein như đậu răng ngựa (đậu gà) rang.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 5 Thịt gà, thịt vịt giàu chất đạm. Ảnh: ST.

Chuối, đậu hạt, hành, tỏi… nhiều prebiotics

Probiotics và prebiotics giúp tăng cường sức khỏe của các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn); chúng khỏe thì sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch của con người, chuyên gia Majumdar giải thích.

Các nguồn giàu probiotics gồm có các loại sữa lên men (sữa chua, sữa men…), pho mát chín, thực phẩm lên men (dưa muối kim chi, sauerkraut, miso, đậu tương lên men tempeh, bánh mì chua…).

Các nguồn nhiều prebiotics gồm ngũ cốc nguyên cám, chuối, hành tây, tỏi, tỏi tây, măng tây, atisô, đậu hạt.

Một nghiên cứu cho thấy, một số loại thảo dược giúp giảm triệu chứng viêm đường hô hấp trên.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 6 Các loại thực phẩm chứa nhiều probiotics, prebiotics. Ảnh: Food Revolution Network.

Nước lọc, nước hoa quả, súp… để cơ thể không mất nước

Cuối cùng, nhớ bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Phụ nữ cần uống khoảng 2,7 lít nước (nước lọc, nước ép trái cây, sinh tố, nước rau ép, súp…) mỗi ngày; đàn ông cần 3,7 lít nước.

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng COVID-19? ảnh 7 Phụ nữ cần uống khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày. Ảnh: Insider.
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).