Chuyện bầm dập của một doanh nhân - Kỳ II:

Ai mua Sông Lô ra mua...

Ai mua Sông Lô ra mua...
TP - Lại gập ghềnh lắc lư như khi bò lên dốc, chúng tôi rời những vỉa quặng sắt lộ thiên của Tùng Bá để xuống dốc. Những vỉa quặng lộ thiên bao khắp một vùng khá rộng. Trữ lượng thì chưa đo đếm được nhưng tỷ lệ sắt nguyên chất đâu như đến 60%.

>> Kỳ I: Nhọc nhằn thương hiệu Sông Lô

Ai mua Sông Lô ra mua... ảnh 1
Nhà máy tuyển quặng Tùng Bá - Ảnh: X.B

Cái tỷ lệ trong mơ ấy khiến các nhà địa chất cũng phải phát ghen khi tạo hóa đã hào phóng ban cho xứ Hà Giang. Những vỉa quặng mà quân của Cty TNHH Sông Lô (CTSL) đã vất vả mất hàng năm làm đường đến rồi lại cần mẫn bóc tách đất đá cho nó phát lộ.

Chúng tôi cũng gặp mấy tổ khoan của Cty An Thông đang đặt các giàn khoan để xác định chính xác trữ lượng lẫn hàm lượng để phục vụ cho việc khai thác quy mô sau này.

Không có Lê Duy Hảo ở đây. Nếu trực tiếp chứng kiến cảnh bát cơm đưa lên miệng mà bị lấy đi như thế chắc cái trán dô kia của ông chủ CTSL sẽ còn bừng đỏ tím lịm đến như thế nào. Mà nỗi tiếc Tùng Bá chỉ là một thôi, Na Sơn đối diện kia mới là mười!

Thứ quặng kẽm quặng chì mỗi xe xuất sang bên kia biên giới (mỗi đợt xuất mấy chục xe), nghe đâu hàng mấy chục triệu VND giá trị gấp nhiều lần quặng sắt cùng trọng lượng. Nếu không có sự đánh đùng nọ thì bây giờ quân CTSL đang khai thác, đang làm cái việc lãi lời,  đang thực thi cái việc hoàn vốn.

Nhưng mà thôi, không có CTSL thì đơn vị khác làm cũng là cái sự đào bới tài nguyên lên để làm giàu cho địa phương Hà Giang nói riêng và cho cả nước nói chung vậy!

Khi tôi ngỏ ý muốn lên khu khai thác chì kẽm  Na Sơn thì được biết không lên được không phải đường khó mà phải có giấy phép của tỉnh hay cơ quan chức năng. Tại đó có nhiều chuyên gia và lao động Trung Quốc làm việc cùng với Cty Hoàng Bách.

Câu chuyện ban nãy với một thợ khoan khiến tôi cứ nghĩ mãi về chiến lược tài nguyên của bạn. Anh nói đã trực tiếp được sang tham quan bên tỉnh Quảng Tây thấy người ta mua quặng về nhưng không đưa về nhà máy để tuyển luyện mà đào hố chôn ở một vùng rộng lớn nói là để nhiều năm sau mới sử dụng?  

Khi ngồi với ông Bế Văn Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá, bỗng trở lại với cảm giác bồn chồn chiều qua. Chiều qua chúng tôi đi coi cửa khẩu Thanh Thủy. Vị sĩ quan Biên phòng chỉ cho chúng tôi dòng Lô Giang đang cạn khấc dưới chân cửa khẩu.

Đành một nhẽ về mùa khô kiệt, thượng nguồn cho chí hạ lưu, dòng nào mà chả vơi nước. Nhưng hơn  hai mươi năm nay, chưa khi nào thượng nguồn Lô Giang lại trơ khấc chỉ còn một con lạch nhỏ như thế!

Duyên do là bên bạn xây một đập thủy điện ngay sát cửa khẩu. Mùa tích nước của họ đã phát lộ bao thứ bất ngờ. Nhãn tiền đầu tiên là thượng nguồn trơ đáy.

Dân vùng biên nói chưa bao giờ khúc thượng nguồn sông Lô lại cạn và người ta bắt được lắm thứ giống cá chiên đã lụ khụ như thế! Chỉ vài ba mùa kiệt, chắc những lão cá chiên kia sẽ bị tuyệt diệt hết?

