Đầu và 4 chân con bò tót bị giết tại Khu BTTN Đakrông |
Trong quá trình đi tìm sự thật, chúng tôi đã phát hiện một phần xác của một con bò tót tại trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông.
Ông Phan Thanh Tiễn, cán bộ xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, cho biết: Từ hơn một tháng nay, khu vực rừng Trừ Lấu-giáp ranh giữa 3 huyện Đakrông, Triệu Phong và Cam Lộ - vẫn thường xuất hiện một đàn bò tót với số lượng khoảng từ 15 đến 20 con.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu bò tót xuất hiện ở vùng rừng này. Từ năm 2003 và 2004, loài động vật hoang dã này vẫn thường hay có mặt tại đây.
Thời gian sau, do sự tác động của con người nên đàn bò tót chuyển đi nơi khác. Năm 2004, chuyến khảo sát nhằm nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và sinh thái học của bò tót của khoa Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường - trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội - tại khu vực rừng các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng cũng đã ghi nhận ở vùng rừng Trừ Lấu có 1 đàn bò tót số lượng khoảng trên 10 con.
Ngoài ra, trong các cánh rừng người ta còn tìm thấy rất nhiều dấu chân và xương bò tót... Ông Trần H năm nay trên 50 tuổi, quê ở vùng chiến khu Ba Lòng, từng là một tay thợ săn nổi tiếng nhưng nay đã giải nghệ, tiết lộ, vài năm trở lại đây, do lượng người vào rừng nhặt phế liệu chiến tranh, khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã trái phép tăng đột biến nên môi trường sống của bò tót đã bị đe dọa nghiêm trọng.
Thậm chí đã xảy ra tình trạng, một số thợ săn do thiếu hiểu biết, nên đã ngang nhiên bắn hạ bò tót để lấy thịt, xương, da và đầu bán cho những ai có nhu cầu.
Ông Trần H giải thích thêm, con bò tót quý nhất ở cái đầu còn nguyên cả 2 sừng, vì đầu bò tót treo trong nhà chính là sự phô trương về tiền bạc, thân thế của các “đại gia”.
Do bị săn lùng ráo riết nên bò tót ngày càng trở nên nhút nhát, chúng không còn sẵn sàng lao vào con người khi cảm thấy bị đe dọa, ngược lại chỉ cần ngửi thấy hơi người, hay chỉ nghe một tiếng động nhẹ là cả đàn đã phải tháo chạy thục mạng.
Mặc dù vậy, ở khu vực rừng Trừ Lấu, đàn bò tót buộc vẫn phải sinh sống vì đây là vùng rừng đáp ứng yêu cầu khắt khe về môi trường sinh sống của chúng.
Trở lại chuyện vừa có một con bò tót bị hạ sát, vào chiều ngày 22/6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó giám đốc Khu BTTN Đakrông - giải thích, rằng đó chỉ là tin đồn kiểu “voi xuống núi, hổ về làng” chứ trên thực tế chưa có bất kỳ cán bộ, nhân viên kiểm lâm nào ở huyện Đakrông nhìn thấy mặt mũi con bò tót (?!).
Nhưng thật bất ngờ, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện thấy ngay tại trụ sở Khu BTTN Đakrông một phần xác của bò tót. Lúc này, ông Lê Thanh Tuyền - Trưởng phòng kỹ thuật của khu bảo tồn, đành xác nhận:
Đó là con bò tót bị giết hại tại rừng Trừ Lấu cách nay khoảng 10 ngày, nhưng bằng cách nào mà khu bảo tồn có được phần đầu và 4 chân bò tót thì ông không biết.
Từ đó trở về sau, chúng tôi cố gắng tìm cách liên lạc trở lại với ông Cảnh để tìm hiểu nguyên nhân, nhưng mọi cố gắng của chúng tôi đều thất bại vì ông Cảnh đã đi khỏi trụ sở và không nghe máy; còn ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Khu BTTN Đakrông, đang công tác ở Hà Nội, cũng nói mình không biết!
Theo kinh nghiệm của các tay thợ săn lâu năm ở vùng chiến khu Ba Lòng, bò tót là loài vật hoang dã có sức mạnh, chúng không bao giờ bị bắt do mắc bẫy, vì nếu trường hợp có mắc bẫy, với bản năng vốn có chúng sẽ dùng sức mạnh phá bẫy để thoát thân.
Vì vậy cái chết của con bò tót trên địa bàn huyện Đakrông rất có thể là do bị bắn hạ. Tuy nhiên ai đã bắn con bò tót và bằng cách nào mà Khu BTTN Đakrông lại có được phần đầu và 4 chân của bò tót?
Có bao nhiêu con bò tót đã bị giết và phải chăng cán bộ Khu BTTN Đakrông đã cố tình che đậy thông tin…? Tất cả vẫn đang là câu hỏi chưa có câu trả lời.