70 năm đi hát, danh ca Phương Dung bây giờ ra sao?

70 năm đi hát, danh ca Phương Dung bây giờ ra sao?
TPO - Phương Dung bảo: “Tôi yêu từ khi mới 5 tuổi. Người tình của tôi chính là âm nhạc và tính tới bây giờ, tôi đã có gần 70 năm giữ người tình của mình bằng bí quyết của riêng tôi”

Phương Dung tên thât là Phan Phương Dung, sinh năm 1945 tại Gò Công (Tiền Giang). Theo lời kể của chị thì từ nhỏ, chị đã mê ca nhạc và thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Khi còn là nữ sinh trường Nữ Gò Công, Phương Dung đã tham gia các chương trình văn nghệ và gây được sự chú ý của nhiều người. Cảm thấy mình đam mê với ca hát nên khi gia đình cho Phương Dung lên thi vào trường nữ Gia Long tại Sài Gòn, Phương Dung đã tự mình tìm đến đài phát thanh để đăng ký dự thi trong cuộc tuyển lựa ca sỹ. Nhưng Phương Dung chỉ lọt đến vòng bán kết. Giải thích vì lý do bị rớt, Phương Dung nói ngày đó các thí sinh cùng thi với chị ai cũng có người đàn, người hướng dẫn tập hát còn chị thì chỉ đi một mình.

70 năm đi hát, danh ca Phương Dung bây giờ ra sao? ảnh 1Phương Dung hồi trẻ

Nhưng nhờ dự thi, Phương Dung đã được nhạc sỹ Khánh Băng biết tới và ông đã giới thiệu Phương Dung đi hát ở một số phòng trà tại Sài Gòn.

Nữ danh ca kể: “Tôi xuất thân chỉ là một ca sỹ hát lót bởi trong giới âm nhạc Sài Gòn nào có ai biết tới tên tôi đâu. Nhưng tôi không nản và chấp nhận như thế chỉ để được hát. Thời gian còn lại, tôi đọc sách. Tôi thích sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay là sách của Nguyễn Tuân, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam... Tôi nghĩ văn hóa là nền tảng cần có với ca sỹ nên tôi rất chăm đọc sách”.

 Phương Dung với Người đi ngoài phố

Từ một ca sỹ hát lót, Phương Dung đã dần dần gây được sự chú ý khi thể hiện những ca khúc tiền chiến như Thiên Thai, Trương Chi, Đàn Chim Việt, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu. Nhưng phải tới khi Phương Dung đi hát nhạc tình cảm (Thời đó nhiều người gọi các ca khúc bolero là nhạc tình cảm) thì Phương Dung mới thực sự nổi tiếng.
Các ca khúc như Chuyện Tình Lan Và Điệp, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Hoa Nở Về Đêm, Những Đồi Hoa Sim… đã đưa Phương Dung lên một tầm cao mới. Ca khúc Đường Về Khuya là ca khúc đầu tiên Phương Dung được mời thu đĩa nhựa, ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ do Phương Dung ca được đưa vào phim “Saigon By Night” của hãng phim Alpha. 
Nhiều nhạc sỹ đã chọn Phương Dung để giới thiệu ca khúc mới, nhiều hãng đĩa đã tìm đến Phương Dung để mời thu âm, đài phát thanh cũng chọn giọng ca Phương Dung phát trên sóng. Rồi các phòng trà, vũ trường cũng chọn Phương Dung. Phương Dung thích được hát trong chiếc áo dài trắng nên đã được giới văn nghệ Sài Gòn gọi với cái tên: “Nhạn trắng Gò Công”.
Trước năm 1975, “Nhạn trắng Gò Công” là một trong những ca sỹ ăn khách nhất của Sài Gòn. Phương Dung kể: “Ngày đó tôi là ca sỹ có nhiều show diễn nhất, nhiều hợp đồng nhất. Chỉ tính riêng các ca khúc mới do tôi thể hiện thì đã có đến hơn 300 ca khúc tôi được trực tiếp các nhạc sỹ nổi tiếng ngày đó lựa chọn để hát đầu tiên”.
70 năm đi hát, danh ca Phương Dung bây giờ ra sao? ảnh 2Phương Dung bây giờ

