6.300 tỷ đồng xây đường nối Tiền Giang với Đồng Tháp

TPO - Bộ GTVT khởi động lại dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đường song song với quốc lộ (QL) 30, nối An Hữu (Tiền Giang) với Cao Lãnh (Đồng Tháp), với tổng mức đầu tư dự kiến từ trên 4.300 - hơn 6.300 tỷ đồng. 

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang với Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) ngày 12/9, ông Huỳnh Trung Hưng (đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625, đơn vị tư vấn) cho biết đầu tư xây dựng tuyến đường An Hữu - Cao Lãnh là đầu tư mới hoàn toàn và song song với QL30 hiện hữu. Tuyến đường này sẽ giúp giảm tải lượng xe lưu thông trên QL30 (chỉ có 2 làn xe).
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua kiểm đếm xe trên QL30 từ An Hữu đến Cao Lãnh trong quý 2/2018 cho thấy tổng lưu lượng xe ô tô trên đoạn này đạt xấp xỉ 8.560 xe/ngày đêm, cùng kỳ năm ngoái là 6.670 xe/ngày đêm.

Tốc độ tăng lưu lượng xe thời gian vừa qua khoảng trên 20%, nếu sắp tới thông được toàn bộ cao tốc phía Đông và phía Tây thì lưu lượng xe sẽ còn gia tăng rất lớn trên QL30. Do đó, vừa qua Bộ GTVT đã có quyết định cho triển khai lại dự án này.” - ông Hưng cho hay. 

Tuyến đường mới này có điểm đầu kết nối với QL1A tại Km 2020+912 (cách ngã ba An Hữu (điểm đầu QL30 hiện hữu) 1,2 km về phía TP.HCM, điểm cuối tại Km 30+747, kết nối với cầu Cao Lãnh. Dự án có tổng chiều dài khoảng 31km, dự kiến tổng mức đầu tư từ trên 4.303 đến trên 6.335 tỷ đồng tùy phương án đầu tư. Đơn vị tư vấn khuyến nghị giải phóng mặt bằng một lần, tương đương với quy mô theo quy hoạch 4 làn xe, chiều rộng nền 23m.

Đại diện đơn vị tư vấn cũng cho biết trong quyết định phê duyệt của Chính phủ năm 2009, tuyến đường nêu trên đã được đưa vào quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông vận tải của ĐBSCL. Đây là tuyến đường chính kết nối giữa hai cao tốc trong tương lai, gồm cao tốc phía Đông (TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ) và tuyến cao tốc phía Tây (từ Bình Phước về đến Kiên Giang).

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương thống nhất với hướng tuyến được phía tư vấn đưa ra, đồng thời nhất trí việc giải phóng mặt bằng một lần bằng với quy mô quy hoạch của dự án. Tuy nhiên, do dự án mới được khởi động lại và đang trong giai đoạn nghiên cứu chủ trương đầu tư, ông Tuấn đề nghị Sở TN&MT Tiền Giang và huyện Cái Bè xem xét việc áp giá đền bù hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối năm 2017, Bộ GTVT đã quyết định chấm dứt dự án triển khai nâng cấp, mở rộng QL30 hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT, căn cứ xuất phát từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở đề nghị (dừng dự án) của tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, do ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc triển khai đầu tư QL30 theo hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiệu ứng của xã hội về các dự án BOT như thời gian gần đây, địa phương đề nghị Bộ GTVT cân nhắc, xem xét lại phương án đầu tư trước khi triển khai dự án.

Nói về các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian tới sẽ không triển khai đầu tư các dự án theo hợp đồng BOT trên những con đường hiện hữu, chỉ triển khai trên cơ sở người dân có quyền lựa chọn.

MỚI - NÓNG