5 năm nữa, Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo

5 năm nữa, Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo
Theo lộ trình mà các nhà khoa học ở Viện Khí tượng Thủy văn vừa đưa ra, trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo với giá phải chăng.
5 năm nữa, Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo ảnh 1
Ảnh minh họa

“Đến năm 2010, chúng ta có thể làm mưa nhân tạo phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội trước hết ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và sau đó sẽ mở rộng ra phạm vi cả nước”, PGS. TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thuỷ văn, nói tại hội thảo “Công nghệ mới phục vụ làm mưa nhân tạo, kinh nghiệm trên thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam” vừa tổ chức ở Hà Nội.

Theo PGS.TS Trần Thục, trong lúc chờ đợi các văn bản pháp lý sớm được ban hành, các nhà khoa học của Viện vẫn chủ động tiến hành những nghiên cứu lí thuyết và thực hành để lựa chọn các công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng vào điều kiện Việt Nam.

Làm mưa nhân tạo theo nguyên tắc tác động tích cực vào đám mây để bắt đầu quá trình mưa hoặc tăng cường quá trình mưa trong mây tuỳ thuộc vào công nghệ của mỗi nước. Các chất thường dùng để tác động vào mây tạo mưa nhân tạo là các khí ni tơ lỏng, muối ăn,  carbonic lỏng, v.v...

Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp tác động tích cực vào các đám mây để tạo mưa chỉ có thể thực hiện được với một số điều kiện. Có thể kể đến một số yếu tố như độ ổn định của dòng khí trong mây, mật độ nhân kết tinh trong đám mây, trữ lượng nước trong đám mây, v.v... Bất cập lớn nhất hiện nay về kỹ thuật là, vào mùa khô, các đám mây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ ấy để tạo ra mưa lại không nhiều.

Mưa nhân tạo không đắt

PGS. TS Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ mới, Viện Khí tượng Thủy văn, cho biết  làm mưa nhân tạo không hề đắt thậm chí rẻ nếu tính đến lợi ích thực tế mà nó có khả năng mang lại.

Kinh nghiệm của 28 quốc gia có công nghệ tạo mưa nhân tạo cho thấy, chi phí để làm mưa nhân tạo thấp hơn rất nhiều số tiền chi cho khắc phục hậu quả của các trận hạn hán, cháy rừng, thiếu nước trầm trọng, v.v..., gây ra. Hơn thế, giá thành của nước mưa nhân tạo không hề cao. Ví dụ, tại Nam Phi, giá thành mưa nhân tạo chỉ có 0,004USD/m3 (tương đương 65 VN đồng/m3).

Bao giờ có luật mưa nhân tạo

Điều bất ngờ là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc thúc đẩy sản xuất mưa nhân tạo ở Việt Nam không phải là kỹ thuật. “Công tác nghiên cứu và triển khai gặp khó khăn vì, cho tới thời điểm này, chúng ta chưa có luật về làm mưa nhân tạo”, một nhà khoa học nói, “Do chưa có hành lang pháp lý, chúng tôi chưa thể xây dựng cơ chế để xử lý hàng loạt vấn đề nảy sinh”.

Nhiều người đề cập đến việc chưa có cơ chế để khắc phục tình trạng đầu tư chưa đúng tầm, tình trạng chuẩn bị cơ sở hạ tầng chưa đúng mức, xây dựng nguồn nhân lực có khả năng vận hành thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại chưa được chú trọng thoả đáng.

Nếu các vấn đề pháp lý nhanh chóng hanh thông, các nhà khoa học nhất trí viễn cảnh mưa nhân tạo hoàn toàn có thể thành hiện thực ở Việt Nam. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tiến độ có thể nhanh hơn mốc 2010 một khi khai thông hành lang pháp lý.

PGS. TS Vũ Thanh Ca cho biết Viện Khí tượng Thủy văn đang tiếp cận một công nghệ mới của các nhà khoa học Mỹ nhưng việc lập dự án tiến hành rất chậm vì phải qua nhiều khâu. Nếu Chính phủ bỏ qua các thủ tục phiền hà, khả năng triển khai làm mưa nhân tạo kể từ khi làm chủ công nghệ có khi chỉ mất một tháng.

MỚI - NÓNG