Trường hợp Bộ Y tế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir trong nước.
Hiện Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19…
Trước đó Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách li, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong; Căn cứ kết quả đánh giá giữa kì của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TPHCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 36 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Các kết quả báo cáo giữa kì của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỉ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.