Ấm áp những mùa xuân yêu thương

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tặng quà cho bà con nhân dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn)
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tặng quà cho bà con nhân dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn)
Đến hẹn lại lên, dù cuối năm công việc bận rộn, song Lãnh đạo và người lao động trong hệ thống NHCSXH vẫn dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi cuối tuần của mình hối hả theo những chuyến xe hàng Tết mong chia sẻ một chút yêu thương và ấm áp cho người nghèo, đối tượng chính sách ở những miền quê biên giới, hải đảo xa xôi cho Tết thêm đầm ấm xum vầy trong chương trình thường niên “Chăn ấm vùng biên”.

Theo Đoàn thiện nguyện do Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu, chúng tôi đến xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Mới sáng sớm, các hộ dân xã Hoàng Việt đã xuống núi hân hoan nhận quà Tết. Năm nay, món quà Tết càng thêm ý nghĩa khi nhiều gia đình thuộc hộ nghèo và đối tượng chính sách vốn cả năm trông chờ thu hoạch từ cây hồng vành khuyên lại mất mùa. Đời sống người xã vùng III - Hoàng Việt còn khó khăn khi toàn xã có 1.265 hộ thì 80% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, tỷ lệ hộ nghèo cao. Dù vẫn nỗi lo được mùa mất giá, thu nhập thấp thỏm theo trời đất, thế nhưng với những người dân miền đất này, chăn nuôi gia súc và chuyển đổi cây trồng sang cây công nghiệp, cây ăn quả như hồng, quýt, hồi, bạch đàn vẫn là trọng yếu để giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế lâu dài.

Thế nên, nhận được quà Tết của NHCSXH, 200 hộ dân xã Hoàng Việt không chỉ vui vì Tết thêm đủ đầy mà quan trọng hơn là sự động viên chia sẻ từ cán bộ và người lao động trong hệ thống NHCSXH tiếp sức cho họ thêm niềm tin và kỳ vọng phát triển kinh tế cùng đồng vốn mà NHCSXH đã, đang hỗ trợ họ trong những năm qua. Như gia đình chị Nông Thị Hoài ở thôn Còn Nọoc. Tương lai thoát nghèo của gia đình chị đang trông cả vào 3ha bạch đàn được đầu tư từ 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo của NHCSXH từ giữa năm 2018. Hay như gia đình chị Bế Thị Minh ở thôn Bản Lẻ cũng đang xây cho mình một tương lai sáng rạng hơn từ việc việc vay vốn hộ nghèo hồi tháng 8/2019 của NHCSXH để đầu tư trồng 2ha hồng.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt, Âu Hoàng Ngân cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2019 toàn xã đã cho 140 lượt hộ vay với doanh số cho vay đạt gần 6,9 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 31/12/2019 của toàn xã Hoàng Việt là gần 22 tỷ đồng với 589 hộ đang vay, chiếm 46,56% hộ dân trong xã. Điều đó cho thấy hầu hết các hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện đã được tiếp cận vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư để phát triển rừng là 35%, đầu tư cải tạo, sửa chữa nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh và các dịch vụ khác chiếm 65%.

Ấm áp những mùa xuân yêu thương ảnh 1 NHCSXH mang quà Tết đến sớm với bà con nhân dân xã Hoàng Việt

Ngược lên xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) lại càng cảm nhận thêm cái khó khăn của đồng bào. Dù là xã vùng II và dân số ít hơn so với Hoàng Việt, song, hiện nay xã vẫn còn một xóm chưa có đường giao thông, nước sinh hoạt và sản xuất còn thiếu thốn trong mùa khô, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, song xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đặc biệt là cây thuốc lá vốn là chủ lực phát triển kinh tế của xã. Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu trong nông, lâm nghiệp còn chậm, tình trạng sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ vẫn diễn ra ở một số ít xóm vùng cao. Đời sống vật chất tinh thần của một số bộ phận người dân nông thôn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao với 93 hộ, chiếm 10,7%, hộ cận nghèo có 65 hộ, chiếm 7,48%.

Ấm áp những mùa xuân yêu thương ảnh 2 Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh tặng quà cho bà con nhân dân xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng)

