Cớ gì không chọn 100?
Câu hỏi của rất nhiều người về con số 75 gương mặt Văn nghệ được chọn trong sách khiến ấn phẩm này nhanh chóng trở thành một đề tài tranh cãi trong cộng đồng đọc. Đa số ý kiến cho rằng “nếu đã mất công làm tổng tập thì nên chọn 100, kiểu như cuốn sách best seller một thời của Tạ Tỵ “10 khuôn mặt Văn nghệ hôm nay”. Dịch giả Đào Tuấn Ảnh cũng ủng hộ ý kiến này “vì nó tròn, lại dư chỗ khỏi người có người không”.
Trước những thắc mắc này, đội ngũ tuyển chọn truyện đã giải thích: Sở dĩ có con số 75 là vì đây là cuốn sách được biên soạn để kỷ niệm 75 năm thành lập báo Văn nghệ. Người này nhắc lại: Đây là 75 năm báo Văn nghệ chứ không phải Văn học Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến một số tác giả được người đọc đánh giá là “diện mạo lớn của văn đàn Việt Nam” nhưng không xuất hiện trong sách. Nói dễ hiểu, những tác giả được giới thiệu trong sách đều là những tên tuổi trên tờ Văn nghệ qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, trong quá trình làm tuyển tập, một số tác giả lại đề cử những tác phẩm khác mà họ ưng ý hơn, có thể chưa từng xuất hiện trên tờ này.
Sách bắt đầu từ Nam Cao với truyện ngắn “Đôi mắt” và kết thúc bằng “Vương quốc mộng mơ” của Nguyễn Trường. Trong danh sách 75 tác giả có truyện được tuyển, bên cạnh những “thành danh” kiểu như Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Mạc Phi, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương... thì có những tên tuổi khá mới, ví như Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Uông Triều, Đinh Phương, Nguyễn Trường...
Bìa cuốn sách gây tranh cãi. |
Một chi tiết nhỏ khiến người đọc trẻ tuổi thích thú là cuốn sách hoàn toàn không có lời giới thiệu như phần đông các tuyển tập khác. Song chính điều này đã gây ra nhiều tranh cãi không đáng có. Một số nhà văn được chọn cho rằng, chỉ cần ban biên soạn có một lời phi lộ nói rõ lý do và con số tuyển chọn thì nhiều thắc mắc đã không đến mức gay gắt như vậy.
Được biết, sau khi xuất hiện, cuốn sách này đã nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy do đã đánh đúng tâm lý muốn “đọc lại những truyện vang bóng một thời trên Văn nghệ” của nhiều thế hệ bạn đọc, dù giá thành không hề rẻ: 450.000 đồng. Đây cũng là lý do khiến nó lọt vào “tầm ngắm” và gây ra tranh cãi.
Về những ý kiến bất đồng xung quanh việc tuyển chọn, vì sao là người này mà không phải người kia, nhà phê bình Nguyễn Phương Chi cho rằng: “Bất cứ cuộc bình chọn văn chương nào cũng không thể có 100% phiếu tán thành, kể cả cổ kim đông tây. Đến giải Nobel còn có người cự cãi, trong khi đa số cho nó là khuôn vàng thước ngọc thì một số sổ toẹt, thậm chí từ chối nhận giải, như trường hợp Jean Paul Sartre... Thì đây, cũng là một trong số”. Cô cũng khuyên bạn đọc không nên bận tâm vì những bảng xếp hạng, mà hãy chọn sách theo nhu cầu và sở thích cá nhân.
Điều quan tâm của người đọc trẻ
Bìa 4 ghi rõ đây là ấn phẩm kỷ niệm 75 năm báo Văn nghệ (chứ không phải Văn học Việt Nam)
Trong cuốn “75 năm gương mặt Văn Nghệ”, tác phẩm được chọn của Nguyễn Huy Thiệp là “Muối của rừng” (1986) mà không phải là “Tướng về hưu”, “Không có vua” hay “Thương nhớ đồng quê”. Đã có tới gần 30 thảo luận xung quanh vấn đề này của những người đọc trẻ tuổi. Trong một nhóm đọc có 18.000 thành viên, rất nhiều người đã đưa lại nhận định của một số nhà phê bình cho rằng: “Muối của rừng” là một trong những tác phẩm thuộc loại hay nhất của nền văn học Việt Nam đương đại.
Trong lần xuất bản đầu tiên, chính Nguyễn Huy Thiệp cũng không giấu sự tâm đắc dành cho đứa con tinh thần của mình. Ông đã gửi tác phẩm kèm với một lời phi lộ: “Muối của rừng” là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời. Nó là cuộc đi săn tìm danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều trò khỉ. Cuộc sống là những trò khỉ. Cuối cùng mình trần thân trụi cả, tất cả đều về với cát bụi. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người”.
Đây có lẽ là lời phi lộ duy nhất trong số rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Sau này, khi đưa vào tuyển tập, những lời này bị cắt đi, nhưng ở những bản in đầu tiên, thì nó luôn dính liền với truyện ngắn.
Một chú ý khác dành cho truyện ngắn “Đi” của Nguyễn Bình Phương. Theo thông tin từ ban tuyển chọn, đây là tác phẩm chưa từng vào tuyển tập nào. “Đi” là tác phẩm ngắn nhất trong tuyển tập, dung lượng chỉ vỏn vẹn 2 trang. Đây là truyện ngắn từng đăng Văn nghệ Trẻ gây giông bão một thời…