Là quốc gia có nguồn dự trữ dầu lớn nhất thế giới, Ả rập Xê út cho biết, họ sẽ vẫn tiếp tục khai thác 260 triệu thùng dầu, tương đương lượng dầu bơm lên và vận chuyển mỗi ngày là 7 triệu thùng. Đây sẽ là thế mạnh rõ rệt nhất của Ả rập Xê út và là cú đấm vào nền kinh tế thế giới do nước này có quyền lực để đẩy giá dầu thế giới lên cao.
Theo một bài xã luận trên tờ Tin tức Ả rập, Riyadh đang xem xét hơn 30 biện pháp để gây áp lực lên Mỹ nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt nước này trước sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi mà Mỹ nghi bị Ả rập Xê út thủ tiêu. Giảm sản lượng dầu sẽ là một trong số các biện pháp đó. Điều này sẽ khiến cho giá dầu tăng từ 80 USD/ thùng dầu lên tới 400 USD/ thùng, cao gấp hơn hai lần so với thời giá dầu cao đỉnh điểm hồi năm 2008 (147,27 USD/thùng).Việc tăng giá dầu này sẽ tác động mạnh mẽ toàn cầu, không chỉ đối với những người đi xe máy, ô tô mà đẩy tất cả các loại giá cả leo thang.
Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ thiệt hại nặng nề, trong đó có các nhà xuất khẩu vũ khí Mỹ. Đó là các tập đoàn Lockheed Martin, Boeing, General Electric và ExxonMobil. Bởi lẽ, Ả rập Xê út là nhà nhập khẩu vũ khí thứ nhì thế giới (sau Ấn Độ) và là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ và Ả rập Xê út ký các hợp đồng vũ khí trị giá 17,5 tỷ USD và xu hướng này tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận quốc phòng trị giá 110 tỷ USD với Ả rập Xê út hồi năm ngoái. 61% hàng hóa nhập khẩu vào Ả rập Xê út là từ Mỹ. Nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt với Ả rập Xê út, nước này sẽ ngay lập tức chuyển sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Ả rập Xê út cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngay sau khi lời cảnh báo trừng phạt được ông Donald Trump đưa ra, thị trường chứng khoán Ả rập Xê út ngay lập tức bốc hơi 33 tỷ USD.