70 năm “Cuốn theo chiều gió”

70 năm “Cuốn theo chiều gió”
TP - Ngày 15-12-2009, Bảo tàng “Cuốn theo chiều gió” ở thành phố Marietta đã kỉ niệm 70 năm ngày bộ phim được công chiếu.
70 năm “Cuốn theo chiều gió” ảnh 1
Vivien Leigh và Clark Gable trong phim Cuốn theo chiều gió

Khi phát biểu, giám đốc bảo tàng Konny Sazerlend đã nói: “Tất cả chúng ta đều trải qua những khó khăn trong cuộc sống và có lần gục ngã.Câu thề của Scarlett OHara:

“Có Chúa chứng giám, tôi quyết không bao giờ chịu đói nữa” đều gần gũi với tất cả mọi người. Điều đó không hề có biên giới” (Theo Chattanooga Times Free Press).

Phim “Cuốn theo chiều gió” với Vivien Leigh trong vai Scarlett O’Hara, xuất hiện trên màn ảnh đúng 70 năm trước, đến nay vẫn là một trong những bộ phim tình được yêu chuộng nhất thế giới.

Nữ văn sĩ nông nổi

Tiểu thuyết nổi tiếng về tình yêu và những cuộc phiêu lưu chìm nổi của Scarlett O’Hara và Rhett Butler trong bối cảnh cuộc Nội chiến Mỹ được nữ nhà văn Margaret Mitchell viết năm 1936.

Đồn rằng Margaret Michell đã “đạo” tiểu thuyết của Lev Tolstoi, hoặc chép lại nhật ký của bà ngoại. Quả thật, ông ngoại của nữ văn sĩ là cựu chiến binh Nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam nước Mỹ, và bà ngoại của Margaret Michell đã có những cuộc phiêu lưu tương tự như Scarlett OHara.

Nhiều câu chuyện do họ kể lại đã trở thành cơ sở cho tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”. Riêng cốt truyện yêu đương thì nữ văn sĩ lấy ngay trong đời sống riêng của mình: Thời đi học bà phải lòng một nam sinh, về sau người này hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Sau này, một số nhà phê bình nói rằng Margaret Michell đã lấy mình làm nguyên mẫu nhân vật Scarlett O’Hara, nhưng nữ văn sĩ phủ nhận điều này, mặc dù trên thực tế bà nổi tiếng là người lố lăng và rất dễ phải lòng.

Margaret Michell tự công nhận rằng bà là “một trong những phụ nữ ngang ngược, tóc ngắn, váy ngắn mà các vị linh mục thường nói rằng đến ba mươi tuổi nếu không bị treo cổ thì cũng bị đày xuống địa ngục”.

Kết cục không đổi

70 năm “Cuốn theo chiều gió” ảnh 2
Margaret Michell

Đồn rằng Margaret Michell thay người yêu như thay áo, có thời điểm bà đồng thời hứa hôn với 5 người đàn ông.

Năm 1922 bà lấy chồng, nhưng được mấy tháng thì viết đơn li dị. Nghe nói Rhett Butler có bóng dáng người chồng đầu tiên của bà.

Ba năm sau, bà lại kết hôn lần nữa. Vị hôn phu thứ hai của Margaret Michell chính là người phù rể trong đám cưới lần thứ nhất của bà. Cuộc hôn nhân lần này hóa ra lại thành công và lâu dài.

Chồng Margaret Michell luôn luôn ủng hộ vợ trong tất cả mọi chuyện, kể cả việc bà viết cuốn tiểu thuyết khiến bà trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Margaret Michell đã viết “Cuốn theo chiều gió” 10 năm liền, từ 1926 đến 1936.

Đầu tiên bà viết phần kết, sau đó mới dần dần ghép phần các chương khác. Có lần một nhà phê bình khuyên bà nên sửa lại chương cuối của cuốn sách, không để cho nhân vật Rhett ra đi vĩnh viễn như vậy. Margaret Michell trả lời: “Tôi có thể sửa bất cứ điều gì mà ông muốn, riêng phần kết thì không bao giờ”.

Nhà xuất bản Macmillan Publishers muốn in tiểu thuyết của Margaret Michell với nhan đề “Mai sẽ là ngày khác” (Tomorrow Is Another Day), nhưng bà đề nghị lựa chọn một số tên gọi, trong đó có nhan đề “Cuốn theo chiều gió” (Gone With The Wind). Bà tìm được câu này trong tập thơ Cynara của Ernest Christopher Dowson.

Quyển sách trở thành một sự kiện vang dội. Chỉ riêng ở Mỹ “Cuốn theo chiều gió” đã được tái bản nhiều lần, trong đó có 31 lần trong năm đầu tiên, 48 lần trong ba năm tiếp theo.

Một năm sau khi “Cuốn theo chiều gió” ra đời, Margaret Michell được trao giải Pulitzer. Trong năm đầu tiên Margaret Michell đã nhận được tiền phần trăm xuất bản “Cuốn theo chiều gió” hơn 3 triệu USD (tính theo thời bây giờ là hơn 33 triệu USD).

Phạt 5.000 USD vì chửi thề

Nhân thắng lợi đó, nhà xuất bản đề nghị Margaret Michell viết tiếp tập 2 “Cuốn theo chiều gió”, nhưng bà kiên quyết từ chối.

