Thái Lan xét xử vụ buôn người lớn nhất lịch sử:

62 người bị kết án và mức án tù lâu nhất là 95 năm

Trung tướng Manus Kongpan lĩnh án 27 năm tù. ( Ảnh: SCMP).
Trung tướng Manus Kongpan lĩnh án 27 năm tù. ( Ảnh: SCMP).
TPO - Ngày 19/7, tại Bangkok, phiên tòa xét xử vụ án buôn người lớn nhất trong lịch sử Thái Lan đã kết thúc sau 12 giờ làm việc với 62 trong tổng số 103 bị cáo bị kết án. Vụ án được đánh giá là nỗ lực lớn của chính quyền Thái Lan trong việc bảo đảm sự công minh của luật pháp.

Trong số 62 bị cáo bị kết án này có một vị tướng quân đội, các quan chức cảnh sát, quan chức địa phương Thái Lan và một số người Myanmar. 94 năm tù là mức án lâu nhất được áp dụng với Soe Naing, người được biết đến rộng rãi với cái tên Anwar, người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Người này được cảnh sát cho biết là nhân vật chủ chốt đằng sau các trại tập trung trong rừng với hàng chục người bị chết. Hiện ước tính có khoảng 5.000 người Rohingya vẫn đang ở Thái Lan.

Kẻ chủ mưu trong buôn bán bất hợp pháp là Pajjuban Aungkachotephan, một nhà kinh doanh nổi tiếng và cựu chính trị gia ở tỉnh Satun, miền nam Thái Lan đã nhận mức án 75 năm tù. Đáng chú ý, trung tướng Manus Kongpan bị kết án 27 năm tù giam vì tội buôn người và nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến những người nhập cư từ Myanmar và Bangladesh vào Thái Lan.

Tướng Kongpan là người chịu trách nhiệm trong việc bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào Thái Lan từ năm 2009. Hơn 100 người đã bị bắt giữ vào năm 2015 sau khi 36 xác chết được phát hiện tại các ngôi mộ nông ở phía nam Thái Lan, nơi có các trại tập trung người nhập cư bất hợp pháp ở đây để chờ được đưa sang Malaysia. Một số trại tập trung khác cũng phát hiện những xác chết, một số người bị chết ngay tại biên giới với Malaysia. 

Từ tháng 1 năm 2009, tờ South China Morning Post (SCMP) đã có bài điều tra vạch trần tội ác của tướng Manus Kongpan. Họ đã có những hình ảnh và đoạn video cho thấy Kongpan có liên quan tới vụ buôn bán người nhập cư. Lúc đó Kongpan mới là đại tá. Ông ta đã cùng với Chỉ huy chiến dịch An ninh Nội địa giám sát các vụ bắt giữ người Hồi giáo di cư Rohingya và đầy họ ra một đảo heo hút ở Thái Lan.

Bức ảnh đăng trang nhất trên tờ SCMP cho thấy, Kongpan đi chân trần trên cát, đứng cùng với các sỹ quan mặc quân phục và một số quan chức khác. Mặc dù trước đó, ông Kongpan luôn phủ nhận việc quân đội Thái Lan đã bắt giữ người di cư Rohingya và từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, bài điều tra của SCMP đã tiết lộ rằng, quân đội Thái Lan đã quẳng những người di cư Rohingya ra biển một cách có hệ thống. Những người di cư bị đẩy lên con thuyền không có động cơ và bị tống ra khơi. Kết quả là, hàng trăm người đã bị chết ngoài biển khơi. Tờ báo này còn có được đoạn video cho thấy những người Rohingya  cúi gằm mặt trên cát và hoảng sợ khi  quân lính  và các quan chức mặc thường phục phỏng vấn và quay phim họ. 

62 người bị kết án và mức án tù lâu nhất là 95 năm ảnh 1

Bức ảnh đăng trên trang nhất tờ SCMP cách đây 8 năm cho thấy quan chức quân đội Thái Lan Manus Kongpan ( mặc thường phục) tại nơi bắt giữ những người di cư Rohingya. ( Ảnh: SCMP).

Ấy thế nhưng, trả lời phỏng vấn của SCMP, Kongpan phủ nhận việc ngược đãi người di cư, thậm chí ông còn nói rằng, ông đã cố gắng giúp họ bằng cách tự bỏ tiền túi của mình để mua thực phẩm và nước uống cho họ.

Theo các nhà điều tra, bọn buôn người đã tổ chức cho người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi cuộc sống đói nghèo ở Myanmar,sau đó nhốt họ vào rừng và đòi tiền chuộc của người thân. Cho đến khi chúng nhận được tiền chuộc thì mới thả tự do cho họ. Trong một số trường hợp, chúng đã  bán họ để làm người giúp việc trong các gia đình người Thái. Người nghèo Bangladesh cũng là người di cư và mục tiêu của bọn buôn người.

Hầu hết người Rohingya là thuyền nhân đã trốn khỏi Myanmar hoặc Bangladesh trên những con thuyền rách nát,  không có thực phẩm và  thường là bị đẩy trở lại biển vì các nước như Thái Lan không muốn đón nhận họ.Vụ án đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi điều tra viên, cảnh sát trưởng, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã xin tị nạn sang Australia sau khi tiết lộ những quan chức có tham gia vào đường dây buôn người này, những người muốn ông im lặng. Một số người tiết lộ sự thật bị đe dọa.

Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu của tổ chức Human Rights Watch nhận định: "Phán quyết hôm nay là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chống lại nạn buôn người ở Thái Lan. Bây giờ chúng ta có thể tin rằng, một vị tướng quân cao cấp, các chính trị gia địa phương, các ông trùm có ảnh hưởng, và những kẻ đồng lõa đều bị xét xử nghiêm minh. Điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng, bất kể chức vụ và quan hệ của họ như thế nào, không ai được vượt trên luật pháp”.

Ngày 20/7,ngay sau khi vụ xét xử những kẻ buôn người kết thúc, các tổ chức nhân quyền lên tiếng cho rằng, cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng những kẻ buôn người phải được lôi ra trước công lý và những người di cư Rohingya được bảo vệ.

MỚI - NÓNG