90 triệu dân, mừng hay lo?

90 triệu dân, mừng hay lo?
Hôm qua (1/11), cả nước đã vui mừng chào đón công dân thứ 90 triệu, cũng đồng thời bắt đầu cho “thời kì vàng” của dân số Việt Nam. Tuy nhiên, liệu sau niềm vui này sẽ có những vấn đề nào chúng ta cần bàn luận?

>Công dân thứ 90 triệu chào đời
>Hình ảnh hạnh phúc của gia đình công dân thứ 90 triệu

Bé Nguyễn Thị Thùy Dung
Bé Nguyễn Thị Thùy Dung.

Cán mốc 90 triệu người, dân số Việt Nam đang ở một thời khắc quan trọng. Tuy nhiên, cùng với niềm vui về “thời khắc vàng” của dân số, chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề kinh tế, xã hội…

Đề cập tới vấn đề này trong chương trình Sự kiện và Bình luận, VTV đã có cuộc trò truyện với GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện dân số và các vấn đề xã hội và TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Bộ Y tế.

Vào thời điểm này, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đang tiến hành tổ chức các hoạt động chào mừng sự kiện công dân số 90 triệu của Việt Nam ra đời. Vậy, tại sao chúng ta lại tổ chức nhiều hoạt động như vậy để chào đón sự kiện này?

TS. Dương Quốc Trọng: Sáng nay (2/11), cùng với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và đông đảo tầng lớp nhân dân, đã diễn ra cuộc diễu hành đi bộ “90 triệu con cháu Lạc Hồng” tại đường Trường Sa và Hoàng Sa - TP. Hồ Chí Minh. Tối nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành tổ chức sự kiện “90 triệu trái tim Việt Nam”. Chuỗi sự kiện này nằm trong khuôn khổ chào mừng công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời vào ngày 1/11/2013, đồng thời ghi nhận những thành tựu mà Bộ Y tế đã làm được trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Qua sự kiện này cũng nói lên những cơ hội và thách thức mà chúng ta phải vượt qua trong thời gian tới.

Thưa GS. Nguyễn Đình Cử, ông có đánh giá như thế nào về sự kiện công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời?

GS Nguyễn Đình Cử: Đối với tin tức cháu bé gái thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời, tôi cảm thấy rất vui xen lẫn sự tin tưởng và một chút lo lắng. Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ ra đời đều là một niềm vui của gia đình. Nếu 90 triệu niềm vui cùng cộng lại, đó sẽ là niềm vui lớn.

Thêm nữa, tôi tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Không nói đâu xa, trải qua 60-70 năm với 2 cuộc chiến tranh, thiên tai, đói kém nhưng dân tộc Việt vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển nhanh trên thế giới (dân số thế giới tăng 2 lần, nước ta tăng 3 lần). Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là đằng sau sự phát triển đó có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về an ninh, lương thực, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế và môi trường. Đó là những bài toán lớn mà những nhà quản lý cần giải quyết.

So với nhiều năm trước, hiện tại mức sinh của Việt Nam đang giảm bền vững, TS. Dương Quốc Trọng có đánh giá như thế nào về hiện tượng này? Liệu tỷ lệ sinh của Việt Nam có tiếp tục giảm?

90 triệu dân, mừng hay lo? ảnh 2

TS Dương Quốc Trung: Theo quy luật chung của các nước trên thế giới, các nước đều đã, đang và sẽ thành công trong việc giảm tỷ lệ sinh nhưng hầu như chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh. Vì vậy tại thời điểm này, dân số Việt Nam đạt dưới mức sinh thay thế (1 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ chỉ có 2 con), chúng ta cần học tập những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công của các nước khác để tránh mắc phải những sai lầm, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng những chính sách dân số.

Trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho Cục dân số nhiệm vụ: cố gắng duy trì ở mức 2 con để trong tương lai nước ta vẫn sẽ đảm bảo một cơ cấu dân số phù hợp nhất vì theo quy luật chung, tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Duy trì mức sinh hai con đồng nghĩa với phải chấp nhận rằng quy mô dân số sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này được các nhà nhân khẩu học gọi là đà tăng dân số. Hiện nay, cứ 1,5 phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ thì có 1 phụ nữ bước ra tuổi sinh đẻ. Cho nên mặc dù đạt dưới mức sinh thay thế nhưng số phụ nữ tham gia sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng. Do đó, dân số nước ta vẫn tiếp tục tăng nhưng sẽ không tăng cao như giai đoạn trước đây.

Trước đây chúng ta đã dự tính dân số nước ta sẽ tăng cực đại vào khoảng 140-150 triệu người, nhưng hiện nay theo các chuyên gia tính toán, nếu duy trì ở mức hai con thì dân số Việt Nam sẽ đạt cực đại từ 105-110 triệu người trong tương lai.

Liệu khẩu hiệu dân số của chúng ta có thể đã thay đổi?

TS Dương Quốc Trọng: Đúng vậy, nếu như trước đây khẩu hiệu dân số của chúng ta là mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con thì hiện nay khẩu hiệu được đưa ra là mỗi gia đình hãy sinh 2 con. Riêng đối với TP. HCM - nơi có tỷ lệ sinh rất thấp (1,3 con) thì khẩu hiệu đưa ra là mỗi phụ nữ TP. HCM hãy sinh đủ 2 con.

Theo lý thuyết thông thường, nếu tỷ lệ dân số tăng 1% thì tỷ lệ tăng kinh tế 3 - 4 % mới có thể đảm bảo quốc gia phát triển tốt và bền vững, vậy với mức tăng dân số của Việt Nam hiện nay thì mức tăng trưởng kinh tế đã đảm bảo cho mức tăng dân số?

GS. TS Nguyễn Đình Cử: Tỷ lệ trên là những con số được tính toán tại các quốc gia trên thế giới , đối với Việt Nam có nhiều điều khác biệt trong 10 năm qua: tỷ lệ tăng lao động cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng dân số, chúng ta được hưởng sự dư lợi từ việc tăng dân số. Về mặt giai đoạn, theo tính toán của các chuyên gia, từ năm 2020 trở đi thì dư lợi này sẽ giảm dần. Như vậy, trong 15 – 20 năm nữa, dư lợi từ việc tăng trưởng dân số sẽ giảm. Sự thay đổi về cơ cấu dân số sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đi. Khi đó, sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào năng suất lao động.

Vậy với mức dân số 90 triệu người chúng ta nên mừng hay lo?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Đây là câu hỏi đơn giản nhưng cũng rất khó, vì chúng ta không thể cân đo đong đếm chính xác. Tuy nhiên tôi cho rằng: thuận lợi của chúng ta rất lớn. Việt Nam đang trong thời kì “tích tiểu thành đại”, nếu biết tích lũy các yếu tố tích cực sẽ đem lại hiệu quả lớn và ngược lại.

GS.TS Nguyễn Đình Cử (bên trái)
GS.TS Nguyễn Đình Cử (bên trái).

Đối với thời điểm “dân số vàng” sẽ đem lại cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam?

TS Dương Quốc Trọng: Từ năm 2007, dân số Việt Nam bước vào thời điểm “dân số vàng” (cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc), vì vậy chúng ta đang có một nguồn nhân lực khổng lồ. Hiện với tỉ lệ 69% dân số Việt Nam ở độ tuổi lao động, có thể nói đây là nguồn nhân lực vô cùng quý giá nếu chúng ta biết tận dụng nguồn nhân lực này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lợi thế về mặt số lượng, chúng ta phải biến “vàng” này thành vàng thực sự. Vì vậy, việc cần làm là đưa ra những biện pháp nâng cao chất lượng về nhân lực.

Hiện nay, chỉ có 15% tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và có hợp đồng lao động trong tổng số 69% tỉ lệ người lao động trong cơ cấu dân số, liệu đó có là quá ít?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Quả thực tỷ lệ này không những quá ít mà cơ cấu đào tạo của chúng ta đang gặp nhiều bất cập, ví dụ tỷ lệ đào tạo đại học cao hơn đào tạo công nhân kỹ thuật. Đối với hiện tượng tỷ lệ lao động có hợp đồng thấp (15 triệu người) cũng dễ hiểu, bởi lẽ lao động của Việt Nam tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm

Vậy, về năng suất lao động, có con số nào để đối chiếu giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới?

GS. TS Nguyễn Đình Cử: Thu nhập bình quân đầu người là chỉ báo cho năng suất lao động cho quốc gia, ở Singapore (5,4 triệu dân - 2012) với tổng thu nhập quốc nội của họ lại lớn hơn tổng thu nhập của Việt Nam, đây là bài học cho nước ta.

Vậy, chúng ta cần bao nhiêu thời gian để tiến hành công việc cải tạo chất lượng lao động trong thời kì “dân số vàng”?

TS. Dương Quốc Trong: So với mặt bằng chung các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có tỉ lệ lao động được đào tạo chuyên môn bậc thấp và bậc cao đều thấp hơn rất nhiều.

Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng, hiện nay, chúng ta có 3 giải pháp lớn để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam: Đầu tiên cần điều chỉnh mức sinh sao cho hợp lý nhằm kéo dài thời gian “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số; thứ hai, tận dụng về mặt số lượng đông đảo dân số lao động bằng việc tạo công ăn việc làm trong và ngoài nước cho lực lượng này, làm sao để mọi công dân trong độ tuổi lao động đều có việc làm; cuối cùng làm sao biến ưu thế về mặt số lượng về mặt chất lượng thông qua việc tăng cường giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Đây sẽ trở thành quốc sách hàng đầu để biến “vàng” số lượng thành “vàng” chất lượng trong tương lai.

Theo VTV News

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.