Tuy vậy, bà đồng ý chuyển thể tiểu thuyết mình thành phim. Margaret Michell cũng khước từ đề nghị của nhà sản xuất bộ phim David Selznick mời bà cùng tham gia làm phim, bà bán bản quyền với giá chỉ 50.000 USD.

Khi bộ phim thu được thành công vang dội, nhà sản xuất đã gửi cho bà thêm một tấm séc với số tiền bằng chừng ấy nữa.

Kịch bản phim “Cuốn theo chiều gió” do Sidney Howard viết, ông bị tai nạn qua đời chỉ một tháng trước khi phim công chiếu - giải Oscar kịch bản xuất sắc nhất được truy tặng cho Sidney Howar sau khi ông đã chết.

Tham gia viết kịch bản còn có nhà văn nổi tiếng Scott Fitzgerald, nhưng không hiểu sao tên họ của ông lại không được nêu trong phần giới thiệu.

Cũng cần biết rằng nhà sản xuất phim David Selznick đã phải nộp phạt 5.000 USD vì những câu thoại không đến nỗi tục lắm của các nhân vật. Nhưng ông cho rằng ông đã không mất tiền một cách vô ích.

Bốn nhà đạo diễn

Phim “Cuốn theo chiều gió” là một trong những phim màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới, tuy bộ phim màu thực sự chỉ đến thập niên 60 mới xuất hiện.

“Cuốn theo chiều gió” được quay với sự hỗ trợ hệ thống "Technicolor", nhờ đó những hình đen trắng chuyển thành màu đỏ, màu xanh và nối nhau thành thành một lenta, cho phép có được những màu cần thiết.

Phương pháp quay phim này có giá thành rất đắt bởi không những cần một số lượng phim rất lớn, mà còn phải có loại máy chuyên dụng.

Trong phần giới thiệu ghi tên đạo diễn là Victor Fleming, nhưng trong thực tế có đến 4 người từng ngồi ghế đạo diễn “Cuốn theo chiều gió”. 

Khởi dựng bộ phim là đạo diễn phim “phụ nữ” George Cukor, người ta cho rằng nhờ sự chú ý của ông đến các phẩm chất văn học của tác phẩm gốc mà bộ phim mới trữ tình lãng mạn như vậy.

Ông là người đã đạo diễn các cảnh như tiệc Barbecue ở “Mười hai cây sồi” và cảnh tuyên bố chiến tranh. Về sau, do bất đồng với nhà sản xuất, George Cukor rời bỏ trường quay, và từ đó, đạo diễn là Victor Fleming.

Trong giai đoạn quay phim, Victor Fleming bị suy nhược thần kinh phải nghỉ để điều trị, đạo diễn khác là Sam Wood tiếp tục công việc. Đạo diễn thứ tư là William Cameron Menzies. Sự thay đổi xoành xoạch đó chỉ chấm dứt khi Victor Fleming khỏi bệnh.

Hoành tráng

Về quy mô của bộ phim, cần nêu những con số như sau: “Cuốn theo chiều gió” có 59 diễn viên và 2.400 người đóng các cảnh quần chúng. Thoạt đầu, trong cảnh Scarlett đi giữa chiến trận đầy thây người và những chiến sĩ miền Nam bị thương, theo dự định sẽ sử dụng 2000 diễn viên.

Hiệp hội diễn viên bắt chủ nhiệm phim phải trả tiền công cho tất cả 2000 người đó theo mức lương trung bình. David Selznick từ chối. Kết quả là trong đoạn đó có 800 diễn viên được trả tiền và 400 người tình nguyện tham gia.

Tuy vậy, những người làm phim cũng đã tiết kiệm được một số phông trang trí. Màn đầu tiên được quay của “Cuốn theo chiều gió” là cảnh Scarlett và Rett chảy trốn khỏi Atlanta đang bốc cháy rừng rực. Để quay cảnh đó, người ta đốt những maket cũ còn lại của những bộ phim khác.

Như vậy, chủ nhiệm David Selznick giỏi tính toán vừa tiết kiệm được chi phí, vừa giải quyết được đống phông màn cũ chất đầy trong sân sau của xưởng phim, giải phóng được mặt bằng để quay “Cuốn theo chiều gió”.

Trong cảnh, người đóng thế Scarlett và Rett đã chạy trong đám lửa cháy, nhưng không bị khán giả phát hiện vì khoảng cách quay khá xa. Ở thời điểm đó, người đóng vai Skarlett vẫn chưa được duyệt, một người khác đóng thế, cho đến nay tên tuổi nữ diễn viên này vẫn không được công bố. (Còn nữa).

Để làm phim này, người ta phải may 5.500 bộ quần áo. Nữ diễn viên Vivien Leigh được may cả thảy 30 bộ váy áo, trong đó chiếc váy màu tím có đến 27 biến thể, để khán giả có thể nhận thấy chiếc áo duy nhất của Scarlett dần dần cũ đi như thế nào. Ngoài ra, trong phim có 1.100 con ngựa, 375 con vật khác, 450 chiếc xe ngựa và xe thổ mộ.

Nguyên Chi
Theo rian.ru 

MỚI - NÓNG