Đánh nhau vì va chạm trên đường (ảnh chụp từ clip). |
Chỉ vì va quệt xe giữa hai bạn trẻ tại ngõ 108 - Nghi Tàm (Tây Hồ - Hà Nội) ngày cuối tháng 5 - 2011, hai nhóm thanh niên dùng hàng nóng thanh toán nhau, 1 người chết, 1 trọng thương. Tối 14-7 tại phố Hàng Mành (Hà Nội), lại một thanh niên thiệt mạng dù chưa thực sự va chạm giao thông. Đó chỉ là hai trong nhiều vụ thương vong khác chỉ vì va chạm trên đường mà hầu hết nhân vật chính có tuổi đời còn rất trẻ.
Quán trà ngã tư Chương Dương Độ - Bạch Đằng (Hà Nội) những ngày này luôn ồn ào bởi vụ án tại phố Hàng Mành. Đơn giản vì quán nằm gần nhà Nguyễn Thái Dương, người dùng dao gây án mạng tại phố Hàng Mành. “Ra đường không thủ hàng nóng có ngày thiệt thân. Từ mai ra đường chắc phải sắm bình xịt để phòng thân”, L. “toe”, một thanh niên tại phố Bạch Đằng chốt lại khi cả nhóm bạn đang ngồi bàn tán về vụ án mạng tại phố Hàng Mành.
Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng bàn chuyện có nên mang theo hàng nóng (dùi cui điện, dao, bình xịt hơi cay, súng hoa cải…) khi đi ra đường hay không? Có ý kiến lập luận: Ra đường bây giờ toàn hảo hán, chẳng may va xe dù có xin lỗi vẫn bị chửi, bị hành hung, nếu có bình xịt ít nhất cũng làm đối phương choáng váng, rồi lên xe vọt thẳng.
Đáng lo ngại, nhiều bạn trẻ hưởng ứng và còn nhờ chỉ chỗ mua bình xịt, dùi cui điện, súng hoa cải, thậm chí cả áo chống đạn…với lý do “để an tâm hơn khi ra đường”.
Bất an sau những vụ án mạng chỉ vì va chạm nhỏ trên đường, các diễn đàn mạng của giới trẻ đều nóng bởi cuộc tranh cãi nảy lửa về hội chứng va quệt. “Khi va chạm xe cộ, bạn nên bình tĩnh, không nên nóng nảy, dù bất kì đó là lỗi của ai. Sức khỏe và tính mạng của hai bên là quan trọng nhất. Nếu sức khỏe không có gì thiệt hại, bạn mới nên suy nghĩ đến vật chất”, bạn trẻ có nick là Everest phát biểu trên diễn đàn chuyên về xe.
“Nhưng mình ứng xử lịch sự, người ta lại hung hăng đe dọa, rồi lao vào đánh thì phải làm sao?”, một ý kiến khác đưa ra. “Gặp phải tình huống đó vẫn phải bình tĩnh, thậm chí nhẫn nhịn cho qua sau đó nhờ công an can thiệp”, bạn trẻ khác mang nickname 205 khuyên.
Giới trẻ dễ bị kích động
TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm TPHCM) nhận định: Những vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người do va chạm giao thông cho thấy thực trạng văn hóa giao thông hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vụ sau khi tai nạn xảy ra dẫn đến đánh nhau mà nguyên nhân xuất phát từ thái độ, lời nói, cử chỉ của hai bên.
Theo TS Huỳnh Sơn, giới trẻ là đối tượng dễ bị kích động. Vì thế nếu một trong hai bên không giữ được bình tĩnh để giải quyết, dễ dẫn đến va chạm lớn. Thực tế cho thấy bất cứ va chạm dù lớn hay nhỏ, ít khi thấy các bên liên quan nói lời “xin lỗi” và “cảm ơn”, một cách ứng xử văn hóa thông thường mà ai cũng có thể làm được.
“Va chạm giao thông trên đường là điều khó tránh khỏi, nhìn ở bất cứ góc độ nào đều nằm ngoài sự mong muốn của mỗi người. Vì thế, hậu quả của việc va chạm giao thông trên đường, dù nặng hay nhẹ, đều có thể giải quyết một cách êm thấm, hợp tình, hợp lý nếu cả hai bên có được xử sự đúng mực”, TS Huỳnh Sơn nói.
Thiếu văn hóa “Văn hóa tham gia giao thông của một số người trẻ thật đáng sợ, nhiều lúc ra đường tôi thấy run. Nhiều vụ va quệt, nhưng hiếm khi có lời xin lỗi. Mỗi lần ra đường, tôi tự dặn mình phải đi chậm, tỉnh táo; nếu lỡ va quệt, tôi nhanh nhảu xin lỗi cho êm chuyện” (Trần Thị Như Quỳnh, 26 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhân viên Cty Truyền thông) Kiềm chế “Tôi từng có thói quen phóng xe nhanh, vượt đèn đỏ, không ít lần bị ngã xe, nộp phạt. Bạn gái tôi bảo, thói quen trên là thiếu văn hóa. Ban đầu, tôi tự ái, nhưng khi nghe cô ấy phân tích, ngẫm lại mới thấy mình sai”. (Nguyễn Hương Thùy, 30 tuổi, Văn Quán, Hà Nội, nhân viên kỹ thuật Viettel) |