Ông Bí thư người Tày chất giọng cùng với vẻ mặt hồn hậu chất phác cho chúng tôi biết, Tùng Bá vinh dự góp cho đất nước một mỏ chì kẽm Na Sơn và mấy mỏ sắt nữa. Chúng tôi chia vui với ông khi qua câu chuyện được biết, mấy mỏ ấy thu hút lao động thủ công của địa phương lúc nhiều đến gần 300 người.

Ai mua Sông Lô ra mua... ảnh 2
Những đứa trẻ ở mỏ sắt

Sắp tới, lại sẽ tài trợ cho địa phương đây mấy tỷ để làm đường, phần vì đường cũ đã hỏng phần xe chở quặng phá đường. Họ lại bỏ gần 800 triệu đồng để xây trụ sở mới cho xã.

Nhưng ông đang lo không biết ở trên mỏ Na Sơn chuyên gia Trung Quốc  luyện quặng chì quặng kẽm ra làm sao mà cách đây không lâu, chất thải trôi xuống dòng sông Ma ngay bên trụ sở xã đây làm cá chết nổi trắng sông.

Rồi chuyện nước sông Ma, một nhánh vốn quanh năm trong xanh của sông Gâm gần đây bị vẩn đục và có mùi lạ... Nghe bà con phản ánh, chính quyền xã đã làm việc với mỏ. Một quyết định kiên quyết được ban ra là mỏ Na Sơn phải tạm dừng hoạt động.

Một thời gian sau thấy họ lại chạy và nghe nói họ đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải hiện đại gì gì đó không thải độc xuống sông Ma nữa!

Trước khi gặp ông bí thư, chúng tôi đứng ở khu vực 19,6 ha mà CTSL bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng và liền mấy năm để xây lên một nhà máy luyện quặng sắt. Hóa ra nó chẳng bị bỏ không như đã tưởng...

Một đơn vị khác nghiễm nhiên sử dụng thành quả lao động 6 năm trời của quân Sông Lô bằng cách sử dụng nhà máy để luyện quặng sắt khai thác từ một mỏ sắt gần đó. Tại đây có 9 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc.

Tham quan nhà máy, chúng tôi để ý hệ thống nước thải chỉ là một bể chứa to dùng để lắng quặng. Nhà báo hả? Một vị chuyên gia cảnh giác khi tôi đang dùng máy ảnh ghi lấy hình ảnh dòng nước bùn đỏ quạch từ bể chứa len lỏi qua con lạch đổ xuống sông Ma. Vừa thao tác, tôi vừa đáp bừa, không chúng tôi là khách tham quan thôi... 

Không biết cái ngày khánh thành giai đoạn I Công viên Hà Phương (CVHP) nhộn nhịp tấp nập ra làm sao còn bây giờ thì tang thương và vắng lặng dẫu chúng tôi tới ngày chủ nhật.

Cũng như việc đánh đùng CTSL bị hất ra khỏi  mỏ Na Sơn Tùng Bá, không có quyết định nào của cấp trên chuyển giao CVHP cho một đơn vị nào cả. Đơn giản là người ta không cấp tiền để CTSL thực hiện tiếp việc xây dựng CVHP.

Lại trích ra đây đơn kêu khổ của CTSL gửi đi các cấp  Do thay đổi lãnh đạo tỉnh công viên bị dừng mà nợ của chúng tôi tỉnh cũng không thanh toán. CTSL phải kêu cứu lên tận T.Ư, Thủ tướng CP chỉ đạo nhiều lần nhưng họ mới trả nợ 1 lần cho các công trình khác còn nợ CVHP với xác nhận của cơ quan chức năng là hơn 17 tỷ đồng thì vẫn biệt vô âm tín.

Không những thế, tỉnh Hà Giang còn làm chuyện ngược đời ban hành công văn giao cho các sở ban ngành vào phát mại tài sản của CTSL vì đã đầu tư vào CVHP (?!).

Mới đây  (ngày 18-9-2009) công văn của UBND tỉnh Hà Giang (3168/ UBND) lại giao cho các ngành lập phương án tìm cách mua lại CVHP.

Lãnh đạo CTSL trước sau tha thiết một đòi hỏi chính đáng là yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện việc cam kết trả nợ những gì mà CTSL đã bỏ vốn đầu tư trước khi nói đến chuyện mua bán.

CTSL muốn tiếp tục đầu tư xây dựng CVHP như thiết kế ban đầu như đã hứa với bà con các dân tộc Hà Giang.

