Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam:  

Nỗ lực phấn đấu, thành công sẽ mỉm cười

Nỗ lực phấn đấu, thành công sẽ mỉm cười
TP - Chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam chính thức ra mắt bằng cuộc giao lưu đầy ý nghĩa giữa giới trẻ Hà Nội với cô gái vàng thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương, GS.TSKH Ngô Bảo Châu và ca sĩ Trọng Tấn.

Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam là một trong sáu chương trình, dự án lớn được ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 9 thông qua. Đêm 22/7 tại Hà Nội, chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam do T. Ư Đoàn phối hợp với Ban thanh thiếu niên (VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức) chính thức ra mắt.

Đằng sau lấp lánh ánh vàng

Nỗ lực phấn đấu, thành công sẽ mỉm cười ảnh 1
VĐV Đỗ Thị Ngân Thương

Đỗ Thị Ngân Thương, sinh năm 1989 là chủ nhân của những tấm HCV trong 3 kỳ Seagames liên tiếp 22, 23 và 24; Là vận động viên (VĐV) đầu tiên của Việt Nam được đặc cách tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Ngân Thương là khách mời đầu tiên tham gia đối thoại với các bạn trẻ trong chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam.

Đằng sau thành công ấy là một quá trình phấn đấu khổ luyện đáng khâm phục của Ngân Thương, lúc 7 tuổi Ngân Thương đã phải xa nhà sang Trung Quốc luyện tập gian khổ với không biết bao nhiêu lần chấn thương và những cái Tết xa nhà.

Xòe bàn tay chai cứng, chính nhà vô địch cũng thừa nhận, quãng thời gian tập luyện đằng đẵng thực sự là thử thách đối với cả gia đình và cá nhân Ngân Thương: “Những khi thất bại liên tục vì một động tác khó, rồi rất nhiều lần chấn thương khiến đôi lúc em đã chán nản và nghĩ đến chuyện bỏ tất cả để trở về gia đình, trở lại làm một  nữ sinh bình thường.

Thế nhưng, nghĩ đến rất nhiều thầy cô đã lo lắng, chăm sóc cho mình cũng như tình yêu với môn thể dục dụng cụ đã ăn vào máu em lại cắn răng quay lại phòng tập”.

Ngoài năng khiếu trời cho, ý chí và quyết tâm khổ luyện chiếm đến 90% thành công của một VĐV. Ngay từ lúc bé tí tẹo, cô bé Hà Nội này đã thấm nhuần câu nhắn nhủ của thầy cô: “Nuôi quân 3 năm đến ngày ra trận...”. Và Ngân Thương không cho phép mình lùi bước trước khó khăn.

Nỗ lực phấn đấu, thành công sẽ mỉm cười ảnh 2
Giáo sư Ngô Bảo Châu

Dù ở đâu cũng có thể cống hiến xây dựng đất nước

25 tuổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 31 tuổi bảo vệ thành công luận án Habilitatino (tương đương với tiến sĩ khoa học), một năm sau đó (2004), cùng GS. G.Laumon (Pháp) nhận giải thưởng nghiên cứu của Viện Toán học Clay dành cho công trình toán học xuất sắc nhất thế giới, năm 2005, Ngô Bảo Châu được Nhà nước đặc cách phong hàm Giáo sư, trở thành Giáo sư trẻ nhất Việt Nam lúc 33 tuổi.

GS.TSKH Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 (hiện công tác tại ĐH Paris XI) nguyên học sinh khối THPT chuyên Toán (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) đã từng dành 2 HCV Olympic Toán quốc tế, trở thành thần tượng của không ít bạn trẻ đam mê nghiên cứu.

Ba điều quý giá!

Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, Trần Thị Linh (học sinh trường THPT Láng Thượng, Hà Nội), đúc kết:

“Em học được 3 điều quý giá, từ anh Bảo Châu: “Khoa học không có nghĩa là lạnh lùng, mà đó là sự đam mê”; từ ca sĩ Trọng Tấn: “Đừng rời bỏ ước mơ cho dù có nghèo khó!”; và từ chị Ngân Thương: “Hãy phấn đấu rèn luyện thân thể khỏe mạnh trong bất kỳ tình huống nào”.

Sau chương trình, rất nhiều bạn trẻ hồ hởi như nắm bắt được bí quyết quý giá cho riêng mình.

Trò chuyện với anh, nhiều bạn trẻ biết được để trở thành giáo sư có uy tín, đã có thời gian 3 năm trời anh đối mặt với thất bại vì nghiên cứu không mang lại kết quả.

Nhưng rồi Ngô Bảo Châu đã biến những thất bại ấy thành động lực giúp anh vượt qua khó khăn và được tặng Giải thưởng nghiên cứu của Viện Toán học Clay ở Mỹ, một giải thưởng mà cho tới lúc bấy giờ chỉ có 12 nhà toán học trên thế giới được nhận.

“Tương lai thuộc về những người dám ước mơ, vậy khát vọng lớn nhất trong anh lúc này là gì?”.

Trả lời câu hỏi của Phạm Bích Diệp, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền, GS Châu, nói: “Tôi mong góp sức tạo ra những biến chuyển để ngày nào đó nền khoa học Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của nhân loại”.

GS Châu cho biết, ngoài thời gian nghiên cứu ở Pháp, mỗi năm anh về nước từ 3 – 4 tháng để góp phần đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ.

Có bạn trẻ nêu: “Anh có về Việt Nam công tác lâu dài để cống hiến xây dựng đất nước?”.

GS Châu nói: “Khái niệm cống hiến đối với tôi không nhất thiết cứ phải về nước sinh sống mới là cống hiến! Hễ là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng có thể, góp phần xây dựng đất nước”.

Nỗ lực phấn đấu, thành công sẽ mỉm cười ảnh 3
Ca sĩ Trọng Tấn

Không từ bỏ ước mơ dù nghèo khó

Ít ai biết rằng để trở thành “ông hoàng nhạc đỏ”, ca sĩ Trọng Tấn đã từng trải qua những tháng ngày thiếu ăn, xin được đi hát thay bạn để có 30 ngàn đồng mua vé xe về quê ăn Tết!

Trọng Tấn đến với Nhạc viện Hà Nội với niềm đam mê ca hát và một thông tin quý giá lúc bấy giờ với một cậu học trò nghèo: Đó là thi vào hệ trung cấp thanh nhạc không phải đóng tiền học phí. Thế rồi từ cậu học trò đến quần áo cũng phải đi mượn, Trọng Tấn đã trở thành ca sĩ và giảng viên thành danh.

Nhiều bạn trẻ hỏi Trọng Tấn: “Với chất giọng đặc biệt sao anh không theo dòng nhạc trẻ, hát những bài dễ hơn để có nhiều fan, thu nhập cũng khá hơn?”. Trọng Tấn: “Hạnh phúc nhất là được khẳng định phẩm chất cũng như năng lực của mình.

Nếu chỉ chạy theo thu nhập mà không có đam mê, chắc chắn sẽ khó thành công lâu dài”. Trọng Tấn cũng khuyên nhiều bạn trẻ có năng khiếu tiếp tục theo đuổi và thực hiện ước mơ bởi quá trình nỗ lực và thành danh của anh đã mang đến niềm tin cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn... 

Tham dự Chương trình có Bí thư T.Ư Đoàn Lâm Phương Thanh, đại diện Ban Dân vận T. Ư, Bộ GD&ĐT... Chương trình do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietNam) và Tổng Cty Viễn thông Quân đội (Viettel) tài trợ.
MỚI - NÓNG