5 lợi ích khi tham gia phỏng vấn xin việc dù bạn không thích

0:00 / 0:00
0:00
Vì nhiều lý do, bạn không muốn tham gia buổi phỏng vấn xin việc khi nhận lời đề nghị từ nhà tuyển dụng. Có thể bởi bạn đã tìm được việc tốt hơn hoặc do mức lương, phúc lợi, môi trường công ty chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên nếu sắp xếp được thời gian thì tốt nhất bạn nên tham gia. Bởi một vài tiếng cho buổi phỏng vấn có thể mang lại những giá trị mà chính bạn cũng không ngờ tới.

Dưới đây là 5 lý do chính đáng đủ để thuyết phục bạn tham gia buổi phỏng vấn dù không thích.

5 lợi ích khi tham gia phỏng vấn xin việc dù bạn không thích ảnh 1

Có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm phỏng vấn

Thông thường để tự tin tham gia một buổi phỏng vấn, bạn sẽ phải tập luyện, trong đó có cả việc nhờ người “đóng vai” nhà tuyển dụng. Nhưng nếu tham dự buổi phỏng vấn thực tế, bạn được “đối diện” trực tiếp với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Do đó, nếu coi buổi phỏng vấn là cơ hội học tập, trau dồi kinh nghiệm, bạn sẽ thu nhận được nhiều bài học. Bạn biết cách nhà tuyển dụng bắt đầu buổi phỏng vấn như thế nào, họ chú trọng điều gì, thường đặt câu hỏi nào... Đồng thời, bạn được rèn luyện tâm lý, được thực hành các kỹ năng phỏng vấn cũng như thuyết trình, đặt vấn đề, trả lời câu hỏi, đàm phán lương…

Trải nghiệm thực tế này sẽ giúp bạn đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau này khi tham gia bất kể cuộc phỏng vấn nào, bạn biết cách thể hiển và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Không có buổi phỏng vấn giả định nào sánh bằng việc tham gia buổi phỏng vấn thực tế. Vì vậy, nếu chưa có lý do tham gia phỏng vấn thì hãy coi đây là cơ hội để rèn luyện bản thân và học hỏi kinh nghiệm từ thực tế.

5 lợi ích khi tham gia phỏng vấn xin việc dù bạn không thích ảnh 2

Nhận chia sẻ, lời khuyên giá trị từ nhà tuyển dụng

Bạn có thể không mất gì khi tham dự phỏng vấn nhưng nhà tuyển dụng thì không. Họ mất thời gian, công sức, tài chính để thu hút CV của bạn cũng như tổ chức buổi phỏng vấn. Do đó, khi buổi phỏng vấn diễn ra, nhà tuyển dụng sẽ chỉn chu, chuyên nghiệp để tìm ra ứng viên phù hợp.

Sự nghiêm túc, tâm huyết của nhà tuyển dụng là cơ hội cho bạn. Qua đánh giá, nhận xét của họ, bạn biết bản thân “đang ở đâu”, điểm yếu nào nên tập trung hoàn thiện, kỹ năng nào nên tập trung phát huy. Bạn còn có thể nhận được những lời khuyên hữu ích về cách viết CV, cách thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn.

Thậm chí họ sẵn sàng cho bạn lời khuyên, định hướng phát triển sự nghiệp quý giá. Đây là phúc lợi đặc biệt mà chỉ khi tham gia phỏng vấn xin việc, trò chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng, bạn mới nhận được.

Cơ hội việc làm “hơn bạn tưởng”

Bạn không thể đánh giá chính xác điều gì về công việc, công ty chỉ qua một vài thông tin. Bạn không nên kết luận công ty không tiềm năng nếu chỉ dựa vào vốn điều lệ, số lượng nhân sự; càng không thể kết luận công việc không phù hợp, không có khả năng thăng tiến chỉ vì mức lương.

Mô tả công việc và doanh nghiệp qua tin tuyển dụng hay thông tin trên website là chưa đủ căn cứ để bạn kết luận về công việc, công ty. Chỉ khi tham gia buổi phỏng vấn, trao đổi trực tiếp, tìm hiểu rõ về doanh nghiệp, “tận mắt” nhìn thấy đồng nghiệp, môi trường làm việc tương lai mới giúp bạn có đánh giá tương đối chính xác.

Chưa kể, biết đâu với màn thể hiện bản thân xuất sắc, bạn sẽ nhận được lời mời làm việc với mức lương hơn cả kỳ vọng. Biết đâu một công ty nhỏ, chưa có tiếng tăm trong ngành nhưng lại quan tâm và đầu tư sâu sắc về môi trường làm việc, phúc lợi cho nhân sự.

Tốt nhất, bạn nên coi cuộc phỏng vấn là cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí cơ hội đó vượt ra ngoài khả năng đánh giá của bạn. Bởi vậy, đừng vội từ chối lời đề nghị phỏng vấn nếu bạn chưa có bất cứ căn cứ xác thực nào để đánh giá về cơ hội việc làm.

5 lợi ích khi tham gia phỏng vấn xin việc dù bạn không thích ảnh 3

Cơ hội xây dựng và mở rộng mối quan hệ

Khi tham dự buổi phỏng vấn, bạn có cơ hội được gặp gỡ những ứng viên tiềm năng khác cùng ngành nghề. Là người kết giao tốt, bạn hoàn toàn xây dựng, kết giao với những người này. Việc có bạn chung ngành, chung lĩnh vực lại đang cùng mục tiêu thay đổi công việc sẽ dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Vậy nên, ngay cả khi không thích công ty thì bạn vẫn có thể sử dụng cuộc phỏng vấn để thiết lập các mối quan hệ mạnh mẽ.

Đặc biệt, bạn còn có cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng. Dù là người ở phòng nhân sự hay quản lý chuyên môn trực tiếp thì họ đều có thể giới thiệu bạn cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, giúp bạn có lời khuyên, định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

Trên thực tế khi gửi CV ứng tuyển, bạn đã tìm được ít nhiều điểm phù hợp với công ty và công việc. Đồng thời khi nhà tuyển dụng gửi lời mời phỏng vấn, họ đã đánh giá cao và nhận thấy tiềm năng của bạn. Vậy nên đừng vội từ chối buổi phỏng vấn vì lý do chủ quan hay cảm tính. Bởi bạn không biết chắc điều gì có thể xảy ra, rất có thể buổi phỏng vấn xin việc mang lại cơ hội nghề nghiệp tốt nhất cho bạn ở hiện tại.

MỚI - NÓNG