Ai bao che trường Quốc tế Hà Nội?

Ai bao che trường Quốc tế Hà Nội?
TP - Dư luận đang hy vọng cơ quan điều tra  làm rõ cả những hành vi bao che cho sai phạm, gọi nôm na là “chạy án”, xảy ra ở Trường Quốc tế Hà Nội (QTHN).
Ai bao che trường Quốc tế Hà Nội? ảnh 1
Ngôi trường này xây xong gần 10 năm nay, hiện Cty liên doanh vẫn đang “nợ” tiền xây dựng!

Theo bản điều lệ đã đăng ký tại Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), HĐQT Cty liên doanh Trường QTHN gồm phía Mỹ 4 người, phía Việt Nam 2 người.

Trong số 4 người phía Mỹ, ngoài Việt kiều Nguyễn Đình Hoan và 2 người nước ngoài (mà 10 năm nay, họ chỉ đến Việt Nam đúng 1 lần, vào thời gian thành lập Cty), còn có ông Nguyễn Văn Giao.

Đây là nhân vật đã được Tiền Phong nói đến từ tháng 6/2004: không phải Tây, chẳng phải Tàu, cũng không là Việt kiều, mà là Việt Nam 100%. Ông Giao chính là cựu chuyên viên Văn phòng Chính phủ, chuyên trách về công tác giáo dục.

Năm 1996, khi Trường QTHN thành lập, ông Giao vừa nghỉ công tác, chưa được lĩnh sổ hưu, không một đồng vốn góp, song vẫn được Nguyễn Đình Hoan mời vào HĐQT. 

Theo quy định thì các chuyên viên Văn phòng Chính phủ chuyên trách lĩnh vực nào sẽ chỉ được tham gia vào Cty cổ phần thuộc lĩnh vực ấy 5 năm sau khi nghỉ hưu, không ai rõ vì sao ông Giao lại được chấp nhận có tên trong HĐQT Trường QTHN?

Theo một văn bản của ông Hồ Ngọc Đại – nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục – gửi Đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ, sở dĩ ông Đại ký hợp đồng liên doanh với Việt kiều Hoan, là do tin tưởng ở sự giới thiệu của ông Giao.

Như đã biết, sau một thời gian ngắn liên doanh với Hoan, ông Đại đã phát hiện Hoan có hàng loạt việc làm gian dối, và kịp thời có đơn tố cáo. Tiếc rằng, một số người ở Văn phòng Chính phủ, ở Bộ KH-ĐT, rồi cả Bộ GD-ĐT nữa, đã không tin vào ông Đại, mà chỉ tin vào… ông Giao và Hoan!

Chính vì vậy mà suốt thời gian dài, người ta không lập Đoàn kiểm tra để về làm việc tại Trường QTHN. Nhiều người đặt câu hỏi, trong việc chậm trễ này, vai trò của ông Giao – một người có sẵn rất nhiều quan hệ với các cơ quan có chức năng quản lý Trường QTHN – như thế nào?

Trong 250.000 USD vốn pháp định còn thiếu, Hoan trình bày với Đoàn thanh tra là ông ta đã tiêu vào việc “bôi trơn” chỗ này, chỗ kia, thực hư việc này ra sao và có sự tham gia của ông Giao không?

Nếu lời tố cáo của phía Việt Nam là đúng, tức là trong 10 năm qua, Việt kiều Hoan đã chiếm đoạt của Cty liên doanh khoảng 30 tỷ đồng, thì số tiền bị chiếm đoạt này hiện đang nằm ở đâu, được chi dùng vào những việc gì?

Có bao nhiêu trong số đó đã được dùng để nuôi “quan hệ”, để làm chậm việc thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra? Trong những sự việc này, liệu có sự góp sức của ông Giao?

Dư luận hy vọng những câu hỏi này sẽ sớm được Cơ quan An ninh điều tra làm rõ trong vụ án “Cố ý làm trái” đã được khởi tố.

Những sự “bất thường” trong kiểm tra, thanh tra

Ngày 13/4/2004, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì lập một Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra Trường QTHN.

Thế nhưng, phải đến ngày 16/6/2004, Đoàn kiểm tra mới về Trường QTHN, mặc dù trước đó đã có ý kiến là Đoàn cần về Trường ngay trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5, là lúc dễ dàng nắm bắt được sĩ số học sinh đang theo học tại Trường.

Kết thúc làm việc tại Trường ngày 30/6/2004, nhưng phải đến 9/8/2004, Đoàn mới có Báo cáo kết luận trình Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, và đến 25/10/2004, Bộ trưởng Bộ này mới có báo cáo trình Thủ tướng, trong đó kiến nghị quan trọng nhất là “lập đoàn thanh tra để thanh tra vấn đề tài chính của Trường”.

