Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), diễn biến bệnh từ những ngày giữa tháng 12 cho thấy lượng trẻ mắc bệnh đường hô hấp bắt đầu tăng dù trời chỉ mới bắt đầu chớm lạnh. Tình hình này còn rõ hơn trong thời tiết giá lạnh của miền Bắc.
- Cúm và cảm mạo:
Dấu hiệu thường thấy là nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng khiến các bé mệt mỏi khóc quấy. Đây cũng là bệnh khiến lượng trẻ đến khám đông nhất tại các bệnh viện nhi trong những ngày cuối năm.
- Viêm mũi:
Nếu bạn thấy trẻ đỏ mũi, cho tay vào ngoáy mũi hoặc hắt hơi thường xuyên thì hãy nghĩ đến việc các bé có thể sẽ đối diện với căn bệnh thường thấykhi thay đổi thời tiết. Diễn tiến tiếp theo của bệnh này là sốt khoảng 39 độ C, lừ đừ ban ngày và khóc quấy vào ban đêm. Mũi chứa nhiều dịch đọng.
- Viêm VA:
Ở bệnh này, các bé thường sốt cao, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy đặc. Một số bé bị nghẹt kín mũi dẫn đến không thở được, bứt rứt, khóc quấy và bỏ bú. Trước khi đến bác sĩ, phụ huynh cần giúp bé bằng cách làm sạch mũi thường xuyên.
- Viêm amidan:
Trẻ bị viêm amidan cấp sẽ sốt cao từ 39 – 40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm amidan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
- Viêm họng cấp:
Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Nguyên nhân gây bệnh là loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Bệnh có thể gây đau khớp, biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em.
- Viêm tiểu phế quản:
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
- Bệnh suyễn:
Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như: có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khó thở là biểu hiện điển hình, khó thở làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh và chăm sóc
Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần tránh để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách giữ ấm cho trẻ trong buổi sáng và chiều tối. Nên cho trẻ mặc ấm, giữ không cho bị lạnh ngực, tránh nơi gió lùa. Không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc bị lạnh, nhất là khi đi ngủ.
Tăng cường sự dinh dưỡng, nhất là cho trẻ ăn các thức ăn nóng. Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để. Theo dõi và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra.
Tiêm ngừa cúm cho trẻ khi có điều kiện, đặc biệt là các cháu đang mắc bệnh suyễn. Đến bác sĩ khám ngay khi thấy bé sốt từ 2 ngày trở lên hoặc có biểu hiện nghi ngờ bệnh.
Trong lúc bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, nhiều nước, dễ tiêu nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa giàu năng lượng... đảm bảo đủ 4 nhóm bột đường, đạm, béo, rau và trái cây, chế biến hợp khẩu vị hàng ngày của trẻ. Tăng cường những thực phẩm giàu sinh tố A, C, giàu chất kẽm và chất sắt như thịt bò, gà, trứng, sữa, yaourt, nước ép trái cây, trái cây tươi, rau có màu xanh đậm, rau trái có màu cam, đỏ... giúp tăng cường sức đề kháng. Hạn chế những món ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ.
Trẻ bệnh không muốn ăn do đó nên chia nhỏ bữa ăn, cho ăn nhiều lần trong ngày, có thể 8-10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn 1 lần. Nên khuyến khích trẻ ăn, có thể cho ăn tất cả những gì trẻ thích.