Tuy nhiên, những con số đó với Chủ tịch UBND xã Phù Ngọc, Lã Hoài Bắc đã là một bước chuyển đáng kể của xã với sự trợ giúp của các chương trình tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện tại xã từ nhiều năm qua. Tính đến hết năm 2019 tổng dư nợ toàn xã Phù Ngọc là 23 tỷ đồng, tăng trưởng 2,8 tỷ đồng so với 31/12/2018. Số hộ đang có dư nợ là 482 hộ, chiếm 55,4% số hộ toàn xã, trong đó cho vay hộ nghèo là 155 hộ, cho vay hộ cận nghèo 50 hộ, cho vay hộ mới thoát nghèo 21 hộ. So với số hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện tại không chỉ cho thấy nguồn vốn đã đến với các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện mà hơn thế, nhiều hộ đã thoát nghèo trước khi kết thúc chu kỳ vay. 243 hộ được vay vốn từ chương trình tín dụng NS&VSMTNT, 215 hộ vay từ chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn... đã góp phần chuyển biến về đời sống của người dân, từ đó đưa Phù Ngọc cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Nhận quà Tết, anh Nông Văn Hướng ở xóm Cốc Chủ, xã Phù Ngọc càng thêm vui khi kể về bước chuyển ngoạn mục trong cuộc sống của vợ chồng anh chỉ trong vòng 5 năm qua. Từ một hộ nghèo năm 2016 khi mới tách hộ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đất đai lại hữu hạn, anh đã được Hội Nông dân hướng dẫn và NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đầu tư chăn nuôi lợn. Năm 2017 anh tiếp tiếp tục vay thêm 12 triệu đồng để làm bể nước, téc nước sinh hoạt, kiên cố lại chuồng trại hợp vệ sinh. Nhờ cần cù chịu khó mà đàn lợn càng sinh sôi cho đến lúc xuất chuồng, mỗi năm bán ra thị trường 2 - 3 tấn thịt lợn hơi và thu nhập trên một trăm triệu đồng. Hay như gia đình anh Nông Văn Việt ở xóm Nà Giàng, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng là điển hình phát huy nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Từ 30 triệu đồng vay vốn tại NHCSXH mua bò vỗ béo và lợn nái. Qua mấy năm cần cù chịu khó, những con bò béo đã được anh chị bán ra thị trường rồi tiếp tục mua con khác. Còn đàn lợn cũng phát triển dần, lúc nhiều nhất nuôi 7 con lợn nái, trên 80 con lợn thịt bán ra thị trường, trừ chi phí hàng năm gia đình lãi 150 triệu đồng. Hiện nay gia đình đang tiếp tục nuôi 1 con lợn nái, 32 lợn con và 3 con bò. Nhờ phát triển chăn nuôi gia đình anh đã xây được nhà kiên cố và mua sắm các dụng cụ đắt tiền phục vụ cuộc sống.

Những điển hình như gia đình anh Hướng, anh Việt đang góp phần thôi thúc người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế thay thế cây thuốc lá, phát triển kinh tế bền vững ở vùng miền núi. Trao quà cho các hộ nghèo ở xã Phù Ngọc cũng như xã Hoàng Việt, Lãnh đạo NHCSXH đề nghị Ban giảm nghèo và các hội, đoàn thể nhận uỷ thác cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để đoàn viên, hội viên, nhân dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời mong muốn chính người nghèo và các đối tượng chính sách cần thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tạo dựng sinh kế bền vững cho chính mình, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương.

Ấm áp những mùa xuân yêu thương ảnh 3 Quà Tết đến sớm với bà con nhân dân xã Phù Ngọc

Không chỉ có Lạng Sơn và Cao Bằng, Chương trình “Chăn ấm vùng biên” năm nay còn được NHCSXH thực hiện tại các tỉnh khác như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh với bình quân mỗi tỉnh 200 suất quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người khuyết tật và neo đơn, với tổng giá trị quà tặng lên tới gần 2,1 tỷ đồng. Tết Canh Tý này càng thêm đong đầy yêu thương khi tại chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố cũng có các chương trình an sinh xã hội riêng dành cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.

Và những chương trình trao quà Tết này cùng chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động an sinh xã hội hàng năm của NHCSXH. Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 11/2019, tổng số thực hiện các chương trình an sinh xã hội của NHCSXH là gần 199 tỷ đồng, trong đó, bên cạch các chương trình an sinh xã hội thường xuyên hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, NHCSXH còn kịp thời hỗ trợ người dân khi gặp thiên tai, rủi ro, ủng hộ biển đảo. Đặc biệt, các chương trình an sinh xã hội hướng vào các tỉnh, huyện nghèo, giúp địa phương nâng cao chất lượng sống cho người dân. Như riêng tỉnh Cao Bằng, Công đoàn NHCSXH đã hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho 10 hộ nghèo ở huyện Nguyên Bình; xây điểm trường cho học sinh huyện Thông Nông; xây nhà ở cho học sinh bán trú THCS Lương Thông...

Chia tay bà con nhân dân xã Hoàng Việt và Phù Ngọc, lại thấy một mùa xuân mới đang về. Những hành trình “Chăn ấm vùng biên”, an sinh xã hội đã và sẽ tiếp tục là một trong những hoạt động trọng tâm của NHCSXH trong năm 2020 và những năm tới. Cùng với việc cho vay hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kỳ vọng các chương trình an sinh xã hội sẽ góp phần khích lệ người nghèo và các đối tượng chính sách tự cường vươn lên giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách thu nhập của chính mình với người dân địa phương cũng như trên toàn quốc, hòa mình vào dòng chảy phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước.

Cùng với hoạt động an sinh xã hội, Công đoàn NHCSXH còn phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà cho 416 công nhân lao động nghèo trong cả nước với tổng số tiền 500 triệu đồng.

MỚI - NÓNG