Mặc dù đặc thù chịu nhiều tác động bởi điều kiện thiên nhiên nhưng với kết quả hết sức khả quan trong năm vừa qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành bệ đỡ, góp phần giảm thiểu tối đa những cơn dư chấn cho nền kinh tế, mang lại thành công lớn cho Việt Nam khi trở thành một trong không nhiều quốc gia có tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Với vị thế là định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, đóng vai trò chủ lực, chủ đạo trên địa bàn “Tam nông”, Agribank chính là điểm nhấn rõ nét nhất trong bức tranh nhiều gam màu tươi sáng của nông nghiệp Việt Nam năm 2020.
Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn
Năm 2020, trong bối cảnh chịu tác động của nền kinh tế thế giới có nhiều đặc thù bất khả kháng, do sự xuất hiện của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi…nhưng đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Đáng chú ý là ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).
Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế quốc dân, nhất là vấn đề sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia |
Ghi nhận những đóng góp lớn củạ ngành nông nghiệp trong năm qua, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp rất cao. Đây là thành quả rất lớn của ngành nông nghiệp trong nước, đánh dấu sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam khi vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế quốc dân, nhất là vấn đề sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Thành công của ngành nông nghiệp năm 2020 có thể nói là thành quả tất yếu của cả quá trình 75 năm hình thành và phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, với xuất phát điểm thấp từ một nước thiếu đói triền miên, đến chỗ dư thừa lương thực để xuất khẩu và trở thành cái tên không thể không nhắc đến trên thị trường xuất khẩu nông sản của thế giới. Vấn đề phát triển nông nghiệp - nông thôn luôn được sự quan tâm, coi trọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách được ban hành, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nền tảng, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh chung đó, ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã chung tay cùng Đảng, Chính phủ vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chung tay cùng ngành ngân hàng, Agribank với việc ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tối đa cho khách hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy, mặc dù năm 2020, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá. Agribank với tỷ trọng dư nợ NNNT chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay và chiếm gần 50% dư nợ của toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này, đã góp phần tạo nên những thành tựu lớn về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam năm 2020.
Dấu ấn Agribank trong bức tranh nông nghiệp Việt Nam
Là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, có quy mô về tổng tài sản trên 1,56 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,43 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng với mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, Agribank đang thực hiện đồng thời hai mục tiêu, vừa làm nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vừa phải tạo ra lợi nhuận đóng góp cho NSNN, chăm lo đời sống, đảm bảo tiền lương cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Nguồn vốn của Agribank đã đóng góp tích cực, kịp thời vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, vào quá trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn.
Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho khách hàng đặc biệt là hộ sản xuất, cá nhân vượt qua khó khăn, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 |
Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng về thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Agribank với vai trò là NHTM nhà nước tiên phong, chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, luôn đồng hành cùng 14 triệu hộ nông dân ở Việt Nam, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả như ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho khách hàng đặc biệt là hộ sản xuất, cá nhân vượt qua khó khăn, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Agribank đã và đang thực hiện hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Năm 2020, Agribank tiên phong hỗ trợ khách hàng với 07 lần giảm lãi suất cho vay, trong đó 04 lần giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên; 09 lần giảm phí dịch vụ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01 của NHNN là 45.113 tỷ đồng, trong đó cơ cấu lại nợ là 38.605 tỷ đồng với 15.023 khách hàng; Miễn, giảm lãi 6.508 tỷ đồng với 1.460 khách hàng; Thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh số hơn 110.000 tỷ đồng với trên 21.000 khách hàng. Hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do bão lũ khu vực miền Trung, Agribank thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 16,2 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi 18 tỷ đồng; Hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu 71 tỷ đồng; Cho vay mới để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh với doanh số 200 tỷ đồng và các biện pháp hỗ trợ khác 11 tỷ đồng. Để tập trung nguồn lực tài chính chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, Agribank đã cắt giảm các chi phí hoạt động, điều chỉnh giảm tiền lương và cắt giảm lợi nhuận dự kiến 3-4 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tiến, tháo gỡ về thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay; chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn; thực hiện cho vay trên 69.000 tổ vay vốn với trên 1,4 triệu tổ viên, dư nợ 167.000 tỷ; Đặc biệt Agribank đã triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 66 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh thành phố với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 433 xã vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc. Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ sản xuất, cá nhân trong quá trình vay vốn, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại cho khách hàng, được chính quyền địa phương, khách hàng ủng hộ và đánh giá cao.
Agribank đã duy trì hệ thống mạng lưới Ngân hàng tại 2.300 điểm giao dịch, trên 3.000 ATM, 81 Auto Bank, 25 ngàn POS, phát hành 27 triệu thẻ. Từ năm 2019, Agribank còn triển khai đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp với 212 ngàn thẻ đã phát hành cho nông dân với tổng hạn mức thấu chi cấp cho khách hàng 1.423 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng thủ tục rút gọn (phê duyệt giải ngân ngay trong ngày), doanh số cho vay gần 22.000 tỷ (gấp hơn 4 lần quy mô dự kiến ban đầu 5.000 tỷ) với trên 400 ngàn khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân (chữa bệnh, nộp học phí, hỗ trợ khách hàng khó khăn trong lúc giáp hạt...), góp phần đẩy lùi tín dụng đen theo Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Agribank đã tham gia tích cực đóng góp vào chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bình quân 350 tỷ đồng mỗi năm.
Đến nay, Agribank là ngân hàng thương mại thực hiện lớn nhất quy mô cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Agribank chủ trương ưu tiên nguồn vốn tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ chính sách nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn; tăng cường kết nối ngân hàng với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thời gian qua, với vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Với lượng vốn lớn hàng năm cung ứng cho địa bàn “Tam nông”, Agribank tạo ra thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn, có kim ngạch xuất khẩu cao, có thương hiệu trên thị trường thế giới |
Từ thực tiễn hoạt động gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, cùng với công tác chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, NHNN, các Bộ, ban, ngành... đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Với lượng vốn lớn hàng năm cung ứng cho địa bàn “Tam nông”, Agribank đã đáp ứng nhu cầu đầu tư của mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn, có kim ngạch xuất khẩu cao, có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Trong giai đoạn mới, khi Việt Nam đang tham gia, hội nhập sâu rộng vào các FTA, mà mới nhất là EVFTA, tạo triển vọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam khai thác và phát huy hết các tiềm năng vốn có nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về cơ cấu nông nghiệp lạc hậu, tiềm lực hạn chế, liên kết nông nghiệp lỏng lẻo... khi hướng tới các thị trường đầy tiềm năng trên thế giới. Đây chính là cơ hội cho ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng được chung tay gánh vác sứ mệnh vì “Tam nông”, tiếp tục đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong bức tranh kinh tế Việt Nam và thành công trên hành trình đưa nông nghiệp Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên thế giới.