Chúng ta đều kết hôn vì tình yêu nhưng kết hôn mới chỉ là khởi đầu cho thử thách tình yêu thực sự. Có những lúc bạn không thể kiềm chế được cảm xúc của mình mà khó chịu, tức giận, chán nản với bạn đời. Và có thể trong những giờ khắc ấy hai người sẽ phá vỡ hôn nhân của mình vĩnh viễn.
Càng trở nên thân mật, gần gũi với nhau hơn, con người càng bộc lộ nhiều hơn bản chất thật của mình. Và không phải tất cả điều đó đều đáng yêu trong mắt bạn đời. Cùng với xung đột, mâu thuẫn, căng thẳng lớn nhỏ trong đời sống hằng ngày, vợ chồng có thể nảy sinh cảm xúc tiêu cực về nhau. Nhưng đây là điều hầu hết mọi cặp vợ chồng đều phải trải qua và bạn buộc phải học cách giải quyết chúng thay vì "nhắm mắt làm ngơ" hoặc để cảm xúc cuốn đi.
Cả hai đều là những người không hoàn hảo, tình yêu của các bạn cũng không hoàn hảo. Nên thay vì cảm thấy sợ hãi, buồn bã, "tội lỗi" vì cảm giác chán ghét của mình với bạn đời, bạn có thể tìm cách để vượt qua nó.
Bạn không nên tự lừa mình rằng bạn đời chưa từng làm gì trái ý bạn hoặc là một người hoàn hảo không có khuyết điểm. Hôn nhân sẽ chẳng tốt hơn nếu bạn không thành thực với chính cảm xúc của mình. Nhận biết và bộc lộ cảm xúc là cách tương tác để giúp hai người hiểu nhau hơn, bạn cũng sẽ không ôm nỗi buồn bã, giận dữ lâu dài. Dưới đây là sáu giải pháp cho "hội chứng" chán bạn đời.
Hạ "vũ khí" xuống
Trước khi nói vào mặt nhau nỗi chán ghét của mình hiện tại, gây tổn thương cho nhau sâu sắc, bạn hãy cân nhắc đến việc rời khỏi, dành chút ít thời gian để bình tĩnh. Sự đổ tội, lăng mạ, thậm chí là đe dọa không hề có tác dụng gì ngoại trừ tạo nên sự giận dữ gấp 10 lần cho cả hai, dù bạn có thể sẽ cảm thấy bản thân "được giải phóng" khi nói ra.
Tìm cách giải quyết
Nếu bạn nổi nóng vì những lỗi sai nho nhỏ linh tinh hằng ngày của bạn đời, thay vì cằn nhằn và khiến mình bực bội hơn, hãy tìm cách giải quyết đơn giản nhất. Nếu bạn đời thường xuyên để đồ đạc bừa bộn, bạn có thể để riêng chỗ chứa đồ của họ. Nếu bạn đời thích loại nhạc mà bạn ghét, bạn có thể mua tai nghe riêng. Bạn có thể vẫn cảm thấy khó chịu vì bạn đời có vẻ không tôn trọng bạn vì cứ tiếp tục lặp lại "lỗi sai" nhưng thay đổi thói quen cần có thời gian.
Yêu nhau nhiều hơn
Từ xưa đã có một câu nói "Vợ chồng cãi nhau đầu giường, cuối giường làm hòa". Yêu đương cũng là một cách "hạ nhiệt" những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong bạn. Những hormone tích cực giúp bạn cảm thấy bớt nóng giận, cảm thấy được yêu thương nhiều hơn.
Thay đổi nhịp sống
Thực sự, càng có cuộc sống buồn tẻ và căng thẳng, người ta càng dễ cáu gắt hơn. Thời gian ở bên nhau quá nhiều cũng đôi khi tạo tác dụng ngược. Bạn có thể tìm những hoạt động xã hội, thể thao, đi chơi với bạn bè hoặc giải trí cùng nhau để có cảm giác gắn bó, vui vẻ hơn. Những trải nghiệm mới lạ khi ở một mình sẽ là câu chuyện thú vị để bạn kể lại. Đôi khi dứt khỏi nhịp điệu chán chường của cuộc sống cũng giúp bạn thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực bủa vây.
Lật lại ký ức cũ
Khi cảm xúc tiêu cực dâng cao, bạn đời trong mắt bạn đã đến mức "không thể chịu đựng nổi", bạn nên tìm lật lại các kỷ vật tình yêu của hai người. Có thể đó là album ảnh cưới, kỷ vật ghi nhớ những thời khắc hạnh phúc, những gì người kia đã làm cho bạn… Chúng gợi nhắc bạn lại những gì hai người đã trải qua, tình yêu của bạn khiến bạn không còn tập trung vào sự giận dữ hiện tại.
Tạo sự thay đổi
Nếu có điều thực sự bạn không thể bỏ qua, cảm xúc mà bạn không thể dồn nén được, đó là thời khắc các bạn cần một sự thay đổi. Hôn nhân cần sự cam kết đồng lòng và sự đóng góp tích cực từ cả hai người. Bạn đời của bạn buộc phải thay đổi để đem đến cho bạn hạnh phúc, giữ hôn nhân bền vững, cũng tương tự với bạn trong hoàn cảnh tương ứng. Nếu một trong hai hoặc cả hai đều ích kỷ, không mối quan hệ nào có thể bền lâu.