TPO - Trưa ngày 4/4, tàu cá QNg 90399 TS của thuyền trưởng Đặng Dũng đã đưa 16 ngư dân (bao gồm 12 thuyền viên trên tàu ông Dũng) và 4 ngư dân của tàu cá QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa cập cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) an toàn.
Ngay khi vào đất liền, tất cả 16 ngư dân trên được các chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ và ngành y tế huyện Bình Sơn tiến hành kiểm tra thân nhiệt, phun thuốc khử trùng toàn bộ tàu và khu vực xung quanh, đồng thời đưa toàn bộ 16 ngư dân đi cách ly tập trung tại cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Bình Sơn theo quy định để phòng ngừa dịch COVID -19.
Tàu cá QNg 90399 TS của thuyền trưởng Đặng Dũng về đến cảng Sa Kỳ trưa nay, 4/4 - ảnh Nguyễn Ngọc
Theo bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng trạm y tế xã Bình Châu, huyện Bình Sơn: “Qua kiểm tra thân nhiệt, toàn bộ 16 ngư dân trên sức khỏe đều bình thường, không có biểu hiện sốt, ho”.
Các thuyền viên được kiểm tra y tế - ảnh Nguyễn Ngọc
... và đưa đi cách ly dịch COVID-19 theo quy định - ảnh Nguyễn Ngọc
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Tàu của ông Thọ gồm có 8 ngư dân. Hiện còn 4 ngư dân nữa đang được tàu cá QNg 90929 TS của ngư dân Nguyễn Thành Linh đưa vào bờ, dự kiến mấy hôm nữa tàu sẽ về tới”. Như TiềnPhong đưa tin, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4, tàu cá QNg 90617 TS do ông Trần Hồng Thọ (1987, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, kiêm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên khác đang hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tại tọa độ16 độ 42 phút độ vĩ bắc - 112 độ 25 phút 44 giây độ kinh đông, gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Tàu cá QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị đâm chìm ở Hoàng Sa sáng ngày 2/4/2020 - ảnh ngư dân cung cấp
Sau khi bị tông chìm, có 3 tàu cá khác, gồm tàu QNg 90045 TS (do ông Đặng Tự làm thuyền trưởng), tàu QNg 90399 TS do ông Đặng Dũng làm chủ và tàu cá QNg 90929TS do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ (cả ba đều ở xã Bình Châu) đến để cứu hộ tàu gặp nạn.
Tàu hải cảnh số hiệu 4301 của Trung Quốc được xác định đã đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ - ảnh ngư dân cung cấp
Đến 6 giờ sáng cùng ngày, Trung Quốc điều thêm 2 tàu khác đến ngăn cản, xua đuổi, vây bắt 2 tàu của ông Dũng và ông Linh đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát tịch thu, đập phá trang thiết bị trên tàu. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng đồng thời truy đuổi tàu cá QNg 90045 TS của ông Đặng Tự, dùng vòi rồng phun nước mãi đến đến 12 giờ trưa, khiến tàu ông Tự bị hư hỏng, mất mát nhiều máy móc, tài sản. Đến 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc đã bàn giao 8 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm cho hai tàu QNg 90399 TS và tàu QNg 90929 TS của ông Dũng và ông Linh, ép buộc quay vào bờ. Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.