Và cũng phải đến 16/3/2005, Văn phòng Chính phủ mới có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, yêu cầu thành lập Đoàn thanh tra.

Tính đến lúc này, một năm học nữa đã sắp trôi qua, Trường QTHN tiếp tục không họp HĐQT, không báo cáo tài chính, sử dụng những tài khoản chỉ cần một chữ ký của phía Mỹ… (Sau khi xảy ra những vụ như Đại học quốc tế châu Á, và mới đây nhất là Trung tâm ngoại ngữ SITC, người ta mới thấy rằng những sự chậm trễ trong kiểm tra, xử lý như thế này, chính là những “lỗ hổng to tướng” cho những kẻ phi pháp làm bậy).

Đến khi Đoàn thanh tra vào cuộc, lại cũng có những sự chậm trễ tương tự. Ngày 16/3/2005, Văn phòng Chính phủ có công văn chỉ đạo lập Đoàn thanh tra, nhưng phải đến 30/5/2005, Đoàn mới về Trường QTHN làm việc, lúc này các học sinh đã… bắt đầu nghỉ hè.

Thời gian làm việc của Đoàn 60 ngày (không kể ngày nghỉ), và theo Luật Thanh tra thì 15 ngày sau khi kết thúc làm việc, Đoàn phải ra văn bản kết luận, nhưng đến ngày 14/10/2005, Đoàn mới có kết luận gửi lên Tổng thanh tra Chính phủ (và rồi, cũng phải đến 9/1/2006 mới có báo cáo kết luận gửi lên Thủ tướng).

Đáng chú ý là ngay trong khi Đoàn thanh tra đang làm việc tại Trường, phía Việt Nam trong liên doanh đã có đơn khiếu nại ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đoàn (ông Hải là Phó Vụ trưởng thuộc Thanh tra Chính phủ), và ông Lê Huy Thắm, một người chưa phải là công chức Nhà nước nhưng được đi theo đoàn, đã cho phía Việt kiều Hoan được lấy những tài liệu đã được Đoàn thanh tra niêm phong, đưa về phòng riêng, có dấu hiệu điều chỉnh số liệu hòng che giấu sai phạm.

Khi dự thảo báo cáo kết luận được Đoàn đưa ra, phía Việt Nam cũng có khiếu nại, rằng có nhiều sai phạm của phía Việt kiều Hoan chưa được làm rõ hoặc còn bỏ sót. Đến khi bản kết luận chính thức được ký, phía Việt Nam lại tiếp tục khiếu nại, cho rằng nó đã được “cắt xén” quá nhiều so với dự thảo trước đấy, theo hướng có lợi cho Việt kiều Hoan.

Tất cả những khiếu nại này, đến nay phía Việt Nam trong liên doanh chưa nhận được văn bản trả lời, theo đúng Luật Khiếu nại – Tố cáo và Luật Thanh tra. Có người còn nhìn thấy ông Trưởng đoàn Thanh tra đi riêng với Việt kiều Hoan...

Tất cả những chuyện “bất thường” trong công tác kiểm tra, thanh tra tại Trường QTHN, dư luận đang mong chờ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an sẽ làm rõ trong thời gian tới đây.

Bắt kế toán trưởng Cty liên doanh trường QTHN

Chiều qua, 23/3, được sự phê chuẩn của Viện KSNDTC, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam thời hạn 04 tháng đối với Trần Thu Hường, Kế toán trưởng Cty liên doanh Trường QTHN. Trần Thu Hường sinh năm 1970, nguyên quan TP Nam Định, tỉnh Nam Định, đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Ngân hàng. Hường có 2 con, hiện thường trú tại số nhà 23, ngõ 53, đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Từ năm 1996, Hường được Cty liên doanh Trường QTHN ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm, với vị trí làm việc là Kế tóan trưởng. Hết thời hạn này, do những hành vi tiếp tay cho sai phạm của Việt kiều  Nguyễn Đình Hoan, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Kế toán – Thống kê, phía Việt Nam trong liên doanh đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động với Hường, song phía Việt kiều Hoan không chấp nhận.

 Liên tiếp bảy năm vừa qua, Hường vẫn được Hoan giữ lại ở vị trí “Kế tóan trưởng”; Các đoàn kiểm tra, thanh tra về trường QTHN,cũng vẫn thừa nhận vị trí “Kế toán trưởng” của Trần Thu Hường (?!)... Được biết, khi Cơ quan điều tra đến nhà thực hiện lệnh bắt tạm giam, Hường nói: “Cháu sẽ khai hết. Cháu biết, mười năm nay, cháu đang vi phạm pháp luật...”.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.