Đến lúc Lệ Rơi hát nhạc Sơn Tùng M-TP?
Tại sao một số tài khoản TikTok lại “nhắm” vào giọng ca vàng cải lương Lệ Thủy? Người được mệnh danh “Nữ hoàng nhạc Rock” cho rằng: “Cô Lệ Thủy chuyên hát cải lương, để cô hát “Kill This Love” của BLACKPINK hay “Đại minh tinh” của Văn Minh Hương thì rất “sốc”. Vì thế mới câu view được”. Ca sĩ Tùng Dương có cách nhìn tương tự: “Cô Lệ Thủy hát nhạc BLACKPINK thì quá là phi lí. Người ta vào xem để giải trí”.
Đến nay, giọng ca “Chiếc khăn piêu” chưa phát hiện tài khoản nào dùng AI để bắt chước giọng mình. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp như NSND Lệ Thủy, anh lại có cách nhìn khác: “Trí tuệ nhân tạo biểu hiện cho sức mạnh công nghệ.
Mới đây, tôi có nghe bài “When You Believe” nhưng lại dựng như khi Whitney Houston và Mariah Carey còn thuở đôi mươi, rất thú vị. AI có thể làm được điều ấy, cho người ta sự tưởng tưởng phi giới hạn. Đó là thế giới không có thực, thế giới do trí tuệ nhân tạo nhào nặn nên. Nếu tôi phát hiện được ai đó dùng AI bắt chước giọng tôi hát bài nào đó lệch hẳn với phong cách Tùng Dương thì tôi thấy vui thôi, không có gì nặng nề. Chỉ là đừng lạm dụng, dùng AI để lừa bịp nhau thì… to chuyện rồi”.
Giọng ca “Em muốn sống bên anh trọn đời” thừa nhận chị không quan tâm đến trí tuệ nhân tạo nhưng nếu ai đó dùng AI để bắt chước giọng chị trong những bài hát, dòng nhạc không hợp sở trường, phong cách SiuBlack, chị cũng cho qua: “Tôi thấy vui thôi. Không ngại gì, tuỳ khán giả nghĩ sao cũng được. Vì chỉ là một trò chơi. Chắc người ta phải thích giọng mình mới làm vậy”.
“Nữ hoàng nhạc Rock” chưa bị AI đụng vào: “Kể cả đưa tôi ca khúc của BLACKPINK có khả năng tôi vẫn hát được. Ngay cả cải lương tôi cũng từng thử hát rồi. Tôi hát đa dạng về thể loại. Có thể vì thế nên người ta không nhắm vào đối tượng như tôi. Đã chơi thì phải chơi cái gì đó có khả năng phủ sóng cao”.
Cũng như ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ SiuBlack mong những người dùng AI bắt chước giọng ca sĩ đừng đẩy trò chơi đi quá xa, đừng làm quá lố, đừng để nghệ sĩ cảm thấy khó chịu. SiuBlack thấu hiểu tâm trạng của NSND Lệ Thủy: “Cô Lệ Thủy là giọng ca vàng cải lương, cô không bằng lòng khi giọng hát của mình bị bắt chước, bị đẩy vào những dòng nhạc khác lạ. Đây là phản ứng bình thường”.
Hình ảnh trên clip AI bắt chước giọng NSND Lệ Thủy |
Ca sĩ Ngọc Ánh bày tỏ sự đồng cảm với NSND Lệ Thủy: “Cô Lệ Thủy lớn tuổi, là bậc tiền bối, đáng ra không nên chọn giọng ca của cô để bắt chước, đùa giỡn. Muốn giỡn nên chọn giọng ca trẻ. NSND Lệ Thủy gắn bó với âm nhạc truyền thống, làm như vậy là thiếu tôn trọng cô. Đùa hơi lố, hơi quá tay”.