Nham nhở, hoang phế cứ ngỡ như là dấu tích của một công trình dựng xây từ thế kỷ nào. Cỏ dại lau lách trùm khắp nơi. Tôi giật mình sững bước khi đột ngột hiện ra trên lối đi ven hồ một ông lão râu ria tóc tai bơ phờ. Hóa ra cụ được thuê trông cá trong hồ công viên.

Chuyện với ông lão thì được biết nguồn thu nhập chính của những người thợ có trách nhiệm quản lý trông coi CVHP trông chờ vào ít cá vụn đánh được trong hồ.

Một khoản nữa là mùa hè, người ta tìm đến công viên nước để chơi. Cứ như cụ thì khắp Hà Giang này không có nơi nào đẹp và đắc địa như nơi này. Thế mà người ta để nó hoang phế nhiều năm như thế!

Ông lão thở dài, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ông Tô (Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô) nói ông Tô tốt, ông Hảo nói ông Hảo hay. Nhưng hay tốt gì chả biết mà để cho bộ mặt của Hà Giang xơ xác tiêu điều như thế này là các ông có tội cả đấy!

Hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ mất trắng. Nợ nần chồng chất. Lãi mẹ ùn ùn đẻ lãi con... Công việc chính của doanh nhân Lê Duy Hảo là chờ nợ và đòi nợ, ngoài ra còn trông vào bầy cá thả trong CVHP và đợi đến mùa hè người ta đến CVHP đi tắm!

Cái tin Hảo phát rồ và tự tử có lẽ  do một lần Hảo công bố một bài viết trên mạng riêng có cái tên Ở công viên Hà Phương nghĩ về cái chết... Nhưng Hảo không điên cũng chẳng có ý định tìm đến cái chết. Ấy là trong bài viết ấy Hảo chỉ bộc bạch những suy ngẫm về sự vô thường của kiếp người, của cõi nhân sinh ta bà tạm bợ, mong muốn người sống lành sống thiện...

Chuyện với vị doanh nhân đang lên bờ xuống ruộng này, tôi cũng biết thêm, nhiều năm nay Hảo đã tìm đến Thiền không phải để trốn tránh lánh xa cõi tục mà để nhập thế tích cực hơn, nhẫn nhịn hơn, cân bằng mình hơn!

Cứ coi cung cách Hảo tường trình trong lá đơn gửi Thủ tướng mới đây thì xem ra mọi cửa ngõ chưa phải đã là tắc tị, là không có lối thoát.

Một, Chính phủ cho CTSL được quyết toán tại thời điểm thanh toán này các công trình theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nợ 6 năm qua gây vô vàn tổn thất vật giá leo thang, ví dụ giá xăng dầu Cty xây dựng năm 2001 là 4.000 đồng/lít. Bây giờ là 16.000 đồng/lít nếu được UBND tỉnh thanh toán, CTSL  không đủ để trả nợ.

Hai, Chính phủ chỉ đạo trả lại mỏ Tùng Bá Na Sơn cho CTSL vì đã 6 năm khai sơn phá thạch chấp nhận rủi ro và bỏ hàng chục tỷ đồng. 19,6 ha đất được tỉnh cấp đã xây dựng nhà máy tuyển quặng san lấp mặt bằng đền bù cho dân. Nếu dự án không được tiếp tục sẽ không thể thu hồi vốn.

Ba, Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh để CTSL  xây dựng các dự án dở dang như CVHP, hang động Tùng Bá.

...Tất nhiên sẽ là vô vọng nếu không có sự đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu! Nhưng hữu hiệu hơn cả vẫn là quyết đoán của người cầm trịch. 

Xem tiếp Kỳ III: Phản ứng của ông Chủ tịch tỉnh

Mà nói trước, hôm nay không có làm việc gì về Cty Sông Lô nhá! Rồi các anh sẽ hiểu thêm tại sao tôi gửi kháng cáo đến tòa án rồi lại rút kháng cáo. Có phải một mình tôi muốn làm voi thì làm, làm chuột thì làm ở đất này đâu?

MỚI - NÓNG
Trào lưu ‘chụp ảnh Hàn Quốc’ hot trở lại sau 20 năm
Trào lưu ‘chụp ảnh Hàn Quốc’ hot trở lại sau 20 năm
TPO - Giữa thời đại số, nơi ai cũng có thể chụp ảnh trên điện thoại, trào lưu chụp ảnh photobooth (buồng chụp ảnh) bỗng nhiên hot trở lại. Nhờ có thao tác đơn giản và chức năng in ảnh tức thì, các quầy chụp ảnh photobooth đang thu hút rất đông các bạn trẻ đến “đu trend”.