Tiếp tục chủ đề Di sản văn hoá hội nhập và phát triển, bên cạnh các đoàn nghệ thuật trong nước, Festival Huế 2012 hội tụ 40 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ đến từ năm châu lục, bao gồm đại diện của nghệ thuật đương đại chọn lọc từ Festival quốc tế, tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn đến từ các thành phố lịch sử. Đặc biệt, lần này xuất hiện nhiều đoàn đến từ châu Mỹ La tinh, châu Phi.
Gắn với Năm Du lịch Quốc gia, sáu tỉnh Bắc Trung Bộ cùng hội ngộ bên bờ sông Hương tạo ra một dấu ấn mới cho Festival Huế.
Đó là âm vang một miền di sản, với sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật, không gian trưng bày hình ảnh, hiện vật về di sản văn hoá của các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hoá.
Ngoài ra, có hội thảo đánh giá tiềm năng, thế mạnh và hướng phát triển của du lịch Bắc Trung Bộ.
Ngoài các sân khấu nghệ thuật, hoạt động lễ hội ở thành phố Huế, Ban tổ chức tiếp tục chủ trương mở rộng không gian Festival về các vùng quê.
Điểm nhấn phía bắc là tour Hương xưa làng cổ, đưa khách về thăm làng di sản Phước Tích, một làng quê điển hình của người Việt, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 500 năm.
Phước Tích đang được Nhật Bản hỗ trợ bảo tồn hàng chục ngôi nhà rường cổ và khôi phục, phát triển nghề gốm truyền thống, tạo thêm cơ hội thu hút khách du lịch.
Phía nam có tour Chợ quê ngày hội, gắn với cầu ngói Thanh Toàn, những phủ thờ, nhà thờ các họ tộc và sinh hoạt dân gian của ngày hội như chơi bài chòi, đạp nước, xay lúa, giã gạo, cất vó, câu cá.
Đây là những tour du lịch cộng đồng, chương trình lễ hội do chính người dân địa phương thực hiện. Người dân chính là chủ nhân của Festival, là đồng tác giả, và diễn xuất như những nghệ sĩ.
Một số chương trình nghệ thuật sẽ được đưa về phục vụ các cơ quan dân sự, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, nhân dân ở tất cả huyện, thị xã, kể cả hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.
Sản phẩm mới của Festival 2012 có lễ hội Thiên hạ thái bình; Khám phá sông Hương bằng ngự thuyền Long Quang, phục hiện vườn Ngự trong Hoàng thành, khánh thành Trung tâm văn hoá Tịnh Tâm, Trung tâm dịch vụ trải nghiệm Huế xưa-Huế nay...
Chương trình Đêm Hoàng cung được nâng cấp, mở rộng không gian, bổ sung nhiều hoạt động như: Triển lãm Ký ức Huế xưa qua cổ vật (ở nhà Tả Vu), chương trình sân khấu hóa Ký ức cung nữ (khu vực Trường lang), múa Cửu lân tranh châu (điện Kiến Trung), nghệ thuật sắp đặt Mặt nạ tuồng (Nhật Thành Lâu), hoạt cảnh Công chúa về dinh (cung Trường Sanh).