Lý do các nhạc sỹ thường lựa chọn giọng ca Phương Dung để giới thiệu các ca khúc mới, theo chị là với mỗi bài hát chị đều tìm hiểu rất sâu từ bối cảnh ra đời ca khúc, tâm tư tình cảm người nhạc sỹ muốn gửi gắm vào đó là gì rồi những ca từ nào lạ, ca từ hay thì ý nghĩa sẽ ra sao?

“Tôi thường trò chuyện rất lâu với nhạc sỹ để hiểu hơn về ca khúc, còn với những nhạc sỹ tôi không gặp được thì tôi tìm hiểu cuộc đời, số phận người nhạc sỹ cũng như nơi sinh ra bài hát, thời điểm ra đời của bài hát. Rồi tôi tìm cách để đưa chất riêng vào với ca khúc.”- Phương Dung bảo.

Như với Bến Xuân, Phương Dung đã đưa cái chất Quan họ của đồng bằng Bắc bộ vào với ca khúc qua những câu đầu tiên “Người ơi người ở đừng về” rồi mới vô “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến Xuân”. Rồi với Đêm tàn bến Ngự thì Phương Dung đưa Chinh Phụ ngâm vào.

“Tôi đọc nhiều, tìm hiểu rất nhiều để có thể phân biệt được Hò Huế khác với hò Nghệ Tĩnh ra sao, Ngâm thơ mỗi vùng cũng có sự khác biệt. Tìm được cái chất hay của vùng miền để đưa vào ca khúc sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp của cá khúc đó lên rất nhiều. Đó chính là bí quyết của tôi”- Phương Dung khẳng định.

70 năm đi hát, danh ca Phương Dung bây giờ ra sao? ảnh 3Phương Dung (Giữa) và các thí sinh đang được chị truyền cho bí quyết để thể hiện ca khúc

Nhưng Phương Dung không giấu bí quyết đó mà chị luôn sẵn sàng chỉ dẫn cho các ca sỹ trẻ. Nhân lời làm giám khảo cho chương trình “Người kể chuyện tình”, Phương Dung đã tâm sự: “Xúc cảm: Đó là điều cần thiết nhất để có thể thể hiện một ca khúc cho hay, cho đẹp. Khi sáng tác, từng nốt nhạc, từng lời ca người nhạc sỹ đều gửi gắm những tâm sự, những cảm xúc và người ca sỹ là người truyền tải những cảm xúc đó đến với người nghe. Hãy tìm những cảm xúc thật nhất để cho người nghe thấu hiểu và đồng cảm. Đó mới là một ca sỹ thành công.”

 Phương Dung với Mưa rùng

Sau hơn 20 năm sống tại hải ngoại, cách đây 5 năm Phương Dung đã chọn con đường trở lại quê hương. Chị cho biết lý do chị trở về là quê hương đã cho chị quá nhiều và đã đến lúc chị phải trả ơn cho quê hương.

Phương Dung mua một mảnh đất ngoai thành tại Sài Gòn rồi tổ chức xây dựng một mái ấm tình thương. Hiện trong mái ấm đó chị đã nhận nuôi dưỡng gần 30 em bé có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn. Chị nói: “Đó mới là bước đầu của mái ấm, tôi còn dự tính sẽ mở rộng để xây dựng một trung tâm dưỡng lão, chuyên chăm sóc và chữa trị cho người già. Còn về đi hát, tôi chỉ hát ở các chương trình từ thiện hay nhận làm giám khảo cho một số chương trình có các bạn trẻ tham gia. Thế hệ chúng tôi đã lớn tuổi hết rồi, tôi mong những kinh nghiệm của gần 70 năm đi hát của tôi sẽ được truyền lại cho các em để các em tiếp tục nối bước, gìn giữ bản sắc âm nhạc Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.