Tuy nhiên, nếu ai đó định đùa với giọng hát Ngọc Ánh thì cứ yên tâm: “Tôi không bực mà chỉ thấy mắc cười. Nhưng phải làm hay nhé, làm dở không chịu”. Ngọc Ánh thắc mắc: “Sao người ta không dùng AI bắt chước giọng Lệ Rơi hát nhạc Sơn Tùng- MTP? Một thời cõi mạng mê Lệ Rơi lắm kia mà”.
Đã là “trend” thì chóng phai tàn?
Bạn trẻ 9x nickname Ty Ty nhìn nhận trí tuệ nhân tạo bắt chước giọng hát ca sĩ theo hướng tích cực: “Tôi thích AI bắt chước giọng ca sĩ. Vì lắm khi tôi thích ca sĩ hát một ca khúc nào đó nhưng mãi họ chẳng chịu hát. AI thỏa mãn mong muốn này của tôi”.
Theo Ty Ty, ca sĩ không nên lo lắng bị AI lấn lướt: “Cơ bản vẫn là máy móc, nghe kiểu gì cũng không mượt và xúc cảm như ca sĩ, nhất là những chỗ cần luyến láy. AI dập khuôn”. Ty Ty cũng thường xuyên theo dõi làn sóng AI Cover: “Trên mạng tràn lan. Bài mới của nhóm nhạc Babymoster, bài “Batter up”, AI cover bằng giọng BLACKPINK chẳng hạn. Tôi thấy không ảnh hưởng nhiều, chủ yếu fan nghe thôi. Nhưng trường hợp AI bắt chước giọng Lệ Thủy hát “Kill This Love” của BLACKPINK thì tôi thấy hoang mang thật sự, không thể ngờ người ta lại “chơi” kiểu đó”.
Khởi kiện phức tạp
Quanh câu chuyện của NSND Lệ Thủy, phóng viên trao đổi với luật sư Phạm Thị Quỳnh Như, Công ty Luật TNHH Aladin. “Giọng hát có là một sản phẩm được bảo hộ không? Liệu có thế cấm mọi công cụ và con người bắt chước?”. Bà Phạm Thị Quỳnh Như cho biết: “Về giọng hát, gọi chung là âm thanh. Hiện tại, theo luật sở hữu trí tuệ mới sửa đổi năm 2022 thì âm thanh đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu. Trước đây chúng ta có bảo hộ bản quyền tác giả, tác phẩm, âm thanh chưa được đề cập đến. Trong trường hợp những đối tượng vi phạm nghiêm trọng bản quyền thì chủ sở hữu những nhãn hiệu âm thanh đó hoàn toàn có thể khởi kiện”.
Phóng viên hỏi tiếp: “Trong trường hợp cụ thể của NSND Lệ Thủy thì sao? Bà có thể khởi kiện?”. Luật sư tư vấn: “Ở đây, NSND Lệ Thuỷ khởi kiện là khó, nhiều bất cập. Vì giọng ca của bà chưa được bảo hộ. Ở ta, có chương trình truyền hình giả giọng hát của ca sĩ ngôi sao, có những người giả giống y chang. Nhưng làm thế nào để chứng tỏ âm thanh đó chỉ thuộc về ca sĩ đó, người khác không thể bắt chước, làm giả được? AI giả giọng hiện nay rất phổ biến”.
Để giọng hát được bảo hộ có dễ dàng không? Theo luật sư Quỳnh Như: “Hiện tại việc bảo hộ âm thanh mới có quy định sửa đổi từ năm 2022, chưa phổ biến, chưa có quá nhiều nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ vì việc này khá phức tạp như điều kiện thế nào để âm thanh được bảo hộ? Âm thanh đó phải phân biệt với âm thanh khác thế nào… Theo thông tin tôi biết, ở ta chưa có giọng ca nào được bảo hộ. Vì quy định còn mới. Hơn nữa, ngay cả ca sĩ nghĩ đến việc này thì cũng còn nhiều bất cập bởi quy định chưa cụ thể, rõ ràng”.
