7 cách để tránh xa bệnh đau dạ dày

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Người bị đau dạ dày thường đau vùng bụng trên rốn, kèm theo cảm giác cồn cào. Cơn đau thường xuất hiện trước hoặc sau khi ăn, khi quá đói hoặc quá no, ngoài ra, kèm theo đau bụng là biểu hiện chướng hơi, ợ hơi, ợ chua…

Uống nhiều bia rượu

Các thức uống chứa cồn đều có khả năng ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, mặt khác các loại đồ uống này kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid dịch vị, làm tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu chúng ta thường xuyên uống nhiều rượu, bia sẽ có cảm giác bụng bị chướng, nóng rát trong bụng, hơi thở nóng, đau thắt vùng thượng vị…

Nhiều người có thể không thấy các triệu chứng ban đầu, vẫn tiếp uống rượu bia, khiến dạ dày càng bị tổn thương nặng hơn, lâu dài có thể dẫn tới các bệnh nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay chảy máu đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là thủng dạ dày tá tràng… với những biến chứng này bệnh nhân cần được mổ cấp cứu kịp thời, nếu không có thể dẫn tới tử vong. Thậm chí, người bệnh còn có thể bị ung thư dạ dày nếu cứ uống rượu, bia triền miên khi dạ dày đang có dấu hiệu tổn thương, viêm loét.

Khắc phục: Nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia, nhất là với những bệnh nhân đã có tiền sử đau dạ dày. Nếu không thể không uống rượu, tốt nhất, nên ăn một chút tinh bột và uống một chút nước trước khi uống rượu.

Thói quen ăn quá nhanh

Nhiều người có thói quen an thật nhanh để tiết kiệm thời gian làm việc khác, nhưng bạn nên biết điều này không hề có lợi cho dạ dày của bạn. Ăn quá nhanh sẽ gây nên hiện tượng khó tiêu hoá vì thức ăn được đưa vào cơ thể quá nhanh, khiến dạ dày không kịp tiết dịch và lượng dịch tiết ra không đủ để tiến hành co bóp, giúp thức ăn được tiêu hoá.

Hãy hiểu đơn giản là: Việc nhai thức ăn qua loa, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày, dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu việc ăn quá nhanh trở thành thói quen thường xuyên của bạn có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.

Khắc phục: Nhai chậm, nhai kỹ có thể tăng tiết dịch tụy, từ đó làm cho dịch mật và acid hydrochloric giảm, rất có lợi cho dạ dày. Vì thế bạn nên dành thời gian cho việc ăn uống, nhai kỹ và ăn uống từ tốn để việc tiêu hóa dễ dàng hơn, dạ dày cũng nhờ thế mà không bị quá tải, gây đau dạ dày.

Ăn không đúng giờ giấc, định lượng

Việc ăn uống không theo giờ giấc cụ thể hoặc ăn vặt nhiều quên bữa chính cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Vì nếu bạn ăn uống đúng giờ giấc, dạ dày sẽ theo thói quen, cứ đến giờ đó là tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Nếu thời gian ăn uống của bạn “vô tổ chức”, lượng acid mà dạ dày đã tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nhưng không có thức ăn được nạp vào sẽ “phản lại” chính chủ nhân của mình, nó sẽ gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày thường gặp.

Việc ăn quá no cũng ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, vì có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều acid hydrochloric, gây viêm loét dạ dày.

Khắc phục: Người đã có vấn đề về tiêu hóa tốt nhất nên thiết lập cho mình một lịch trình về thời gian ăn, cũng như khẩu phần mỗi lần ăn và sau đó nghiêm chỉnh tuân thủ, chỉ có làm như vậy dạ dày của bạn mới được nghỉ ngơi và làm việc hiệu quả.

Ăn nhiều thực phẩm chua, cay

Các loại hoa quả, nước uống như chanh, xoài xanh, dấm táo… có vị chua sẽ kích thích việc tiết acid và các men tiêu hoá trong dạ dày. Khi lượng acid và men tiêu hoá quá nhiều có thể gây ra viêm loét dạ dày.

Các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu… khi ăn quá nhiều có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các lớp niêm mạc dạ dày, dẫn tới hiện tượng bỏng hoặc xuất huyết dạ dày.

Khắc phục: Bạn nên giảm các loại đồ ăn chua và cay nóng nếu thấy mình đang ăn quá nhiều và nên tuyệt đối tránh các loại thực phẩm này nếu đang mắc các bệnh với dạ dày.

Hút thuốc lá nhiều

Hút thuốc lá có thể không phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày, nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, việc bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá sẽ khiến các loại thuốc mất tác dụng, khiến người bệnh đau nhiều hơn, làm cho bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, các quý ông nên biết hút thuốc lá làm tăng tiết acid ở dạ dày, làm giảm chất kiềm để trung hòa acid ở đoạn đầu ruột non và dễ làm trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản. Hút thuốc lá nhiều cũng gây kích thích hệ thần kinh, khiến bạn mất ngủ, tình trạng đau dạ dày cũng vì thế mà trầm trọng thêm. Chưa kể đến việc, thành phần các chất nicotine trong thuốc lá có thể làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn của dạ dày.

Khắc phục: Thuốc lá luôn có hại cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là với những người có tiền sử đau dạ dày. Điều tốt nhất mà bạn nên làm để bảo vệ bản thân là tránh xa thuốc lá.

Thường xuyên bị stress

Nhiều người cho rằng bệnh đau dạ dày chỉ tìm đến nếu ăn uống không điều độ. Tuy nhiên việc thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về dạ dày. Khi thần kinh căng thẳng sẽ làm tăng tiết acid HCl, một trong những nhân tố làm tổn hại niêm mạc, gây viêm và loét dạ dày.

Khắc phục: Dù công việc có bận rộn, căng thẳng bạn cũng nên giữ cho tâm hồn thư thái, vui vẻ. Việc tập thể dục hằng ngày có thể là cách đơn giản và hữu ích nhất để giảm stress, tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng không được tập thể dục ngay sau bữa ăn vì nó sẽ làm nghiêm trọng hơn các vấn đề với dạ dày.

Thường thức khuya làm việc

Khi phải thức khuya làm việc, chúng ta thường phải ăn đêm vì cơ thể luôn có cảm giác đói khi thức đêm. Việc ăn đêm không chỉ khiến bạn dễ bị béo phì, gây khó ngủ mà còn làm hại dạ dày của bạn. Sau khi ăn đêm chúng ta sẽ đi ngủ, lẽ ra dạ dày cần được nghỉ ngơi thì lại phải làm việc chăm chỉ hơn để tiêu hóa phần thức ăn bạn vừa nạp vào, dạ dày phải làm việc nhiều sẽ kích thích niêm mạc dễ dẫn đến viêm loét dạ dày.

Khắc phục: bạn nên ngủ đúng giờ giấc và tránh việc ăn đêm để cho dạ dày được nghỉ ngơi.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG