>> Trẻ em gửi tin nhắn sex ngày càng nhiều
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc cần thiết trước khi kết hôn. Ảnh: ĐCS. |
Những cuộc trao đổi trên các diễn đàn của rất nhiều người đã bày tỏ những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về xu hướng này.
Có ý kiến cho rằng, lựa chọn “có bầu rồi mới cưới” là quá thực dụng bởi người đàn ông chỉ biết nghĩ cho mình. Nếu trong trường hợp người phụ nữ đó không thể có con (và nguyên nhân thực sự là do họ) thì phần còn lại của cuộc đời họ sẽ sống ra sao?
Cùng chung quan điểm trên, có người cho rằng chuyện quan trọng nhất của hôn nhân là tình cảm và làm sao duy trì được hạnh phúc, sự hài hòa chứ không phải duy nhất chuyện con cái. Con cái là một phần (quan trọng) của hôn nhân và có nhiều cách để đạt được điều này, nhưng tình cảm thì không thể mua bán hay thay đổi được.
Tuy nhiên, còn khá nhiều ý kiến bày tỏ thái độ đồng tình với hướng lựa chọn này. “Bản thân tôi đã chứng kiến không ít các vợ chồng trẻ lấy nhau nhưng không có con sau một thời gian dài nỗ lực. Họ ly dị dưới sức ép của gia đình nhà chồng và cô gái gần như biến thành một người hoàn toàn khác. Cô ấy cặp bồ, sống buông thả, chán chường.
Nói chung ly hôn vì lý do không có con sẽ khiến áp lực nhân đôi. Hãy để mọi người tự biết hết về bản thân và sau đó họ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp. Nếu đã chọn rồi, họ sẽ cảm thấy thoải mái (hay ít ra là bớt áp lực)”, anh Hoàn, 30 tuổi, sống và làm việc tại Hà Nội bày tỏ quan điểm của mình.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho biết, các cặp đôi lựa chọn cách làm này cần phải xác định luôn tiềm ẩn những ‘rủi ro’. Bởi thông thường khi đã là vợ chồng, nếu gặp vấn đề về đường con cái thì họ thường gắn bó và có trách nhiệm cao với nhau để tìm ra cách chữa trị và nhiều cặp đôi đã thành công.
Nhưng với những cặp đôi mới yêu nhau, họ có thể không đủ kiên nhẫn để chờ đợi và chữa trị, dù có thể họ yêu nhau thật lòng và xác định nghiêm túc về vấn đề hôn nhân.
“Khi đó, người chủ động lựa chọn giải pháp “có bầu mới cưới” có thể lại chủ động ra đi sau thời gian thử. Người còn lại sẽ chịu nhiều thiệt thòi và tổn thương”, TS Quý cho biết.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về xu hướng này, TS Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhìn nhận những câu chuyện như thế này ngày nay là tương đối phổ biến. Nó không chỉ cho thấy sự thay đổi những giá trị truyền thống mà ngày càng thể hiện rõ hơn sự công bằng, tôn trọng quyền cá nhân, không lệ thuộc quá nhiều vào dư luận của mỗi con người.
“Những quan niệm truyền thống về tình yêu, hôn nhân, gia đình đã dần biến đổi. Đang có một cuộc cách mạnh trong tình yêu và hôn nhân ở Việt Nam. Theo đó, những chuyện trước đây được cho là “không thể chấp nhận được” thì nay đã trở thành chuyện bình thường”, TS Hồng đánh giá.
Theo các nhà xã hội học, tại Việt Nam hiện đã “nhen nhóm” một số (rất ít) các ý kiến đồng tình với quan điểm: Không nhất thiết lấy vợ là phải sinh con, thậm chí không yêu cầu vợ phải đẻ bởi mục đích duy nhất và cao nhất của hôn nhân không phải là việc sinh con. Những người này có cách nghĩ khá “thoáng” và chịu ảnh hưởng nhiều của xã hội phương Tây.
Tại các nước tư bản phát triển, vì nhiều lý do khác nhau, chuyện các cặp vợ chồng kết hôn nhưng không sinh con (dù họ có thể) không phải là chuyện hiếm.
Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, quan điểm “lấy vợ là phải sinh con” vẫn chiếm thế áp đảo tại Việt Nam và hầu hết các cuộc hôn nhân không con cái đều đứng trước nguy cơ đổ vỡ cao hơn các cặp có con. Theo quan niệm của người Việt Nam, con cái vẫn được coi là một “cầu nối” quan trọng giữa bố với mẹ và mọi người trong gia đình.
Vì vậy, trên diễn đàn webtretho, trong một topic bàn tán sôi nổi về việc làm sao để gìn giữ hạnh phúc gia đình, khi thành viên tamxuando bày tỏ ý kiến sẽ vẫn kết hôn nhưng không muốn sinh con nếu điều kiện kinh tế không tốt thì đã bị khá nhiều người “ném đá”.
"Mỗi người có quyền lựa chọn những điều tốt nhất cho mình" Bác sỹ Bùi Thị Chút, Phó phòng kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyên các cặp đôi đến tuổi kết hôn nên chú trọng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân để nắm được tình trạng bệnh tật, sức khỏe của mình. “Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình những gì tốt nhất. Vì thế, ngoài việc bản thân tự giác thì mỗi người có quyền yêu cầu đối tác kiểm tra sức khỏe, vì đó là người sẽ sống với họ cả đời. Khi đã biết hết rồi, họ sẽ cân nhắc và quyết định. Nếu chấp nhận được thì tiếp tục, nếu không thể chấp nhận thì chia tay. Đó là cách tốt nhất để tránh khỏi những đau khổ phát sinh sau này”, bác sỹ Chút nói. |
Theo N.Anh
(Vietnamnet)