Đúng là một số bạn trẻ dùng AI để thoả mãn khao khát được nghe thần tượng hát theo yêu cầu của họ. Thí dụ, giọng ca “Người tình mùa đông” được (hay bị?) một tài khoản TikTok dùng AI cover hit “Đại minh tinh” của Văn Mai Hương. Tuy nhiên, Như Quỳnh cũng là một nữ ca sĩ hát đa dạng thể loại, từ bolero, nhạc trẻ tới cải lương, nên chuyện AI bắt chước giọng Như Quỳnh cover hit của Văn Mai Hương không gây sốc.
Ngay khi phim “Mai” của Trấn Thành trở thành cơn sốt, ca khúc trong phim do Phan Mạnh Quỳnh viết, “Sau lời khước từ” cũng được quan tâm. Lập tức TikTok xuất hiện ngay Mỹ Tâm AI Cover “Sau lời khước từ”. Nhưng Mỹ Tâm hát nhạc Phan Mạnh Quỳnh cũng không có gì mới. Không ít “đứa con tinh thần” nổi tiếng của Phan Mạnh Quỳnh đã được Mỹ Tâm đón nhận như “Hẹn ước từ hư vô”; “Từ đó”, “Nước ngoài”…
Ca sĩ Ngọc Ánh bình luận: “Thời đại 4.0 không thể cấm được người ta dùng AI bắt chước giọng của mình. Lên tiếng được trường hợp này, trường hợp khác lại xuất hiện, như một đám cháy bị lan. Đám trẻ bây giờ chỉ cần một chiếc smartphone đã có thể làm đủ thứ trên đời”.
Hình ảnh trên clip AI bắt chước giọng ca sĩ Như Quỳnh |
Hình ảnh trên clip AI bắt chước giọng Mỹ Tâm |
Nhưng nếu cảm thấy bức xúc như trường hợp NSND Lệ Thủy ca sĩ có thể nương tựa vào đâu? Theo giọng ca “Mùa xuân bên cửa sổ”: “Tôi nghĩ có thể gõ cửa Hội bảo vệ ca sĩ, nghệ sĩ. Nhưng không phải ca sĩ nào cũng tham gia Hội, mà liệu Hội có đủ sức bảo vệ cho từng giọng ca không? Có thể phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Khi bạn trẻ dùng AI bắt chước giọng ca sĩ có thể nghĩ đây là chỉ là trò chơi vô hại song thật ra, trò chơi này nguy hại ngầm. Chẳng hạn bây giờ bắt chước giọng Ngọc Ánh để cover những ca khúc có nội dung tiêu cực hoặc ca từ dung tục thì rõ ràng ảnh hưởng tới hình ảnh của tôi và nguy hại tới cộng đồng rồi”.
NSND Lệ Thủy và ca sĩ Như Quỳnh hát “Cô gái bán sầu riêng” (tân cổ) |
Sau phản ứng của NSND Lệ Thủy không biết trào lưu “AI Cover” có giảm nhiệt chút nào? Liệu trí tuệ nhân tạo có tạo áp lực cho ca sĩ, thậm chí bắt nạt họ? Theo nhạc sĩ Đông Thiên Đức: “Đó chỉ là một “trend” trong thời điểm hiện tại. Mà, đã là “trend” thì chóng phai chóng tàn thôi”.
Với cách nhìn của tác giả “Ai chung tình được mãi” thì trường hợp của NSND Lệ Thủy hoàn toàn có thể xử lý: “Bên dùng AI giả giọng còn ghi đích danh NSND Lệ Thủy. Hành động ấy là phạm pháp, nếu không được sự cho phép. Nếu họ dùng tên Lệ Thủy đăng lên để kinh doanh thì họ buộc phải trả tiền cho NSND Lệ Thủy”.
Nhưng nhạc sĩ Đông Thiên Đức cũng thừa nhận: “AI giả giọng Lệ Thủy không đến nỗi tệ. Khán giả cũng tò mò xem như một “món” hay, giải trí tốt. Tuy nhiên, người ta cũng chỉ nghe một lần thôi. Còn muốn nghe nhạc thật sự thì phải chính là NSND Lệ Thủy hát mới có cảm xúc”.