12 hộ dân (60 nhân khẩu) trong khu biệt thự cổ trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) chỉ dùng một đường cống để thoát nước. Đường cống này chạy từ sân chung rồi đi dưới nền nhà của 3 gia đình, sau đó đổ vào cống ngầm của thành phố ở phố Đặng Dung. Cuối tháng 7/2013, khu vực này đột nhiên ngập đầy nước cống do đường cống ngầm bị bịt lại.
Kể từ đó cuộc sống ở biệt thự 300 m2 này bị đảo lộn. Toàn bộ các lối đi ngập ngụa nước thải, bể nước ăn cả nổi lẫn ngầm cũng không thể sử dụng. Nhà vệ sinh của cả khu cũng đành bỏ không vì nước thải không có lối thoát.
Nước ngập 30 cm, nơi sâu nhất đến 70 cm. Để đi lại thuận tiện người dân phải xếp gạch, kê tạm ván gỗ. Một số trẻ em đi trên tấm ván trơn đã ngã xuống nước thối.
Lối vào nhà hàng ngày, mở cửa ra gặp phải dòng nước đen ngòm dù trời nắng.
Hàng ngày, cứ ra khỏi cửa nhà là bà Trần Thị Oanh phải đi đôi ủng cao đến đầu gối rồi cầm gậy dò đường, bước ra sân. "Các gia đình ở đây toàn người già và trẻ em, chúng tôi rất lo cho các cháu nhỏ phải sống trong một môi trường độc hại như thế này mà không có phương án giải thoát", bà Oanh nói.
Vòi nước sạch không được sử dụng từ lâu vì chẳng ai lội ra sân khu biệt thự để lấy nước.
Các gia đình phải nối đường ống nước trực tiếp để sử dụng. Tuy nhiên theo bà Oanh, mùi hôi thối và nước bẩn vẫn ảnh hưởng đến nguồn nước này.
Ông Nguyễn Văn Dụng cho biết, khu vệ sinh chung đã bị nước cống tràn vào. Theo thiết kế, các căn hộ trong khu nhà cổ không có phòng tắm, các hộ phải sử dụng nhà vệ sinh chung, nên hiện tại đến việc đi vệ sinh cũng khó khăn. Còn căn hộ ông Dụng đang ở cũng phải đóng cửa thường xuyên do mùi hôi thối nồng nặc.
Cửa của các ngôi nhà được chăng kín bằng lưới để ngăn muỗi. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế vì số lượng ruồi muỗi ngày càng nhiều.
Gia đình nhà bà Nguyễn Thu Yến phải mắc màn ngủ giữa ban ngày. Hiện bà và nhiều gia đình khác phòng chống tạm thời bằng cách mua thuốc mỡ về bôi.
Phường Quán Thánh hỗ trợ khu dân cư lắp đặt 2 máy bơm để xử lý thoát nước nhưng đã bị hỏng 3 tháng nay.