Cá da trơn VN. Ảnh: V.H. |
Quy định này của Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Nafiqaved) nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp VN vi phạm quy định ghi nhãn đối với hàng nhập khẩu vào xứ sở chuột túi.
Hồi tháng 7, đại diện Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Australia đã yêu cầu VN giải thích thông tin rằng tên cá basa không được phép in trên bao bì xuất khẩu sang thị trường này, mà chỉ được ghi tên Latin là Pangasius hypophthalmus.
Đáp lại, Nafiqaved thông báo, VN không có quy định nào cấm loài Pangasius hypophthalmus được mang tên thương mại tiếng Anh là basa. Nafiqaved cũng không yêu cầu ghi tương tự khi kiểm tra và cấp chứng thư vệ sinh cho các lô hàng xuất khẩu sang Australia.
Liên quan đến việc Bỉ bắt giữ Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản An Giang (Afiex) Bửu Huy vào ngày 10/5 theo yêu cầu của Mỹ, mới đây Bộ Công an đã có kết luận chính thức: Afiex và một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN đã ghi sai nhãn hàng hóa. Thay vì ghi nhãn là cá tra, basa các doanh nghiệp này lại dùng tên cá mú (Grouper) trên bao bì.
Việc ghi sai tên thương mại hàng hóa được các doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu Mỹ là hai công ty Panhandle Tranding Inc (PTI) và Panhandle Seafood Inc (PSI).
Báo cáo điều tra của Bộ Công an khuyến cáo ngành thủy sản cũng như các cơ quan liên quan, việc thay đổi tên chủng loại và nhãn mác bao bì từ cá tra, basa sang cá mú, các loại khác là hành vi khai báo gian dối, vi phạm pháp luật VN cũng như pháp luật quốc tế.
Vì vậy, trong quá trình hội nhập WTO, nếu các doanh nghiệp VN chỉ vì lợi ích trước mắt, không tuân thủ pháp luật trong nước cũng như pháp luật quốc tế sẽ xảy ra tình trạng tương tự sự việc ông Bửu Huy, làm mất uy tín của VN trên thị trường thế giới.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) khẳng định, hành vi ghi sai nhãn hàng hóa chỉ xảy ra ở một vài doanh nghiệp và diễn ra từ những năm 2000, khi việc xuất khẩu vì nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên ở thị trường Mỹ, EU nên gặp khó khăn.
Tình trạng này hiện không còn tồn tại ở các sản phẩm thủy sản xuất khẩu VN. Bộ Thủy sản cùng Vasep cũng đã nhiều lần nhắc nhở, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện quy định về cách ghi nhãn hàng hóa theo thông lệ chung của quốc tế.
Tin từ Đại sứ quán VN tại Bỉ cho biết, ngày 18/8, Tòa thượng thẩm Bỉ sẽ xét xử công khai vụ việc ông Bửu Huy để xem xét các điều kiện dẫn độ doanh nhân này sang Mỹ, nếu phù hợp với hiệp định dẫn độ đã ký giữa 2 nước.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Afiex cho biết, công ty này đã thuê luật sư Bỉ Pascal Van Der Veeren chuyên về dẫn độ để bào chữa cho ông Huy trong thời gian còn tạm giữ ở Bỉ.
Luật sư Pascal Van Der Veeren đã yêu cầu công tố viên của Bỉ phải xem xét cụ thể trường hợp ông Bửu Huy. Theo luật sư, những chứng cứ do Mỹ đưa ra không đủ để kết tội ông Bửu Huy, cũng như không đủ cơ sở để dẫn độ ông sang Mỹ với tính chất hình sự.
Theo Phan Anh
Vnexpress