Ám ảnh 'hung thần' container: Nơm nớp khi ra đường

Lưu thông bên cạnh xe container là nỗi sợ hãi của người đi xe máy. Ảnh: Ngô Bình
Lưu thông bên cạnh xe container là nỗi sợ hãi của người đi xe máy. Ảnh: Ngô Bình
TP - Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc liên quan xe container, nhiều cung đường cửa ngõ những thành phố lớn thường xuyên bị kẹt cứng bởi xe container... Loại phương tiện này trở thành “hung thần” trong mắt người đi đường.

TPHCM “trầy trật” vì container

Chiều tối 11/12, tan giờ làm, tranh thủ ghé đón con gái học ở quận 1 để về nhà tại quận 9, TPHCM, chị Nguyễn Thị Phượng (37 tuổi) đang vui vẻ trò chuyện với con thì giật mình loạng choạng suýt ngã vì tiếng còi hơi chát chúa của chiếc xe container đang từ đường Mai Chí Thọ lao rầm rầm ra xa lộ Hà Nội. Trong tích tắc, chị Phượng vội tấp xe vào lề đường để “hoàn hồn” và chờ  xe container qua khỏi giao lộ chị mới tiếp tục điều khiển xe máy về nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết trước tình trạng tai nạn giao thông liên tục xảy ra và nạn ùn tắc giao thông, ông đã triệu tập nhiều cuộc họp chuyên đề an toàn giao thông. Qua đó, đã đề nghị Công an tỉnh làm việc với các đơn vị kinh doanh logictics xem xét, đánh giá yếu tố tác động với nền kinh tế cũng như lưu thông hàng hóa; tính toán thời gian, triển khai nhanh phương án phân luồng giao thông cho xe container, cấm di chuyển vào các khung giờ vàng.

Chị Phượng cho biết, nhà chị ở quận 9 trong khi nơi làm việc và trường học của con ở quận 1 nên ngày nào chị cũng phải chạy xe máy trên xa lộ Hà Nội. Dù đi lại  tuyến này trên dưới 10 năm và gần như thuộc lòng từng ổ gà, gờ giảm tốc trên đoạn đường dài gần 10km nhưng chị vẫn chưa bao giờ làm quen được với những chiếc xe container thường xuyên lao rầm rầm trên phố. “Sợ nhất là những ngã ba, ngã tư, dù đèn xanh cho mình chạy vẫn còn, nhưng phía đối diện, xe container đã lao rầm rầm ra . Không chỉ chạy ẩu mà tài xế còn kéo còi inh ỏi, có hôm cuống quá tôi bóp thắng gấp khiến hai mẹ con ngã nhào giữa ngã tư. May mà tài xế container né được”, chị Phượng nói.

Cũng như chị Phượng, mỗi khi ra đường, những người dân sinh sống hai bên xa lộ Hà Nội, và các tuyến đường cửa ngõ cảng Cát Lái (quận 2), cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) như Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh; các tuyến đường qua khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) như Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Văn Linh… luôn nơm nớp lo sợ với dòng xe container ken cứng.

Ám ảnh 'hung thần' container: Nơm nớp khi ra đường ảnh 1 Xe container gây tai nạn ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Đặc biệt, vào giai đoạn cuối năm, khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, tài xế tranh thủ trả hàng để quay đầu chạy chuyến mới khiến các tuyến đường này thường xuyên kẹt xe. “Mỗi khi gặp ngã ba rẽ vào cảng là người đi xe máy lại toát mồ hôi để vượt qua vì phải chen giữa những chiếc xe container. Lúc đó nhìn người đi xe máy như những con muỗi len lỏi dưới chân đàn voi khổng lồ, chỉ cần bất cẩn một chút là có thể mất mạng ngay”, ông Lê Hoàng Thanh (ngụ quận 2, TPHCM) nói.

Bình Dương, Ðồng Nai: Dày đặc container

Nhắc đến Bình Dương, gần như không ai ở khu vực Đông Nam Bộ không biết đến  đường ĐT743. Tỉnh lộ này chạy qua địa bàn TP Dĩ An và Thuận An, Bình Dương, kết nối quốc lộ 1A với hàng vạn chiếc xe container lưu thông mỗi ngày. Đây cũng là tuyến đường “nóng”, là nỗi ám ảnh của người dân bởi đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người có liên quan container.

