Trước khi qua đời ngày 8/9, Nữ hoàng Elizabeth II là nữ hoàng giàu nhất thế giới thời hiện đại. Theo SCMP, giá trị tài sản ròng của Nữ hoàng Elizabeth II khoảng 600 triệu USD.
Trước khi qua đời, Nữ hoàng Elizabeth II là nữ hoàng giàu nhất thế giới. Ảnh: Garrard. |
Hiện tại, danh hiệu này thuộc về Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch. Bà đồng thời cũng là nữ quân vương duy nhất còn sống sau sự ra đi của người đứng đầu Hoàng gia Anh trong 7 thập kỷ. Khối tài sản bà sở hữu trị giá khoảng 40 triệu USD.
Tuy nhiên, con số trên không đáng kể nếu so sánh với những vị vua giàu nhất thế giới. TBS News cho hay Vua Maha Vajiralongkorn của Thái Lan có 43 tỷ USD và Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei có 28 tỷ USD.
Quay ngược thời gian, một số nữ hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử nắm giữ khối tài sản khổng lồ thông qua quyền lực, đất đai, muối và vàng mà họ tích lũy được trong thời gian trị vì. Tuy nhiên, lịch sử càng lâu dài càng khó thống nhất về những con số vì sự giàu có được đo lường theo cách khác vào mỗi thời kỳ. Phần lớn những gì ước tính ngày nay thường gây ra tranh luận giữa các nhà sử học.
Theo ước tính của Money.com, dưới đây là năm nữ hoàng giàu có nhất trong lịch sử (bao gồm cả lạm phát), ngay cả Nữ hoàng Elizabeth II không vượt qua được.
5. Hatshepsut
Tượng Hatshepsut, nữ pharaoh đầu tiên của Ai Cập. Ảnh: Handout. |
Hatshepsut (1507–1458 TCN) là con gái của pharaoh Thutmosis I, vừa là chị cùng cha khác mẹ vừa là vợ của pharaoh Thutmosis II. Bà lên ngôi sau cái chết của chồng hai và cai trị Ai Cập cổ đại trong hai thập kỷ. Các nhà sử học nhận định Hatshepsut tạo ra thời kỳ thịnh vượng.
Mặc dù khó để tính toán giá trị tài sản ròng chính xác của nữ pharaoh đầu tiên, nhưng từ việc bà kiểm soát các mỏ vàng, đồng và đá quý đã đưa bà vào danh sách những nữ hoàng giàu có nhất trong lịch sử. Nguồn tin cho biết chỉ riêng các mỏ vàng có giá trị khoảng 2 tỷ USD theo mệnh giá hiện nay.
4. Isabella I
Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha đạt được quyền lực và tiền tài thông qua hôn nhân chính trị. Ảnh: IG. |
Isabella I xứ Castile (1451-1504) là nữ vương của Vương quốc Castilla và León, một trong những quân chủ vĩ đại nhất của lịch sử Tây Ban Nha.
Nữ hoàng Tây Ban Nha mở rộng đế chế của mình bằng cách kết hôn với anh họ, Ferdinand II của xứ Aragon. Họ cùng nhau biến Tây Ban Nha thành một cường quốc lớn của châu Âu. Đổi lại, họ có được khối tài sản khổng lồ, cho phép họ sống xa hoa với những đồ trang sức và thảm thêu quý giá.
Theo Celebrity Net Worth, Isabella có thu nhập hàng năm là 1,45 triệu ducat - đơn vị tiền tệ bằng vàng vào thời điểm đó - cho đến khi bà qua đời vào năm 1504. Nếu tính sang tiền ngày nay, ước tính rằng 1.000 ducat tương đương với 110,7 ounce vàng. Vàng hiện là 1.230 USD/ounce. Nếu cô ấy kiếm được 1,45 triệu ducat mỗi năm, có nghĩa là khoảng 5 tỷ USD. Đáng nói hơn, thời gian trị vì của bà kéo dài 30 năm.
3. Cleopatra VII
Cleopatra VII nhiều tài sản nhưng nợ cũng nhiều. Ảnh: Corbis. |
Theo BBC, Cleopatra VII (69–30 TCN) là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất mọi thời đại, cai trị Ai Cập từ năm 51 TCN đến năm 30 TCN.
Money.com cho hay bằng các chiến thuật thao túng chính trị sắc sảo, bà chuyển hóa sự giàu có và đế chế của mình, bao gồm kiểm soát các ngành công nghiệp thịnh vượng nhất của quốc gia về lúa mì, giấy cói và sáp thơm.
Các nhà sử học tin rằng Cleopatra VII nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ lạ và khả năng thông thạo nhiều ngoại ngữ. Theo History.com, bà có quan hệ tình cảm và xây dựng liên minh quân sự với các nhà lãnh đạo La Mã Julius Caesar và Mark Antony. Bằng nghệ thuật lãnh đạo tài tình, bà mang lại hòa bình cho một quốc gia trước đây bị chia cắt bởi kiệt quệ kinh tế và chiến tranh.
Giá trị tài sản ròng của nữ pharaoh ước tính 96 tỷ USD. Tuy nhiên, bà được cho là vay rất nhiều tiền từ các nhà lãnh đạo nước ngoài khác.
2. Catherine Đại đế
Catherine Đại đế cai trị nước Nga vào thời kỳ hoàng kim. Ảnh: Handout. |
Cai trị vào thời điểm được coi là “thời kỳ hoàng kim của Nga”, Catherine Đại đế (1729-1796) là vị vua quyền lực, biến quốc gia này thành một siêu cường toàn cầu trong thế kỷ 18. Ngày nay, bà vẫn giữ danh hiệu là người phụ nữ trị vì lâu nhất trong lịch sử Nga, nắm giữ khoảng 5% GDP toàn cầu vào thời điểm đó nhờ vào sự giàu có về đất đai.
Trong thời gian trị vì, bà trụ vững qua nhiều cuộc nổi dậy và tích lũy được khối tài sản ước tính trị giá 1.500 tỷ USD tính theo mệnh giá ngày nay, theo Money.com.
1. Võ Tắc Thiên
Phạm Băng Băng đóng vai Võ Tắc Thiên trong Võ Mị Nương truyền kỳ năm 2015. Ảnh: Hunan TV. |
Võ Tắc Thiên (624-705), nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc, được cho là nữ quân vương giàu nhất trong lịch sử, với tài sản ròng ước tính 16.000 tỷ USD.
Khối tài sản khổng lồ của bà được cho là bắt nguồn từ quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực đầy mưu mô, đẫm máu. Theo các nhà sử học, bà nổi tiếng tàn nhẫn, thậm chí còn sát hại con ruột. Bà cũng phế truất ngôi vị của những người con trai là những vị vua nhà Đường trước đó.
Dưới triều đại 15 năm của Võ Tắc Thiên, bà mở rộng đế chế của quốc gia sang Trung Á, chứng kiến nền kinh tế thịnh vượng nhờ việc buôn bán trà và lụa với các nước phương Tây trên Con đường tơ lụa.
Ngày nay, bà vẫn là một nhân vật gây tranh cãi đối với một số người, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể trong việc hỗ trợ sự phát triển của Trung Quốc vào thời điểm đó.