Ama Khang - đồng hành cùng bà con Raglai tiết kiệm điện

Ama Khang - đồng hành cùng bà con Raglai tiết kiệm điện
TPO - Với những nỗ trong công tác vận động tiết kiệm điện, Dương Khang, một đại lý ghi, thu tiền điện của Điện lực Thuận Bắc (Công ty Điện lực Ninh Thuận) từ nhiều năm nay được bà con dân tộc Raglai tại địa phương yêu quý gọi bằng cái tên “Ama Khang” (Cha Khang).

Ama Khang - đồng hành cùng bà con Raglai tiết kiệm điện

> Đủ sáng, hoàn vốn sau hai năm
> Thay đổi nhận thức tiết kiệm điện: Hiệu quả bất ngờ

Anh Khang đang hướng dẫn bà con thôn Xóm Đèn
Anh Khang đang hướng dẫn bà con thôn Xóm Đèn.

Sáng tạo, gương mẫu tiết kiệm điện

Địa bàn hoạt động của Dương Khang là xã Công Hải và một phần xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Phần lớn hộ dân nơi đấy là đồng bào dân tộc Raglai. Do trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, nên việc đưa kiến thức tiết kiệm điện đến với nhân dân là việc làm hết sức khó khăn.

Xác định rõ những khó khăn trên, Điện lực Thuận Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi phổ biến kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; CBCNV trực tiếp hướng dẫn khách hàng; ký cam kết xây dựng thôn văn hoá tiết kiệm điện …

Anh Dương Khang là người tích cực trong các chương trình phổ biến kiến thức, vận động người dân thực hành tiết kiệm điện.

Anh tự “sáng chế” cho gia đình mình cách thức tiết kiệm điện rất hiệu quả. Trên cơ sở hệ thống điện hiện hữu trong nhà, anh trang bị thêm 2 bóng đèn tiết kiệm (loại 20W và loại 40W) và gắn chúng vào cái phích nối với chuôi đèn cho thật tốt và an toàn.

Trong nhà phòng nào cũng có ổ cắm, tối đến phòng nào cần ánh sáng thì anh cắm bóng điện tiết kiệm vào phích buồng đó, khi không cần thì rút phích cắm khỏi ổ điện. Với các này, anh đã hạn chế được trình trạng bật đèn tràn lan của các phòng, kể cả khi không sử dụng tới.

Anh Khang kể: “Mỗi tối tôi chỉ thắp sáng 2 bóng đèn tiết kiệm là đủ, nó có hơi phiền hà cho chính mình vì khi đi đến đâu cũng phải di chuyển bộ bóng đèn tiết kiệm, nhưng thật sự nó rất tiết kiệm điện năng. Ngay trong tháng đầu áp dụng, tiền điện tôi phải trả được tiết kiệm đến 30.000 đồng”. Gia đình anh Khang là điển hình “gia đình tiết kiệm điện” tại địa phương.

Anh Khang chia sẻ: “Mỗi cá nhân, đơn vị có một ý tưởng, cách thức thực hành tiết kiệm điện. Là doanh nghiệp lớn có thể tham gia tiết kiệm điện bằng các giải pháp, chương trình quy củ. Riêng với những người dân, chỉ cần hướng dẫn để họ hình thành thói quen tốt là “đưa tay bấm vào công tắc điện lúc cần thiết” thì cũng đã tham gia tiết kiệm điện hiệu quả. Tiết kiệm điện không có nghĩa là tiết kiệm ánh sáng, mà là sử dụng điện một cách hiệu quả, không lãng phí”.

Ama Khang - đồng hành cùng bà con Raglai tiết kiệm điện ảnh 2
Anh Khang đang phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện cho bà con thôn Hiệp Kiết
Anh Khang đang phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện cho bà con thôn Hiệp Kiết.

Hạt nhân thúc đẩy tiết kiệm điện

Với nhiệm vụ của một người làm công tác dịp vụ bán lẻ điện năng, hàng ngày Khang đi khắp nơi trên địa bàn để ghi chỉ số điện và thu tiền điện. Đến đâu anh cũng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con thực hành tiết kiệm điện, xem bà con đã sử dụng các loại đèn tiết kiệm hay chưa, sử dụng điện có hợp lý và an toàn hay không.

Bà con Raglai thường dậy sớm, chong đèn thổi cơm để đi làm rẫy khi trời vẫn còn tối nên thường xuyên quên tắt đèn. Đích thân “Ama Khang” phải tắt hộ và thường xuyên nhắc nhở bà con: “Phải tiết kiệm chứ! Tiết kiệm cho mình và cho mọi người nữa”. Nhà nào xài điện tăng, anh cảnh báo ngay: “Tháng này nhiều đấy nha, coi mà tiết kiệm lại đi”. Anh còn hướng dẫn họ cách kiểm tra lại hệ thống điện, kiểm soát lại cách sử dụng hàng ngày.

Khi Công ty Điện lực Ninh Thuận triển khai chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện” tại huyện Thuận Bắc, anh Khang được mời tham dự. Với tư cách đại diện khách hàng dùng điện, anh đã cùng bà con trong thôn, bản và hứa quyết tâm tham gia cam kết thực hiện tốt chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện”.

Ama Khang nói: “Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền cho chính gia đình mình, tiền tiết kiệm này sẽ được tích góp để đầu tư cho con cái ăn học biết cái chữ, cái nghĩa, lợi ích biết nhường nào. Vì thế, tiết kiệm điện là văn hoá, là ích nước lợi nhà”. Tuy nhiên, theo anh Khang việc thực hiện tiết kiệm thế nào cho đúng, cho hiệu quả thì lâu nay bà con chưa nắm được.

Chương trình này đã giúp anh có thêm kiến thức để thực hiện sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Anh tự nguyện nhận phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện và vận động anh em các đại lý khác cùng tham gia, mang tờ rơi đến từng nhà bà con để đưa tận tay và hướng dẫn sử dụng rất cụ thể.

Như con thoi trên những nẻo đường Công Hải và Phước Chiến, anh đã làm chiếc cầu nối giữa khách hàng với ngành điện, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Những việc làm của anh tưởng như đơn giản, nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa lớn lao, giúp cho bà con địa phương, đặc biệt là bà con Raglai hiểu về chủ trương cũng như thực hiện sử dụng điện an toàn, hiệu quả góp phần xây dựng hiệu quả chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện”.

Ông Lê Hoàng Đạo –Phó giám đốc phụ trách Điện lực Thuận Bắc đánh giá: “Anh Dương Khang là một cộng tác viên nhiệt tình, cần mẫn, gắn bó của đơn vị. Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và là một nhân tố điển hình trong công tác vận động tuyên truyền sử dụng điện an toàn và tiết kiệm”.

Phùng Ngọc Tường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.