> Chín nhiệm vụ của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN
> Sẽ giải trình về phòng, chống tham nhũng
Nhằm cải tiến hoạt động truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, bộ dự thảo quy chế mới do Phòng Pháp luật - Chính sách, Cục Báo chí biên soạn đã được lãnh đạo Bộ TT&TT thông qua, trình Thủ tướng chờ phê duyệt.
So với quy chế hiện hành, dự thảo quy chế mới làm rõ các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện quy định về cung cấp thông tin; trong đó quy định cụ thể chế độ làm việc, phụ cấp cho người phát ngôn (NPN) và bộ phận giúp việc, mức phạt đối với NPN khi không cung cấp thông tin cho báo chí, rút ngắn thời hạn thông tin vụ việc “ nóng” xuống chậm nhất trong một ngày để kịp thời định hướng và cảnh báo xã hội. Tăng cường vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước về giám sát thực hiện quy chế, xử phạt hành chính về vi phạm quy chế.
Nhằm khắc phục nguyên nhân khiến “NPN không chịu phát”, dự thảo quy chế mới cũng yêu cầu phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức nghề báo, kỹ năng tiếp xúc và trả lời báo chí cho đội ngũ NPN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.
Bố trí nhân sự thay thế khi NPN vắng mặt, bảo đảm tính liên tục, chủ động, ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp thông tin.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng phòng Pháp luật Chính sách, Cục Báo chí) khẳng định: Ngoài NPN chính thức thay mặt các cơ quan nhà nước, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí với tư cách cá nhân, miễn đừng nhân danh cơ quan hành chính nhà nước, và không tiết lộ bí mật điều tra.
Trong Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo đầu năm 2013 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng nhấn mạnh: Các cơ quan ban ngành, địa phương cần “chủ động, chủ động, chủ động” hơn nữa trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí, dù đó là thông tin nhạy cảm!