8X đem lại cái nhìn mới về sử Việt

8X đem lại cái nhìn mới về sử Việt
TP - Được cho là nhà nghiên cứu lịch sử trẻ tuổi nhất, Trần Quang Đức vừa trình làng cuốn sách “Ngàn năm mũ áo” được dư luận quan tâm.

> Cổn miện uy nghi, ngàn năm mũ áo

Giới trẻ rất hào hứng với các trình bày mới lạ của tác giả về sử Việt. Để có được tác phẩm công phu, dày dặn thông tin về 1.000 năm trang phục người Việt, tác giả đã mất nhiều năm đi điền dã khắp các tỉnh, thành sưu tập tư liệu.

Một mình rong ruổi

Trong giới nghiên cứu sử hiện nay, Trần Quang Đức (SN 1985, quê Hải Phòng) được xem là nhà nghiên cứu sử trẻ nhất. Không ai trong gia đình biết chữ Hán, nhưng ngay từ nhỏ, Đức đã bị thứ chữ tượng hình này cuốn hút. Mỗi lần theo ông bà lên chùa, Đức lại tò mò hỏi han và học viết chữ Hán.

Tình yêu thích chữ Hán lớn dần và trở thành niềm đam mê khi Đức thi đỗ khoa tiếng Hán trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, Đức tham dự cuộc thi tìm hiểu tiếng Hán toàn quốc và giành giải nhất, sau đó giành luôn giải nhất cuộc thi tiếng Hán toàn thế giới và được nhận học bổng toàn phần tại Đại học Bắc Kinh. Đức tiếp tục nghiên cứu văn hoá cổ trung đại và tiếng Hán cổ tại Đại học Bắc Kinh.

“Năm 2009 về nước, tôi mới đầu cũng chưa rõ định hướng của mình sẽ làm gì. Nhưng đến năm 2010, khi có cuộc tranh cãi về trang phục trong phim lịch sử Việt Nam giống Trung Quốc, tôi quyết định sẽ nghiên cứu sâu về lịch sử trang phục Việt”, Đức chia sẻ.

Để cho ra đời cuốn sách, Đức một mình lái xe rong ruổi khắp các tỉnh, thành như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nghệ An, Huế... để tìm hiểu. Trong những chuyến đi đó, mà như Đức gọi đi điền dã, chuyện cuốc bộ, xe ôm… là bình thường.

Vai đeo ba lô, tay cầm máy ảnh, mái tóc bồng bềnh kiểu nghệ sỹ, Đức tìm đến các nhà thờ họ, đình, chùa để sưu tầm những dữ liệu cổ trên văn bia, pho tượng phù điêu…

Có những chuyến đi kéo dài cả tháng, nhà nghiên cứu sử 8X phải tự lo kinh phí đi lại, ăn ở. Cạn vốn, Đức lại quay về Hà Nội, nhờ bạn bè viện trợ. “Biết tôi rất tâm huyết, bạn bè người đưa tôi 5-7 triệu, 10 triệu để tôi thoả mãn nghiên cứu. Tôi rất biết ơn những người bạn ấy, sách ra, cuốn đầu tiên tôi mang đến tặng họ”, Đức tâm sự.

Thường xuyên vắng nhà vào các dịp cuối tuần, thậm chí cả tháng, không ít bạn bè vợ Đức tưởng anh “nghiện” đi khấn vái chùa chiền. “Nhiều người đến nhà hỏi tôi đâu mà không thấy ở nhà, vợ tôi chỉ nói mỗi anh ấy lên chùa rồi. Nên nhiều người tưởng nhầm”, Đức cười.

Thu thập dày tư liệu, về Hà Nội giải mã, Đức vẫn gặp nhiều khó khăn. Đức bộc bạch: “Có nhiều lúc tôi bị bế tắc cả tuần liền vì gặp nhiều từ Hán cổ nghĩ mãi không ra. Nghĩ đến bạc tóc, tôi cũng chán nản, nhiều khi đi trên đường lái xe loạng choạng vì đầu vẩn vơ nghĩ sao mũ lại thế này, hoa văn lại thế kia...”.