Ông Nguyễn Phan Trong, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai cho biết, từ khi các trạm thu phí cầu Ðồng Nai, Bùi Hữu Nghĩa, quốc lộ 1K ngừng thu phí thì lượng xe container từ khu vực cảng ở Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu chọn tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa để lưu thông qua các khu công nghiệp ở Bình Dương rất nhiều. Trong khi đó hạ tầng của đường Bùi Hữu Nghĩa không đáp ứng được với lưu lượng xe tải, nhất là container, khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Theo thống kê, Bình Dương hiện có 39 cụm, khu công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp vận tải đang hoạt động, do đó số lượng xe container lưu thông vào loại nhiều nhất cả nước. Các tuyến đường kết nối giữa Bình Dương với TPHCM và Đồng Nai nằm trong chiến lược phát triển chung của khu vực càng  khiến cho Bình Dương  trở thành “thủ phủ” của xe container. Ngoài ĐT743, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 741, Nguyễn Thị Tươi, quốc lộ 13... cũng luôn có lượng xe container dày đặc.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, các trạm thu phí dự án BOT trên đường Bùi Hữu Nghĩa, cầu Đồng Nai (quốc lộ 1) và quốc lộ 1K hết thời hạn thu phí hoặc tạm dừng thu phí khiến lượng xe kéo container từ TPHCM, cảng biển Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) lưu thông qua TP Biên Hòa để vận chuyển hàng hóa qua lại tỉnh Bình Dương cũng tăng đột biến. Những cung đường trước đây dường như chỉ dành cho xe du lịch, xe tải nhỏ thì nay trở thành nỗi kinh hoàng của người dân Đồng Nai khi hàng nghìn chiếc xe conainer nối đuôi nhau oanh tạc cả ngày lẫn đêm.

Theo người dân, sau khi cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai nối quốc lộ 51 qua TP Biên Hòa với tỉnh Bình Dương thì lượng xe container lưu thông qua trung tâm thành phố Biên Hòa cũng tăng dần theo từng ngày. Tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn cũng từ đó tăng theo do mặt đường Bùi Hữu Nghĩa chỉ có 1 làn ô tô và 1 làn xe thô sơ. Chỉ cần hai xe container vượt nhau là chiếm hết mặt đường, người đi xe máy chỉ còn nước lao vào lề đường để né tránh.

Giải thích về việc chọn tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương qua khu vực cảng ở quận 9, TPHCM, tài xế container Nguyễn Hữu Tài cho biết, trước đây anh thường đi đường Mỹ Phước- Tân Vạn nhưng thường xuyên bị kẹt xe do lưu lượng xe container quá đông. Từ khi Đồng Nai dỡ bỏ các trạm thu phí, anh chọn cung đường chạy qua TP.Biên Hòa để tránh kẹt xe. “Không chỉ riêng tôi, nhiều tài xế khác cũng chọn cung đường này để lưu thông vì vừa tiết kiệm được thời gian do không kẹt xe, vừa tiết kiệm chi phí do các trạm BOT đã dừng hoạt động”, tài xế Tài nói.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt ( Công an TPHCM) cho biết, trong năm qua, đã xử lý 1.366 trường hợp ô tô vi phạm quá tải trọng và 6.257 trường hợp ô tô lưu thông vào đường cấm, giờ cấm, trong đó chủ yếu là xe container và xe tải nặng. Lực lượng CSGT địa phương này phát hiện nhiều trường hợp tài xế không gài chốt thùng container. Tuy nhiên, với các trường hợp này, CSGT chỉ có thể nhắc nhở và yêu cầu tài xế gài chốt để đảm bảo an toàn mà chưa có chế tài xử phạt.

Thống kê cho thấy, trong 10 tháng của năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương tai nạn giao thông đã ở mức báo động, làm 226 người chết và 1.139 người bị thương, hư hỏng hơn 2.000 phương tiện, tăng trên 7% số người chết so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tai nạn liên quan xe container chiếm tỷ lệ cao.

MỚI - NÓNG