Ai thẩm định chứng chỉ hành nghề y?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chúng ta cứ học xong, thực tập 18 tháng rồi căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ thì cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường sẽ hành nghề thế nào”, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Ai thẩm định chứng chỉ hành nghề y? ảnh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh Như Ý

Chiều 26/5, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là một trong những dự án luật quan trọng. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 30 về tình huống chưa được quy định trong luật hiện hành như việc khám bệnh từ xa. Qua đợt chống dịch cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo Chủ tịch Quốc hội, có các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; cơ sở khám, chữa bệnh xã hội hóa tư nhân nhưng là doanh nghiệp xã hội; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Cần phải có cơ chế ứng xử khác nhau cho 3 loại hình này, đồng thời làm rõ vai trò quản lý nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, đối với những cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì để cho tư nhân hoàn toàn định giá. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thận trọng vì kinh nghiệm nhiều nước đã sai khi xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao. Bởi xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, gây áp lực lớn, và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị, việc quy định người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo như dự thảo luật cần được nghiên cứu, xem xét. Thực tế, nhiều bác sỹ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt.

"Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sỹ trình độ chuyên môn cao. Nếu chỉ cho phép các bác sỹ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam ", đại biểu Hà nêu.

Về quy định cấp chứng chỉ hành nghề y, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tán thành cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cấp 5 năm 1 lần. Tuy nhiên đại biểu đề nghị có quy định cụ thể đối với cơ quan thẩm định về chứng chỉ hành nghề được đặt ra trong dự thảo Luật là Hội đồng y khoa Quốc gia. Đại biểu đoàn TPHCM này cũng đề nghị cần phát huy vai trò của Tổng hội y học, hội nghề nghiệp trong việc đánh giá, thẩm định chứng chỉ hành nghề y, thay vì lấy lực lượng chủ đạo từ các nhà quản lý (Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Giám đốc Sở Y tế).

Làm rõ thêm vấn đề thi cấp chứng chỉ nghề, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay trên thế giới “có lẽ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề y”, mà cấp chứng chỉ hành nghề trọn đời.

“Chúng ta cứ học xong, thực tập 18 tháng rồi căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ thì cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường sẽ hành nghề thế nào”, theo ông Long, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm, người muốn có chứng chỉ phải trải qua các kỳ thi sẽ đảm bảo chuẩn chung của một bác sỹ hành nghề, cũng khuyến khích các y, bác sỹ phải học tập, nâng cao năng lực suốt đời.

Về Hội đồng y khoa Quốc gia - tổ chức được dự thảo luật giao quyền đánh giá năng lực nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, ông Long cho hay nội dung này được thực hiện có lộ trình. Cụ thể Hội đồng y khoa quốc gia phải xây dựng ngân hàng câu hỏi để đánh giá năng lực của các bác sĩ, còn Bộ Y tế phải xây dựng trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp tại khu vực.

MỚI - NÓNG