Giới trẻ hào hứng

“Ngàn năm áo mũ” của tác giả Trần Quang Đức viết về trang phục của người Việt của các triều đại phong kiến Việt Nam trong thời gian 1.000 năm (từ 1009 - 1945). Tác giả đã đi sâu phân tích từ trang phục, phụ kiện cung đình (hoàng đế, vua chúa, bá quan, rồi lễ phục, triều phục), cho đến trang phục quân đội, trang phục dân gian (cả y phục và kiểu tóc). Giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước đánh giá rất cao cuốn sách của Trần Quang Đức.

Đức chia sẻ: "Các bạn trẻ rất quan tâm đến cuốn sách, đặc biệt là thế hệ 9X. Nhiều bạn nhắn cho tôi, nói rằng cảm ơn tôi đã cho các bạn hiểu về lịch sử, đem lại cái nhìn mới về lịch sử. Tôi nhận được hơn 30 lá thư tay của các bạn trẻ, ngoài ra còn rất nhiều kết bạn, bình luận trên trang cá nhân Facebook. Các bạn hứng thú về cách thể hiện lịch sử của tôi”.

Sử dụng nhiều hình ảnh, phương pháp trình bày hiện đại, Trần Quang Đức đã thực sự tạo ra một cái nhìn mới về trang phục mũ áo nói riêng và lịch sử nói riêng, cho thấy một nền văn hóa áo mũ Việt Nam rất đáng tự hào, tự chủ. Trần Quang Đức nói: “Các triều đình VN cũng luôn có sự sáng tạo, giữ tinh thần độc lập tự chủ ngay cả trong quy chế áo mũ”.

Cuốn sách mang đến cho giới trẻ cái nhìn công tâm hơn về cách tiếp nhận văn hoá Trung Quốc. Trần Quang Đức cho biết: “Lâu nay một số bạn trẻ có tư tưởng cực đoan, bài xích, phủ nhận sạch trơn, nhưng phải thừa nhận rằng, trong thời gian tôi nghiên cứu, sự ảnh hưởng, mô phỏng trang phục của Trung Quốc là có nhưng về văn hoá lại chủ động tiếp nhận những tinh túy. Giữa những tương đồng luôn có sự khác biệt, đó là văn hoá Việt Nam. Thay vì ném đá, chúng ta phải có cái nhìn khách quan vào quá khứ”, Trần Quang Đức nói.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhận xét: “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam”. Ra đời đúng thời điểm giới trẻ rất quan tâm đến lịch sử dân tộc, đến chủ quyền nên cuốn sách thực sự nóng, ngoài sức tưởng tượng của tác giả.

Cuốn sách chỉ ra, trong khi các nước đồng văn xung quanh có tư tưởng quy thuận, coi chỉ Trung Hoa mới có hoàng đế, vua nước mình chỉ xưng vương, dùng niên hiệu Trung Hoa, thì các vua Việt Nam luôn xưng đế, dùng niên hiệu Việt Nam. Tư tưởng đó khiến cho quy chế áo mũ cung đình Việt Nam luôn nhấn mạnh tính chất đối đẳng ngang hàng với Trung Hoa. Mũ của hoàng đế Trung Hoa có 12 tua, thì mũ hoàng đế nước Nam cũng 12 tua (Triều Tiên chỉ có 9 tua), áo cổn của hoàng đế Trung Hoa 12 chương (12 hình trang trí) thì áo cổn của hoàng đế nước Nam cũng vậy...

Theo Đức, để giới trẻ Việt hiểu biết về lịch sử và trân trọng những giá trị lịch sử, cần tạo những trào lưu để người trẻ làm theo và tìm hiểu. Hàn Quốc đã rất thành công khi tạo ra phong trào Hàn lưu, người nổi tiếng ăn mặc trang phục cổ truyền trong những sự kiện đặc biệt quan trọng góp phần thu hút sự quan tâm và làm theo của giới trẻ.

Để đông đảo giới trẻ tiếp cận và có cái nhìn mới mẻ hơn về trang phục của người Việt xưa, tác giả “Ngàn năm áo mũ” Trần Quang Đức đang ấp ủ dự định mở triển lãm trưng bày những hình ảnh về mũ, áo triều đình, dân gian.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG