4.000 dân núi Cấm bị cô lập hàng tháng

4.000 dân núi Cấm bị cô lập hàng tháng
Bốn ngày sau vụ tai nạn, hôm qua 8-5 đường lên xuống núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn đang phong tỏa. Việc đi lại gần như tắc, hơn 4.000 dân trên núi gặp nhiều khó khăn.

4.000 dân núi Cấm bị cô lập hàng tháng

> Xử lý các điểm mất an toàn trong tháng sáu
> Đá lăn do phá núi mở đường? 

Bốn ngày sau vụ tai nạn, hôm qua 8-5 đường lên xuống núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn đang phong tỏa. Việc đi lại gần như tắc, hơn 4.000 dân trên núi gặp nhiều khó khăn.

Đơn vị thi công khoan cắt đá mở đường bằng cách thủ công tốn rất nhiều thời gian
Đơn vị thi công khoan cắt đá mở đường bằng cách thủ công tốn rất nhiều thời gian. Ảnh: Đức Vịnh (Tuổi Trẻ)

Ngày 8-5, Công ty TNHH Hữu Duẩn bắt đầu dọn dẹp, di dời các tảng đá ở vị trí xảy ra tai nạn. Những tảng đá to đường kính 2-6m được “chẻ” nhỏ bằng phương pháp thủ công, sau đó đẩy dần xuống khỏi vách núi.

Ông Nguyễn Hữu Duẩn, giám đốc công ty, cho rằng các tảng đá rơi đang nằm sát bên vực thẳm nên việc xử lý phải hết sức thận trọng, không để chúng tiếp tục lăn xuống chân núi có nhà dân bên dưới rất nguy hiểm.

Do đó việc giải phóng lòng đường mất khá nhiều thời gian, có lẽ sau nửa tháng mới hoàn tất. Suốt quá trình thi công, đoạn đường này tiếp tục bị phong tỏa hoàn toàn.

Khổ vì... đường tắc

Từ khi xảy ra tai nạn, đội xe lữ hành của Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang và đội xe ôm chuyên đưa rước khách lên xuống núi buộc phải tạm ngưng hoạt động, phương tiện cá nhân của người dân trên núi cũng bị hạn chế lưu thông.

Để lên xuống núi chỉ có thể đi bộ vòng qua một lối nhỏ men theo suối Thanh Long.

Chiều 8-5, con đường vốn nhộn nhịp người xe ngày nào giờ vắng ngắt, thỉnh thoảng mới gặp vài người đi bộ.

Đang ngồi thở dốc bên mỏm đá, ông Ba Tài (ấp Vồ Đầu) kể sáng nay vợ bị mờ mắt, do địa phương nghiêm cấm các phương tiện lưu thông nên ông phải dìu vợ xuống tới gần chân núi mới đón được xe ôm đến bệnh viện điều trị.

Ở ấp Thiên Tuế, một nhóm người lần bước leo qua đoạn đường lởm chởm đá. Họ cho hay cha mình là ông Mai Văn Khỏi đã ngoài 70 tuổi vốn bị cao huyết áp, đau khớp.

Hôm qua ông Khỏi bị mệt, con cái phải thay nhau cõng ông xuống núi, sau đó mỗi lần đến bệnh viện thăm nuôi phải cuốc bộ leo núi, xuống núi hết sức vất vả.

“Trên núi không có trạm y tế, lỡ có bệnh nặng cần đi cấp cứu hay ai chuyển dạ đẻ biết tính sao đây?” - nhiều hộ dân kêu khổ.

Trên núi có bốn ấp với hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống, thu nhập chủ yếu nhờ trồng hoa màu, cây trái. Số thì buôn bán, làm các dịch vụ phục vụ khách hành hương.

Đường bị tắc, du khách không đến nên nhiều dãy hàng quán, điểm du lịch vắng tanh, các ngôi chùa lớn nổi tiếng vốn tấp nập người đến cúng viếng giờ cũng như... chùa Bà Đanh.

Rau quả không thể tiêu thụ, qua nhiều ngày bị chín rục làm người dân đứng ngồi không yên. Núi Cấm có nghiệp đoàn xe ôm với hơn 500 người chuyên chở khách lên xuống núi, chủ yếu kiếm sống qua ngày.

Đường không cho lưu thông, tất cả lâm vào cảnh thất nghiệp. Một số giáo viên ở trên núi cho biết thêm do cấm phương tiện đi lại nên trong hai ngày đầu tuần học sinh nghỉ học khá nhiều.

Riêng số đang học lớp 12 chuẩn bị thi phải xuống dưới chân núi ở nhờ nhà người quen hoặc thuê nhà trọ ở.

Thiếu thực phẩm, giá tăng

Mấy ngày qua, trên núi đã xảy ra hiện tượng thiếu thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Người dân hoang mang không biết bao giờ đường mới đi lại được bình thường nên một số đổ xô mua gom, khiến các loại hàng hóa thiết yếu tăng giá đến chóng mặt.

“Trong khi rau trái không thể tiêu thụ thì giá nhiều mặt hàng đều tăng cao gấp 2-3 lần trước đây mà không còn để mua. Nhiều hộ nghèo không còn thực phẩm ăn hằng ngày” - ông Phạm Việt Tân, trưởng ấp Vồ Đầu, cho hay.

Chiều 8-5, chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Ngô Hồng Yến cho biết huyện đã tổ chức, huy động lực lượng cõng hàng lên núi bán phục vụ dân và để bình ổn giá. Tuy nhiên, do đai vác bằng sức người và đường đi quá cách trở nên số lượng hàng hóa đưa lên núi rất hạn chế.

“Hai chục người đai vác mà chỉ mới đưa được 500kg gạo, 300 lít xăng. Chẳng thấm tháp vào đâu...” - bí thư xã An Hảo Trình Quốc Toàn nói.

Theo một số cán bộ xã, người dân đang thiếu vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất, trong khi lúc này đang vào mùa mưa, dịch bệnh phát triển...

Ông Yến cho biết thêm trong những ngày tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng vận chuyển hàng hóa bức thiết lên núi, tổ chức bán hàng bình ổn, trợ giá phần chênh lệch để phục vụ đầy đủ cho người dân.

“Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách giải quyết và huy động thêm nhân vật lực hỗ trợ bà con. Đồng thời sẽ kiến nghị, đưa ra giải pháp để con đường sớm trở lại hoạt động bình thường” - ông Yến nói.

An toàn tuyệt đối mới cho đi lại bình thường

Theo dự kiến, sau khi giải phóng lòng đường ở vị trí sạt lở xong, Công ty Phát triển du lịch An Giang sẽ phối hợp với một số đơn vị khảo sát, hoặc thuê đơn vị có chức năng khảo sát địa hình vách núi dọc tuyến đường, tiếp đến là tìm cách xử lý hết những tảng đá có nguy cơ lăn xuống đường.

Công việc này, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng, sẽ thực hiện trong tháng 6-2012.

Ông Nguyễn Thành Tâm, giám đốc Sở GTVT tỉnh, cho biết sau khi kiểm tra thấy đảm bảo an toàn tuyệt đối thì tuyến đường lên núi mới cho đi lại bình thường. Như vậy, đường lên xuống núi Cấm bị tắc có khả năng kéo dài hàng tháng trời.

Theo Đức Vịnh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG