Amidan: Cứ viêm là cắt?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Nhiều bậc cha mẹ, cứ đến kỳ nghỉ, đặc biệt là nghỉ hè thường chọn đưa con mình đi cắt amidan. Liệu viêm amidan có thể cắt trong mọi trường hợp?

Amidan là tên gọi chung cho các hạch lympho tập trung lại thành đám nằm ở họng tạo thành một vòng bạch huyết gồm có amidan vòm (V.A), amidan khẩu cái và amidan lưỡi. Khi nói đến viêm amidan tức là nói đến amidan khẩu cái, hạch nhân to nhất trong vòng bạch huyết.

Vai trò của amidan là sản sinh ra các kháng thể tế bào giúp cho cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, amidan lại có cấu tạo khe hốc nên thức ăn rất dễ ứ đọng biến nơi đây thành ổ trú ngụ của vi khuẩn.

Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết đột ngột, ăn đồ lạnh, các yếu tố ô nhiễm môi trường (bụi, khói xe, khói thuốc lá…) cũng là những nguyên nhân gây viêm amidan làm trẻ hô hấp khó khăn, thậm chí gây ngừng thở khi ngủ.

Trẻ bị viêm amidan thường có những triệu chứng: đau họng - cảm giác nuốt vướng hoặc khó nuốt, amidan sưng đỏ và có nhiều chấm trắng giống bã đậu bám trên, sốt cao, uể oải, nhức mỏi toàn thân, thở khò khè, hơi thở hôi, nhức đầu, một số trường hợp có cảm giác căng ở vùng dưới cằm do viêm hạch dưới hàm và gây đau.

Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ápxe xung quanh amidan khiến toàn bộ vùng quanh amidan bị sưng tấy, ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọng nói hoặc cách phát âm; gây viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản và khí phế quản; nguy hiểm hơn là thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết…

Khi nào nên cắt amidan?

Nhiều bà mẹ chỉ muốn cho con đi cắt amidan ngay khi con có dấu hiệu viêm nhưng cũng có mẹ lại lo sợ cắt có thể gây đứt dây thanh quản, làm mất tiếng. Thực ra, khoảng cách từ amidan tới dây thanh quản khá xa, phẫu thuật không bao giờ chạm tới được.

Amidan chỉ nên cắt khi:

- Khi amidan gây các biến chứng như đã nói ở trên; có nhiều đợt viêm cấp trong một năm (3-5 đợt); Viêm amidan mãn tính quá phát, ảnh hưởng tới việc thở, phát âm, ăn uống của trẻ.

- Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường hãy chờ 4-5 tuổi trở lên mới cắt. Tuy nhiên, có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt vì amidan dù không bị viêm nhưng quá to gây cản trở ăn, uống, thở của trẻ.

- Tạm thời không cắt amidan khi: trẻ đang bị viêm amidan cấp hay có biến chứng tại chỗ; đang có nhiễm khuẩn toàn thân, có bệnh mạn tính chưa ổn định; có bệnh dịch hay ở vùng có bệnh dịch sốt xuất huyết, cúm...; trẻ có các bệnh lý về máu như máu khó đông, suy giảm tiểu cầu, leucemi cấp, leucemi kinh...

Chế độ chăm sóc sau khi cắt amidan

- Từ 2-3 ngày sau mổ, giữ cho trẻ không nói chuyện to, ho, khạc nhổ. Sau đó, cần tập phát âm bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng.

- Khoảng 5-7 ngày sau mổ, cho trẻ ăn đồ lỏng (sữa, súp, cháo) và nguội. Sau đó, ăn cơm nấu mềm, rồi trở lại chế độ ăn như trước. Đồng thời, luôn phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối pha loãng, các dung dịch chống nhiễm khuẩn…

- Sau khi cắt amidan 7-10 ngày có thể bị chảy máu, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ khám và có biện pháp cầm máu kịp thời.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG