Ám ảnh 'ma rừng' - kỳ hai

Đôi vợ chồng Nguyễn Diệu - Y Nhoang
Đôi vợ chồng Nguyễn Diệu - Y Nhoang
TP - Hơn một tháng trôi qua, nhưng việc chứng kiến vụ chôn con theo mẹ vẫn còn là nỗi bàng hoàng với thiếu tá Võ Duy Diễn, Tổ trưởng Tổ công tác KVàng - Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo (xã Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình).

> Kỳ 1: Rừng nổi giận

Đôi vợ chồng Nguyễn Diệu - Y Nhoang
Đôi vợ chồng Nguyễn Diệu - Y Nhoang .

Sáng 5-12-2010, do bị băng huyết sau khi sinh nên chị Hồ Thị Lon, 35 tuổi, dân tộc Mày, ở bản Kà Ai, Dân Hóa qua đời. Ngay lập tức trưởng tộc cùng các thành viên trong gia đình đã quyết định chôn sống đứa bé theo mẹ.

Sống dậy hủ tục

“Lúc tôi đến thì đứa trẻ đỏ hỏn đang được cuốn bằng tấm vải trắng, để ngay bên xác của người mẹ quá cố. Mặc cho đứa bé khóc vì lạnh, đói, họ chỉ còn chờ đến giờ là khiêng hai mẹ con đến với “rừng ma”, thiếu tá Diễn kể lại. Cố vận động, thuyết phục nhưng không ai nghe, trung úy Trương Vĩ Lê, đội trưởng Đội vận động quần chúng, đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo phải chạy về UBND xã để nhờ đoàn thể cùng can thiệp.

Sau nhiều giờ thuyết phục, đến gần cuối giờ chiều, mọi việc mới tạm thời ngã ngũ. Phía gia đình chị Lon đồng ý không chôn sống con theo xác mẹ nhưng ánh mắt hậm hực và sự sợ hãi của những người dân bản thì vẫn còn hiện rõ.

Anh Hồ Hoàng, chồng chị Lon, vẫn dáng vẻ thất thần: “Lon nó bỏ tôi về với rừng ma rồi. Dân bản bảo, mình tôi không được nuôi con, vì thế nào nó cũng chết, chi bằng cho nó sớm về với rừng ma nếu không con ma rừng sẽ phá phách bản làng. Luật tục của mình nó vậy, không nghe sao được”.

Theo thiếu tá Diễn, ngay đến bây giờ, cô em gái chị Lon nhận nuôi cháu Hồ Dưỡng vẫn không tránh khỏi sự kỳ thị của bà con dân bản. Các anh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động để bà con nhận thấy hủ tục sai trái của mình.

Ông Hồ Tuân - Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho hay: Từ trước đến nay, ở xã này đã xảy ra 3 - 4 trường hợp định chôn sống con theo mẹ được ngăn chặn kịp. Còn những người chết vì hủ tục này thì không thống kê hết được. Tưởng chừng hủ tục này bỏ cách đây gần 40 năm, nay lại tái diễn.

Trước Hồ Dưỡng, trường hợp chị Hồ Văn Phúc (35 tuổi) là người được kịp thời cứu sống.

Bản Kà Ai bất ngờ “sống” lại những hủ tục. Ảnh: Nguyễn Huy
Bản Kà Ai bất ngờ “sống” lại những hủ tục. Ảnh: Nguyễn Huy.

Những cái chết vô lý

Không riêng bản người Mày, tại bản Khe Rung (xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nhiều nỗi đau của người Ma Coong cũng mang hơi “ma rừng”.

Đã hơn 16 mùa rẫy, nhưng nhớ lại ngày phải tự tay chôn sống đứa con của mình, ông Y Cư, 68 tuổi vẫn còn dằn vặt. Tháng 11-1994, vợ Y Cư chuyển dạ nhưng bị băng huyết và qua đời. Y Cư chưa hết bàng hoàng trước nỗi đau mất đi người vợ lại bị dân bản buộc phải chôn sống con. “Ngày bố chuẩn bị chôn “noong” (con), nó còn mở tròn 2 mắt như không biết điều gì xảy ra. Chỉ khi bị bỏ xuống huyệt rồi, noong mới khóc ré lên”, Y Cư nói trong nước mắt.

Cùng bản với Y Cư, ông Y Hắt, 64 tuổi, buộc phải làm điều kinh sợ tương tự vì sợ “lời nguyền của con ma rừng”. Vào mùa rẫy tháng 7-1993, bà Y Mốc, vợ Y Hắt sinh con được ba ngày thì lên cơn sốt vì nhiễm trùng và tắt thở. Nghe được tin dữ, già làng cùng dân bản kéo đến, chia buồn thì ít mà muốn Y Hắt phải chôn sống con mình thì nhiều...

Tại bản Cà Roòng 1 (xã Thượng Trạch) có ông Y Hoi, 73 tuổi, mất cùng lúc hai đứa con trai kháu khỉnh cùng người vợ cũng chỉ vì lời nguyền ma rừng. Một ngày cuối tháng 9-1989, bà Y Bắp, vợ ông Y Hoi sau khi sinh đôi hai đứa con trai thì kiệt sức rồi chết. Cả bản hung hãn kéo đến buộc Y Hoi phải chôn 2 đứa trẻ. Hơn 20 mùa rẫy, nhưng tiếng của già làng vẫn còn văng vẳng bên tai ông như nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Mày không đem chúng đi chôn thì cả làng này sẽ chết hết vì con ma rừng”.

Bé Hồ Dưỡng được Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo cứu sống
Bé Hồ Dưỡng được Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo cứu sống .

Chống lại “ma rừng”

Chẳng ai ở cái bản làng Khe Rung, Cà Roòng 1 này dám chắc có bao nhiêu nỗi đau ma rừng như thế, nhưng bao đời nay cứ có sản phụ chết khi sinh thì đứa con buộc phải bị chôn sống. Chỉ đến khi đôi vợ chồng Nguyễn Diệu- Y Nhoang (trú bản Cà Roòng 1) xuất hiện thì tình trạng này mới dần nguôi ngoai.

Tìm về nhà Nguyễn Diệu không khó, ai cũng hào hứng chỉ đường. Trước đây, họ kỳ thị anh bao nhiêu thì giờ lại nhắc đến anh như người thay đổi hủ tục, làm sáng mắt, sáng dạ dân bản. Thấy khách lạ, cậu bé ríu rít gọi ba. Anh Diệu vui vẻ bảo: Thằng Đinh Đồng đó, chúng tôi giành giật nó từ tay “ma rừng” 15 năm trước. Giờ đang là học sinh lớp 7 trường dân tộc nội trú tỉnh.

"Một ngày cuối tháng 9-1989, bà Y Bắp, vợ ông Y Hoi sau khi sinh đôi hai đứa con trai thì kiệt sức rồi chết. Cả bản hung hãn kéo đến buộc Y Hoi phải chôn 2 đứa trẻ. Hơn 20 mùa rẫy, nhưng tiếng của già làng vẫn còn văng vẳng bên tai ông như nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Mày không đem chúng đi chôn thì cả làng này sẽ chết hết vì con ma rừng".

Nói giọng xứ Huế, trong căn nhà nhỏ, anh Diệu kể: Từ ngày lấy Y Nhoang, lập gia đình ở đây, mình nghe kể nhiều về hủ tục chôn con theo mẹ của người Ma Coong. Sau bao đêm trằn trọc, mình bàn với vợ phải làm sao để cứu sống những đứa trẻ vô tội này, không để họ chôn sống như thế. Ban đầu Y Nhoang phản đối vì là chị người dân tộc Ma Coong nhưng sau cũng hiểu và ủng hộ quyết định táo bạo này.

Sự việc xảy ra vào tháng 9-1995, tại bản Cà Roòng 2. Người dân đang họp bàn để chôn sống bé trai cùng sản phụ có tên Y Xoong bị chết sau khi sinh. Biết chuyện, vợ chồng Nguyễn Diệu tức tốc cắt rừng, băng suối để đến can ngăn. Vừa tới nơi, cũng là lúc đứa trẻ đang được khiêng đến rừng ma để chôn theo mẹ. Không ngần ngại, Nguyễn Diệu chạy đến xô đám người đang hành lễ, giật lấy đứa con trai còn đỏ hỏn rồi tháo chạy trong đêm mặc những tiếng kêu la của dân làng.

Biết vợ chồng Nguyễn Diệu vừa làm chuyện động đến “ma rừng”, cả bản trên xóm dưới kéo đến nhà đòi đôi vợ chồng trẻ phải lập tức trả lại con cho rừng. Nguyễn Diệu không ít lần phải bồng đứa bé chạy trốn để bảo toàn tính mạng.

“Phải năn nỉ và vận động mãi, dân bản mới cho tôi giữ lại đứa bé. Giờ nó lớn mạnh bình thường, học hành tốt, mọi người mới thấy mình sai chứ như trước đây, làng có người đau ốm họ lại đến gia đình tôi bắt tội vì bảo tôi làm ma rừng nổi giận”, chị Y Nhoang nói.

Ngay như già Y Cư, hồi đó đòi chôn sống đứa bé, giờ cũng bảo: “Thằng Diệu cái bụng nó tốt, biết nghĩ cho dân làng. Ngày đó mình chửi nó là mình sai rồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.