Ai nhái tranh, ai lừa bịp?

Ai nhái tranh, ai lừa bịp?
TP - Việc nhái tranh, “đạo” tranh không phải bây giờ mới có, không phải chỉ ở nước ta mới có. Những hành động phi nghệ thuật như vậy rất đáng bị lên án, bởi nó vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến sức sáng tạo của người nghệ sĩ và lẫn lộn giá trị.
Ai nhái tranh, ai lừa bịp? ảnh 1

(Từ trái qua phải) Tranh Bùi Xuân Phái và Tranh Đào Hải Phong (trên), Tranh Tandi Venter và Tranh Đào Hải Phong (dưới)

Báo Tiền Phong đã đăng bài phỏng vấn họa sĩ Đào Hải Phong (ĐHP) với tiêu đề: “Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh”. Là một họa sĩ, cá nhân tôi rất hoan nghênh báo Tiền Phong đã nêu ra vấn đề đang gây bức xúc và bất bình trong giới Mỹ thuật hiện nay.

Là người có liên quan đến bài viết của họa sĩ ĐHP tôi xin được tập trung trao đổi vấn đề “nhái phong cách”, còn việc sao chép tranh (đạo tranh) xin để lại vào một dịp thích hợp. Bởi vì cái gọi là phong cách trong tác phẩm hội họa cụ thể lại là một khái niệm rộng, ít nhiều trừu tượng.

Ranh giới này càng trở nên mong manh hơn nếu so sánh những tác phẩm của hai họa sĩ khác nhau. Nếu chúng ta không thận trọng, thì luận điểm này dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng suy diễn, cảm tính, áp đặt để xúc phạm nghề nghiệp và hạ bệ lẫn nhau giữa các họa sĩ.

Vào những năm giữa thập niên 90, khi hội họa Việt Nam nở rộ, việc các họa sĩ đàn anh như Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân… gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp khiến chúng tôi, lớp họa sĩ còn đang ngồi trên ghế nhà trường rất ngưỡng mộ và khâm phục.

Bản thân tôi luôn coi đó là những tấm gương để mình học hỏi và noi theo. Cũng trong thời gian này, một số tên tuổi khác nổi lên, được coi là những họa sĩ bán tranh chạy trên thị trường ví dụ như ĐHP.

Phần lớn những họa sĩ này học hội họa ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nơi chủ yếu đào tạo sinh viên trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như làm thiết kế, quảng cáo, trang trí sân khấu, làm phim…

Những họa sĩ này rất giỏi trong việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng, tranh của họ mang tính trang trí cao và được bày bán ở rất nhiều gallery. Họ bán được nhiều tranh, kiếm được nhiều tiền và bắt đầu tự ngộ nhận cho mình là những đại diện của nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại. Thậm chí họ còn tự cho mình độc quyền một phong cách nghệ thuật nào đó.

Là một họa sĩ được đào tạo chính quy từ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khi được xem cuốn “Bùi Xuân Phái – Cuộc đời và tác phẩm”, tôi bắt gặp khá nhiều những bố cục phố hoặc nông thôn của Bùi Xuân Phái đã được ĐHP sử dụng.

Thêm nữa, một số viễn cảnh trong tranh của họa sĩ Tandi Venter lại trở thành cận cảnh trong tranh của ĐHP. Vậy trong trường hợp này ta nên gọi là nhái tranh, nhái phong cách hay là sự kế thừa các bậc tiền bối?

Những người quan tâm đến hội họa chắc đều biết, một bức tranh nhìn bằng thị giác mới chỉ thấy được cái vỏ bên ngoài. Giá trị thực sự nằm ở phần hồn của tranh, nơi thể hiện tư tưởng, cảm xúc và tri thức nghệ thuật mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm vào tác phẩm và chuyển tải đến người xem.

Điều quan trọng này tạo nên sự khác biệt về đẳng cấp giữa các họa sĩ và tranh của họ. Không hiểu họa sĩ ĐHP có hiểu được điều đó không mà khi nêu ra một hiện tượng thiếu lành mạnh trong giới hội họa hiện nay, đã “tiện thể” quy kết người khác “nhái phong cách” của ĐHP bằng kết luận xanh rờn “Hai bức tranh của Nguyễn Văn Đức, được Mai Gallery giới thiệu rất giống về bố cục, cách xử lý màu sắc trong tranh Đào Hải Phong”, nhưng lại không đưa ra được bất cứ lập luận nào khả dĩ thuyết phục. Phải chăng đây chỉ là một cách “đánh bóng tên tuổi”?

Đi xa hơn nữa, họ phủ nhận đóng góp của các gallery trong việc giới thiệu hội họa Việt Nam đương đại ra thế giới bằng cách dùng từ tùy tiện như “vớ vẩn”, “chủ mưu làm việc nhái tranh”, gọi họa sĩ là “lừa bịp”, “tay sai của những gallery này”…

Hội họa và trang trí khác nhau rất nhiều. Sau một số năm Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu khá thành công, đến nay người xem đã bắt đầu có những đòi hỏi cao hơn đối với các tác phẩm mỹ thuật, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ tranh trang trí đơn thuần như ở thời kỳ trước.

Phải chăng chính vì điều đó mà tranh của ĐHP đã mất dần sự chú ý của khách hàng dẫn đến việc anh mất bình tĩnh phát ngôn tùy tiện, hạ bệ đồng nghiệp một cách vô căn cứ?

Cho dù rất thông cảm với việc anh không bán được nhiều tranh như trước, nhưng thiết nghĩ anh nên giải quyết vấn đề cá nhân của mình bằng lao động nghệ thuật hơn là nói xấu, vu oan cho đồng nghiệp và các gallery.

Người nghệ sĩ đích thực nên không ngừng sáng tạo, vươn lên, tự hoàn thiện các tác phẩm của mình, tạo một tấm gương cho lớp trẻ kế cận vững tin bước tiếp trên con đường nghệ thuật đầy khó khăn nhưng cũng rất vinh quang.

Nếu ĐHP đã không thể đi xa hơn được nữa thì cũng đừng nên là hòn đá cản đường. Bởi việc làm này có thể khiến người ta suy diễn, một họa sĩ lâm vào cảnh mãn chiều xế bóng, mất bình tĩnh quay sang nói xấu các đồng nghiệp trẻ, những tiềm năng của tương lai luôn dành được sự quan tâm, chú ý và khuyến khích của nhà nước và công chúng.

Ngày xưa ai ép duyên bà/ bây giờ bà già bà ép duyên tôi? Câu ca dao ấy chẳng bao giờ cũ.

Hà Nội, ngày 5/3/2006
Họa sĩ Nguyễn Văn Đức

MỚI - NÓNG
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20 thăm hỏi, động viên gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh - vợ liệt sĩ Bùi Văn Kim
Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ'
TP - Tháng 8/2019, Đại úy Bùi Văn Kim - Chính trị viên Đại đội 33 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu 1) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù tại sân bay Hòa Lạc và được truy phong liệt sĩ. Một năm sau, vợ anh được Bộ Quốc phòng tuyển dụng và được điều động về chính đơn vị của chồng công tác.