Mức lương đưa ra trong thư mời nhận việc từ đâu mà có?
Mức lương được đưa ra trong thư mời nhận việc được cấu thành từ 3 yếu tố sau:
1. Mức lương mong muốn của bạn.
2. Ngân sách thực tế mà công ty có thể chi trả cho vị trí của bạn, có thể được nêu rõ trong các thông tin tuyển dụng việc làm Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng…
3. Đánh giá kết quả phỏng vấn của bạn (trình độ và kinh nghiệm thực tế của bạn ra sao).
Sau khi tổng hợp từ 3 yếu tố trên, công ty sẽ đưa ra cho bạn mức lương mà họ cho là phù hợp nhất. Và bạn cần lưu ý rằng, khi đã nhận được thư mời nhận việc, bạn khó lòng thương lượng lại lương một lần nữa. Vì lẽ đó, khi đưa ra mức lương mong muốn của mình, hãy cân đối giữa kỳ vọng của bạn và ngân sách thực tế của công ty để cung cấp một con số hợp lý. Nếu đưa ra con số quá cao, bạn có khả năng bị loại (nếu năng lực bản thân không đủ xuất chúng) hoặc rơi vào hụt hẫng khi nhận được đề nghị của công ty. Nếu đưa ra con số quá thấp, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bạn bởi lẽ chẳng mấy công ty sẵn lòng bỏ ra chi phí cao hơn mức lương kỳ vọng của ứng viên.
Mức lương trong thư mời nhận việc có thể thay đổi được không?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều ứng viên thắc mắc nhưng trên thực tế, mức lương trong thư mời nhận việc rất khó thay đổi, trừ một số trường hợp đặc biệt như sau:
1. Mức lương trong thư mời nhận việc bằng hoặc thấp hơn mức lương bạn nhận được ở công ty hiện tại.
2. Mức lương mới mà bạn đề xuất chỉ tăng 5-10% so với mức đề nghị ban đầu: Đây là mức chênh lệch nằm trong khoảng ngân sách mà công ty có khả năng cân nhắc. Do đó, xác suất bạn được điều chỉnh vẫn khá cao.
3. Đánh giá kết quả phỏng vấn của bạn cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của công ty: Trong trường hợp này, có thể bạn không cần phải đưa ra yêu cầu, công ty sẽ chủ động phát tín hiệu chiêu mộ nhân tài bằng cách đưa ra lời đề nghị cao hơn mức kỳ vọng của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chờ đợi mức lương cao hơn thế, bạn vẫn có thể bày tỏ mong muốn của mình nhưng phải thực sự khéo léo trong lời nói để tránh mất lòng nhau và mất luôn lời đề nghị hiện tại.
Khi bạn bày tỏ mong muốn thương lượng lại, có thể nhân sự sẽ cố gắng thuyết phục bạn: “Em cứ nhận đi, cứ thể hiện thật tốt, công ty sẽ điều chỉnh mức lương như em mong muốn”. Nhưng, sự thật thì không. Ngay cả khi bạn có biểu hiện tốt trong thời gian thử việc và thậm chí là sau khi vào chính thức, mức lương ban đầu luôn là điều khó lòng thay đổi được.
Làm gì khi thương lượng không thành công?
Trong trường hợp quá trình thương thảo bất thành nhưng bạn vẫn yêu thích công việc đó và vẫn mong muốn làm việc tại công ty, có 2 việc bạn có thể làm như sau:
1. Tìm hiểu thêm thông tin về chính sách tăng lương của công ty: chu kỳ tăng lương, tiêu chí đánh giá tăng lương và % tăng lương.
2. Thương lượng lại lương một lần nữa thay vì đợi làm thật tốt để tăng lương về sau: Bạn có thể làm điều này khi mức lương trong thư đề nghị chênh lệch quá nhiều so với mức lương kỳ vọng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần xác định rằng xác suất thành công của phương án này không hề cao.
Hành xử như thế nào sau khi từ chối thư mời nhận việc?
Sau khi bạn từ chối lời mời nhận việc, nhà tuyển dụng sẽ hỏi lý do của bạn là gì. Lúc này, đừng vội chê trách hay bày tỏ sự bất mãn của mình, thay vào đó hãy chia sẻ một cách nhẹ nhàng, chân thành: mức lương công ty đưa ra chưa đạt được kỳ vọng của em; vị trí công việc trong thư không phải sở trường của em; thời gian nhận việc quá gấp, em chưa kịp bàn giao công việc ở công ty cũ,…
Nếu những lý do bạn đưa ra công ty hoàn toàn có thể sắp xếp được, nhà tuyển dụng có thể trao đổi với lãnh đạo công ty để đưa đề nghị tốt hơn cho bạn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi bạn là ứng viên thực sự tiềm năng. Trong trường hợp công ty đã có ứng viên dự phòng cho vị trí của bạn, khả năng cao họ sẽ không điều chỉnh thông tin. Vậy nên, bạn không nên kỳ vọng vào phương án này quá nhiều.
Lỡ từ chối rồi có đổi ý được không?
Chắc hẳn bạn rất ngại, rất chần chừ khi có ý định này nhưng với nhà tuyển dụng thì đây chỉ là điều bình thường mà thôi. Vậy nên cứ mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng của mình. Dĩ nhiên, bạn có thành công hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
1. Trong lúc bạn từ chối nhận việc, công ty đã chọn được nhân sự phù hợp cho vị trí của bạn hay chưa.
2. Lý do bạn đưa ra lúc từ chối là gì, có liên quan đến chế độ của công ty hay không. Nếu bạn nhận lại thư mời trong khi trước đó bạn từng từ chối nó vì rất nhiều điều “em không hài lòng”, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng e ngại về lập trường và thời gian gắn bó của bạn.
3. Lãnh đạo công ty có đồng ý nhận bạn hay không.
Hiểu rõ về thư mời nhận việc thì bạn chẳng bao giờ thiệt đi đâu mà sợ. Nếu thông tin này bổ ích với bạn, hãy đón đọc những bài viết tiếp theo để thu hoạch thêm thật nhiều điều bổ ích nhé!